24/11/2021 09:45 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sáng 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
* Văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng
Báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trình bày nhấn mạnh: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững, đó là: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, sáng tạo, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định: văn hóa là một mặt trận quan trọng, “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng.
Trong thời kỳ Đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm kế thừa, phát triển tư duy lý luận về văn hóa và chăm lo phát triển văn hóa, con người Việt Nam, coi văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Báo cáo tóm tắt cho thấy, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa tiếp tục được đổi mới. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội trong triển khai các nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người ngày càng chặt chẽ.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa từng bước được nâng lên. Nhà nước ban hành nhiều chính sách, pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Quan tâm, tạo cơ chế triển khai chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa công sở, văn hóa gia đình...
Việc đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến và tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động văn hóa đã được quan tâm. Nhân dân các vùng miền, các dân tộc, các tôn giáo đóng góp sức người, sức của, tổ chức các hoạt động văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn...
Việc xây dựng môi trường văn hóa đạt được kết quả tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” được đẩy mạnh. Sự liên kết, phối hợp giữa ba lĩnh vực: gia đình - nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho thế hệ trẻ được coi trọng.
Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hương ước, quy ước văn hóa ở khu dân cư được quan tâm. Nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội và đánh giá cao sự đóng góp của văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hóa dân tộc. Báo chí, truyền thông, xuất bản là vũ khí tư tưởng, văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn quan trọng góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến tốt hơn cả về nhận thức và hành động, thể hiện ở văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh. Một số ngành công nghiệp văn hóa của nước ta có bước đổi mới, phát triển như điện ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, thời trang, du lịch văn hóa...
Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.
* Góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trước yêu cầu mới
Báo cáo nêu ra một số bài học được rút ra trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đó là không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đẩy nhanh, đồng bộ việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, con người thành pháp luật, các chính sách cụ thể, thiết thực, kể cả các chính sách đặc thù, tạo môi trường pháp lý, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực của xã hội.
Tăng đầu tư cho hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa theo hướng tăng cường tính hiệu quả, tính chi phối, không phát triển thiết chế theo một mô hình có sẵn, cứng nhắc, dàn trải mà phải phù hợp với đặc điểm vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, từng nhóm đối tượng; phát huy tính tích cực của hệ thống thiết chế văn hóa truyền thống; xây dựng một số thiết chế văn hóa tiêu biểu, hiện đại, chuyên nghiệp tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm.
Chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, đánh giá, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ở các cấp có đức có tài, có kinh nghiệm và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ có chuyên môn tốt, khả năng hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực; chú ý đến việc phát hiện, đào tạo, sử dụng tài năng văn hóa, văn nghệ ở một số lĩnh vực, bộ môn có tính đặc thù, chất lượng cao, năng lực đặc biệt.
Việc xây dựng môi trường văn hóa phải được thực hiện đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Phát huy tinh thần yêu nước, thực hành dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa, xây dựng cơ chế phối hợp, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa. “Xây” luôn đi đôi với “chống”, cổ vũ, động viên nhân tố mới, điển hình tiên tiến; kiên quyết đấu tranh đẩy lùi cái xấu, các ác, cái tiêu cực tha hóa con người, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, xã hội, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hồng Điệp - Thu Phương (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất