30/04/2015 13:38 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN, tác giả bức ảnh nổi tiếng Xe tăng Quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/75 cùng các đồng nghiệp năm xưa đã có cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa với những người lính tăng năm xưa. Thể thao & Văn hóa Cuối tuần xin giới thiệu bài viết của ông về cuộc gặp gỡ này.
Chúng tôi và những người lính ấy đều có những khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời!
Những phóng viên trong tổ mũi nhọn của TTXVN hành quân cùng mũi đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 từ hướng Đông tiến vào trung tâm Sài Gòn trong ngày 30/4/1975.
Xe của nhóm phóng viên đi dọc theo những đông đặc người dân đổ ra đường chào đón các chiến sĩ giải phóng. Khi chúng tôi đến Dinh Độc Lập, những xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung. Vừa vào trong sân dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của dinh.
Một hình ảnh rất đẹp. Nắng trưa rực rỡ. Xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ nửa đỏ nửa xanh trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.
Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó. Đấy chính là bức ảnh Xe tăng Quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/75. Chiếc xe tăng đó mang số hiệu 846, một trong bảy chiếc xe thuộc đội hình thọc sâu của Lữ đoàn 203.
Gần 40 năm sau, các phóng viên trong tổ mũi nhọn của TTXVN - Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, tôi (nhà báo Trần Mai Hưởng - Thể thao & Văn hóa Cuối tuần) và Mạnh Hùng (báo QĐND) mới có dịp gặp lại các chiến sĩ xe tăng 846.
Một buổi gặp mặt rất thân mật, ấm cúng trong ngôi nhà của anh Nguyễn Quang Hòa, Đại đội phó kiêm trưởng xe 846 giữa những người làm báo và những người chiến sĩ may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập trong một thời khắc lịch sử!
Anh Nguyễn Quang Hòa, người La Khê, Hà Đông, truớc khi lên đường nhập ngũ là sinh viên đại học lâm nghiệp. Sau chiến tranh, anh công tác ở Bộ Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp một thời gian, rồi ra quân. Anh về lo công việc đồng áng với vợ, nuôi dạy bốn cô con gái nay đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Mới đây, anh bị xuất huyết não nhẹ. Trước đó phải đặt sten do bệnh tim…
Hai vợi chồng anh bây giờ có một quầy hàng nhỏ trước nhà. Cuộc sống mưu sinh chẳng dễ dàng gì nhưng điều cảm nhận được ở người lính ấy trong khi trò chuyện là sự thanh thản và lạc quan, bởi như anh nói, còn sống và gặp được anh em bè bạn là niềm vui, may mắn hơn bao nhiêu đồng đội khác đã hy sinh nằm lại trên các chiến trường!
Các anh Trần Bình Yên, lái xe; Trần Văn Quý, pháo thủ số 1 và Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số 2 khi rời quân ngũ, như hàng triệu người lính, cũng trở về với đời thường, sống cuộc sống của những người lao động. Anh Yên quê ở Hà Nam, anh Quý ở ngoại thành Hải Phòng, lại trở về với đồng ruộng. Anh Tứ người Hà Nội làm nghề lái xe khách nhưng đã nghỉ việc do sức khỏe yếu… Chúng tôi chỉ gặp được các anh Hòa, Yên, Tứ, còn anh Quý do không liên lạc kịp nên vắng mặt.
Buổi gặp mặt cũng có các anh Nguyễn Thanh Bình, nguyên là tiểu đoàn phó phụ trách kỹ thuật, anh Nguyễn Khắc Nguyệt, lái xe 380 và một số đồng chí khác.
Một không khí đầm ấm, xúc động. 40 năm đã qua. Chúng tôi gặp nhau từ khi là những người trẻ, giờ đã đứng tuổi, hầu hết đã nghỉ công tác. Câu chuyện gợi lại những năm tháng đã xa, những khoảnh khắc đáng nhớ trong mùa Xuân 1975 mà trong tâm trí mỗi người đều sâu đậm những kỷ niệm.
Anh Nguyễn Quang Hòa ôn lại những ngày cuối cùng của chiến tranh khi cùng anh em trong Lữ đoàn 203 đánh những trận cuối cùng ở Long Thành - Nước Trong, Đồng Nai. Đại đội của anh đã diệt nhìều xe tăng và thiết giáp của quân Sài Gòn. Các anh cũng bị bắn cháy 3 xe trong những ngày cuối cùng của chiến tranh. Bản thân anh cũng bị thương ở tay…
Khi tiến vào Sài Gòn trong mũi đột kích thọc sâu, các anh vừa đánh vừa hành tiến, có đoạn phải hạ nòng pháo bắn thẳng xuống tàu địch đang rút trên sông Sài Gòn; có lúc hết dầu phải đi kiếm từng can để theo kịp đội hình...
Anh kể: “Xe 846 của chúng tôi nằm trong đội hình 7 xe dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, vừa đánh vừa hành tiến vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi không phải là những xe đi đầu nhưng cùng trong đội hình thọc sâu tiến vào Dinh Độc Lập ngay trưa 30/4/1975. Khi xe chúng tôi vào ngang cửa dinh, các phóng viên chiến trường của TTXVN cùng hành quân với các chiến sĩ đã ghi lại khoảnh khắc đó một cách rất chân thực! Sau khi vào dinh, xe chúng tôi nằm trong nhóm 3 xe được giao nhiệm vụ bảo vệ phía sườn bên trái trong khi các xe khác án ngữ phía trước mặt. Chúng tôi được chúng kiến các diễn biến tại thời khắc lịch sử, đó là một vinh dự vô cùng to lớn trong cuộc đời người chiến sĩ. Ngay chiều hôm đó, cùng một số xe trong đơn vị, xe 846 được lệnh rút khỏi Dinh Độc Lập đi nhận nhiệm vụ khác. Sau đó, xe của chúng tôi không quay lại và không tham gia bất kỳ hoạt động nào ở khu vực dinh nữa!
Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số 2 cho biết, anh chính là người ở trên tháp pháo trong bức ảnh của tôi (Trần Mai Hưởng) và nhà báo Vũ Tạo cùng chụp khi xe đang qua cổng dinh. Sau chiến tranh, anh về làm nghề lái xe khách ở Hà Nội và đối mặt với bao khó khăn của đời thường. Con gái đầu lòng bị nhiễm chất độc da cam. Vợ anh làm nghề bán xôi để kiếm sống và chăm con. Bản thân anh mới đây mất sức lao động, bị cắt thanh quản vì bệnh ung thư, nói không ra tiếng, phải kết hợp cả cử chỉ và chữ viết để diễn đạt mọi điều…
Anh Tứ cho biết: “Nhiều năm sau chiến tranh, vào dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, một lần tôi vào TP.HCM, ghé thăm Dinh Độc Lập. Tôi nhận thấy bức ảnh xe tăng đang qua cổng Dinh Độc Lập phóng to treo tại đấy và nhận ngay xe 846 của chúng tôi và hình ảnh của chính mình trên tháp pháo… Tôi rất mừng và gọi điện báo cho anh Hòa và các anh trong xe biết”!
Trần Bình Yên, lái xe, vẫn dáng người cao lớn từ khi còn trẻ, trong bộ quân phục mới vẫn để dành cho những dịp đặc biệt. Anh đến dự cuộc gặp với người con trai lớn, vui vẻ nói về công việc làm ăn ở trang trại vùng Ba Sao, Hà Nam. Bao nhiêu năm sống với ruộng đồng nhưng những ký ức đẹp đẽ về một thời tuổi trẻ vẫn sâu nặng trong anh trong mỗi câu chuyện kể.
“Nước sông công lính”. Họ như muôn vàn người lính khác, làm xong nhiệm vụ của mình, trở về cuộc sống bình thường. Trong nhiều năm không hề biết rằng chiếc xe và hình ảnh của họ có mặt trong một bức ảnh của TTXVN được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng cho những ngày tháng lịch sử đó.
Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất