Nghệ thuật đương đại 'tắt điện' trước mạng xã hội

07/10/2015 11:56 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Marina Abramovic biểu diễn với khẩu súng chĩa vào đầu. Joseph Beuys sống chung với sói dữ... Nhưng ngày nay, khi mạng xã hội đầy ắp những hình ảnh gây sốc, liệu những chiêu mạo hiểm mạng sống như thế của các nghệ sĩ có tác dụng gây chú ý như mong muốn?

Năm 1974, đứng vô cảm trước một chiếc bàn trong phòng trưng bày ở Naples, nữ nghệ sĩ Marina Abramovic bắt đầu màn trình diễn Rhythm 0. Tờ giấy hướng dẫn ghi: “Có 72 thứ đặt trên bàn, người xem có thể sử dụng để làm bất cứ thứ gì với tôi. Tôi là một vật thể. Trong toàn bộ quá trình này, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thời gian là 6 tiếng đồng hồ”.

Một thời nghệ thuật gây sốc đến sửng sốt

Trên chiếc bàn là một mẩu bánh mì, nước hoa, cành hoa hồng, nho, kéo, móng tay, một viên đạn và một khẩu súng. Có người hôn Abramovic, có người tặng hoa cho cô. Nhưng sau đó, công chúng bắt đầu những hành động đáng sợ hơn.

Có người cứa vào cổ và uống máu cô. Có người đặt cô lên bàn, mở rộng hai chân và đặt con dao vào giữa. Họ cắt rách quần áo và đâm gai hoa hồng lên người cô.

Đỉnh điểm là một người đàn ông lắp đạn vào khẩu súng, chĩa vào đầu Abramovic. Ông ta còn lấy tay cô đặt quanh khẩu súng và cố ép cô bóp cò. Ngay lúc đó, một khán giả khác đã nhảy vào can thiệp, ném khẩu súng ra khỏi cửa sổ để ngăn chặn vụ tự tử bị ép buộc ấy.


Các màn trình diễn gây sốc của Marina Abramovic và Joseph Beuys hồi thập niên 70.

“Bài học tôi rút ra là nếu cho công chúng quyền quyết định, bạn có thể sẽ bị giết” – sau này nữ nghệ sĩ nói.

Cùng năm đó, nghệ sĩ nam Joseph Beuys trình diễn tác phẩm I Like America And America Likes Me (Tôi thích nước Mỹ và nước Mỹ thích tôi). Trong đó, anh sống chung 8 tiếng đồng hồ trong một phòng tranh với một con chó sói hoang dã. Kết quả là anh được đưa vào bệnh viện trên xe cấp cứu.

Năm 1975, Chris Burden trình diễn một màn mạo hiểm khác tên Doomed ở Chicago. Điều kiện đặt ra là anh sẽ ngồi nguyên một chỗ không làm gì cho đến khi một ai đó tương tác với anh. Kết quả là sau 45 giờ ngồi không và đói khát, Burden được một người bảo vệ bảo tàng mang đến cho một cốc nước. Nếu bị bỏ mặc nhiều ngày, có thể nghệ sĩ sẽ chết.

Khắp nơi “trình diễn đương đại”

Những màn trình diễn này được giới nghệ thuật ghi nhận, bởi tính dự báo tương lai của chúng. Tất cả chúng đều hư cấu, nhưng chứa đựng những mạo hiểm nói lên sự thật về con người, về sự tàn nhẫn gây sốc của họ.

Màn trình diễn Rhythm 0 của Abramovic đã dùng sự bị động của nghệ sĩ để làm bộc lộ những ý muốn tội lỗi ở người xem. Tương tự là màn trình diễn Cut Piece của Yoko Ono sau này, tại đó bà phát một chiếc kéo để người xem thoải mái cắt xé quần áo của nữ nghệ sĩ.

Nhưng không phải bao giờ người xem cũng có những phản ứng độc ác.

Một trong những ngôi sao của kiểu trình diễn đương đại mạo hiểm là Eva Hesse. Các tác phẩm điêu khắc của cô làm bằng nhựa và cao su không bền, có thể thay đổi hình dạng và phân rã, tạo thành tác phẩm cuối cùng.

Điều đó có bản chất tương tự với các màn trình diễn mạo hiểm: hình thù của chúng tùy thuộc vào cách công chúng “nhào nặn” nên. Với sự mạo hiểm quyết liệt này, các màn trình diễn đôi khi đánh cược cả mạng sống của nghệ sĩ cho mục đích là sự chân thực.

Nhưng những màn trình diễn như vậy ngày nay không còn nữa. Thực tế thì trong thời nay, các màn diễn như thế không còn có thể coi là gây sốc nữa. Thành thực mà nói, nghệ sĩ trình diễn khó có thể lột trần điều gây sốc, trong một thế giới đã đầy rẫy những sự việc như thế.

Người nghệ sĩ vắt óc tìm kiếm ý tưởng mới lạ có thể sẽ chẳng thu hút sự chú ý bằng đoạn video ghi cảnh một người bình thường chuyên chụp ảnh tự sướng ở Canada bị một tài xế tàu hỏa người Peru liên tục đá lên đầu. Đoạn video khi được tung lên YouTube không những khiến anh chàng chụp ảnh tự sướng kia nổi tiếng mà còn mang về cho anh ta số tiền hàng ngàn USD.

Khi điện thoại thông minh vẫn hàng ngày quay phim tài liệu và quay các màn “trình diễn đương đại” không sắp đặt của những người bình thường, các nghệ sĩ đương đại có rơi vào cơn khủng hoảng ý tưởng và thông điệp?

Trong màn trình diễn Art Whore hồi năm 2011, nam nghệ sĩ người Trung Quốc Cheng Li đã quan hệ tình dục với bạn diễn là nữ giới, ngay trước mặt các khán giả ở Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Bắc Kinh. Hậu quả là anh này bị bắt và kết án cải tạo lao động một năm trời.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm