16/05/2016 17:08 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 16/5, tại thành phố Huế đã diễn ra hội thảo khoa học "Vua Duy Tân và cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916". Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày vua Duy Tân tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ và bị thực dân Pháp bắt lưu đày biệt xứ cho đến lúc nhà vua qua đời vào năm 1945.
23 bài tham luận của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước gửi đến và trình bày tại hội thảo đã đề cập tương đối toàn diện về bối cảnh lịch sử quốc tế, Việt Nam và Huế đầu thế kỷ XX, về tiểu sử vua Duy Tân, trọng tâm là vấn đề vua Duy Tân với cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916 cùng một số nhân vật lịch sử trong cuộc khởi nghĩa.
Các tham luận đã làm nổi bật vai trò của vua Duy Tân với cuộc vận động khởi nghĩa ở Trung kỳ năm 1916; khẳng định việc tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân là mong muốn chính đáng của sĩ phu yêu nước Trung kỳ và xuất phát từ ý thức yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, muốn giải phóng dân tộc ra khỏi đêm dài nô lệ của vua Duy Tân.
Dựa trên những thành tựu nghiên cứu về vua Duy Tân và cuộc vận động khởi nghĩa năm 1916, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu dự hội thảo cũng đưa ra nhiều nguồn tư liệu mới được phát hiện, cung cấp nhằm xác minh nhiều sự kiện và nhân vật, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về cuộc khởi nghĩa mà trước đây giới nghiên cứu còn băn khoăn như: Thời gian và địa điểm gặp gỡ giữa vua Duy Tân với các nhà yêu nước bàn việc khởi nghĩa; vấn đề để lộ thông tin dẫn đến cuộc khởi nghĩa bị thất bại; về địa điểm vua Duy Tân bị bắt.
Hội thảo cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết trong bảo tồn và phát huy các giá trị di tích liên quan đến vua Duy Tân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc.
Cuộc khởi nghĩa ở Trung kỳ có ý nghĩa rất to lớn đối với lịch sử dân tộc. Tuy cuộc khởi nghĩa chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng các hoạt động của vua Duy Tân đã làm chấn động bộ máy cai trị thực dân Pháp ở thuộc địa. Nhà vua đã thức tỉnh triều đình và nhân dân về ý thức chống ngoại xâm. Sau khi bị bắt, Nhà vua vẫn thực hiện lý tưởng chống Pháp của một vị vua yêu nước.
Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Duy Tân là vị vua lên ngôi nhỏ tuổi nhất trong 13 vua triều Nguyễn. Tuy nhiên nhà vua lại là người chững chạc, có khí phách của một bậc đế vương. Cũng như cha mình, vua Duy Tân là người có tư tưởng chống Pháp. Nhà vua đã cùng Thái Phiên, Trần Cao Vân... vạch định cuộc nổi dậy chống Pháp vào ngày 3/5/1916.
Nhưng âm mưu bại lộ, Nhà vua cùng Thái Phiên và Trần Cao Vân trốn ra khỏi Kinh thành. Sau đó, Vua Duy Tân bị Pháp bắt và bị kết tội rồi đày sang đảo Réunion cho đến khi mất ở tuổi 46. Ngày 6/4/1987, hài cốt Nhà vua đã được cải táng, đưa về an táng trong khuôn viên của An Lăng (Lăng Dục Đức), thành phố Huế.
TTXVN/Quốc Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất