10/03/2021 08:24 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Qua 27 kỳ của loạt bài Từ “cái nôi” sân khấu - điện ảnh Việt Nam, chúng ta đã lần lượt gặp những gương mặt thành danh được đào tạo, hoặc tham gia giảng dạy, hoặc có gắn bó với 41 năm Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (và cũng là 62 năm, nếu tính từ các "tiền thân" của trường là Trường Sân khấu Việt Nam và Trường Điện ảnh Việt Nam (đều thành lập từ 1959). Còn các lứa sinh viên mới ngày nay thì sao? Chúng ta hãy cùng "mục sở thị" một mùa báo cáo tốt nghiệp của các em.
Trước khi là giảng viên cơ hữu Khoa Kiến thức cơ bản Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (2015), tôi đã có “thâm niên” 10 năm làm giáo viên thỉnh giảng. Tôi dạy 2 môn Cơ sở văn hóa Việt Nam và Đường lối Văn hóa - Văn nghệ cho sinh viên toàn trường. Riêng sinh viên lớp Biên đạo múa đại chúng của Khoa Múa học thêm môn Quản lý văn hóa.
3 môn dạy liên quan đến văn hóa, tôi đều cố gắng gắn văn hóa Việt với các chuyên ngành các em đang theo học để sinh viên biết vận dụng, hiểu kiến thức cơ bản sẽ là nền móng quan trọng, hỗ trợ sinh viên rất nhiều, đặc biệt sau này tác nghiệp chuyên môn.
Tôi đến dự báo cáo tốt nghiệp của sinh viên các khoa của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội trong tâm thế chờ đợi và kỳ vọng. Vào mùa bảo vệ tốt nghiệp, từ Nhà hát A3, phòng chiếu phim của trường, đến Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam… lúc nào cũng chật kín sinh viên, gia đình, bạn hữu sinh viên đến chúc mừng.
Xem báo cáo tốt nghiệp của sinh viên từ kịch nói, phim (phim tài liệu, phim truyện) đến múa, kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, rối)… tôi thực sự xúc động và để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Sau thời gian học tập (2 năm đào tạo liên thông, văn bằng 2; 4 năm đào tạo đại học), sinh viên đã lao động thực sự nghiêm túc, say mê, tâm huyết với nghệ thuật. Điều đó đã được thể hiện trong từng vai diễn thăng hoa đầy cá tính, sáng tạo.
Các em vừa là báo cáo tốt nghiệp những thành quả học tập, rèn luyện của mình, vừa tri ân các thấy cô giáo đã dày công đào tạo, rèn rũa mình trong thời gian học tập tại trường.
Liên kết đào tạo để "truyền nghề" tuồng
Gần đây, dự án liên kết đào tạo của Nhà hát Tuồng Việt Nam với Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã “ra ràng” lứa đầu tiên gồm 33 sinh viên đào, kép, nhạc công. Lớp diễn viên Tuồng khóa 34 (Hệ trung cấp) báo cáo tốt nghiệp 3 vở tuồng cổ: Sơn hậu, Đào Tam Xuân và Nghêu - Sò - Ốc - Hến, cùng 3 trích đoạn tuồng mẫu mực: Châu Sáng qua sông, Đào Tam Xuân đề cờ và Hồ Nguyệt Cô hóa cáo.
Sinh viên có giọng hát khá tốt, nắm bắt được tâm lý nhân vật, những bài múa, đánh quyền làm cho động tác vừa uyển chuyển và lại vừa dứt khoát.
Cả 2 kịch bản tuồng truyền thống Sơn Hậu và Đào Tam Xuân đều do NSND Mẫn Thu chịu trách nhiệm dàn dựng. Vở Sơn Hậu được coi là vở tuồng cung đình kinh điển mẫu mực của Việt Nam, thường được các đoàn hát bội trình diễn trong Lễ Kỳ yên ở các đình làng Nam Bộ.
Vở diễn do 4 nghệ sĩ: NSƯT Lê Trần Vinh, NSƯT Đức Mười, NSƯT Đức Lợi và NSƯT Ngọc Khánh chịu trách nhiệm xử lý âm nhạc truyền thống. 5 nghệ sĩ: NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái, NSND Xuân Quý, NSƯT Văn Thúy, NS Đức Mạnh cùng tham gia hướng dẫn đã làm nên thành công cho vở tuồng mẫu mực. Tạ Trung Hiếu vào vai Tạ Ôn Đình. Vai Khương Linh Tá do Nguyễn Đình Thuận đóng, vai Đổng Kim Lân do Nguyễn Đình Tiến thể hiện. 2 sinh viên đã thể hiện trong vai diễn tình bạn đẹp đẽ, cao quý của Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá. Nguyễn Thị Lan Hương vai Mụ Đổng, Nguyễn Thị Linh Trang vai Nguyệt Hạo và Nguyễn Thị Thu Huyền vai Thứ phi cùng dàn nhạc Lớp nhạc công Tuồng tham gia biểu diễn.
Nét nổi bật, xuyên suốt trong vở tuồng Sơn Hậu là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa 2 tuyến nhân vật đại diện cho chính - tà, thiện - ác… để khẳng định chân lý đã thành truyền thống ứng xử của dân tộc là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà.
Đánh giá mô hình Dự án liên kết đào tạo của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSƯT Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam phấn khởi cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi xem kết quả báo cáo tốt nghiệp của sinh viên. Niềm vui của chúng tôi đầy hơn bởi những hy vọng mới về một lớp kế nghệ sĩ cận đam mê và tài năng trở thành những gương mặt mới của nghệ thuật tuồng”.
Quá trình truyền nghề sẽ bảo tồn nguyên gốc các đặc trưng, giá trị của nghệ thuật truyền thống là cơ hội cho diễn viên trẻ cọ xát, trưởng thành. Cách truyền nghề vẫn theo truyền thống. Giám đốc Phạm Ngọc Tuấn nói tiếp: “Nhiều nghệ sĩ đã thành danh, giáo viên uy tín, tâm huyết trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam được chúng tôi mời tham gia giảng dạy và truyền nghề cho học sinh. Chương trình học theo hướng tạo điều kiện cho các em thực hành biểu diễn nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Chúng tôi xác định, truyền để các em làm được nghề mới thôi. Thầy diễn thế nào trò diễn thế ấy, thầy hát thế nào trò hát theo thế. Làm sao để khi ra trường, trò có kiến thức nền tảng cơ bản, chắc chắn để sáng tạo. Sau buổi học tại trường, sinh viên đến nhà các nghệ sĩ gạo cội, như: NSND Mẫn Thu, NSND Minh Gái, NSƯT Xuân Quý… nghe nói chuyện về tuồng. Hoặc khi Nhà hát có chương trình biểu diễn, thầy trò cùng ra rạp thưởng thức để cùng học và ngấm dần nghiệp tuồng”.
Dự án liên kết đào tạo này mới đi những chặng đường đầu, nhưng đã hứa hẹn kết quả tốt, khả thi. Không chỉ sân khấu tuồng mà sân khấu chèo cũng thấy cách đào tạo này phù hợp với các môn kịch hát dân tộc.
NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam rất vui mừng trước thành quả của Lớp diễn viên chèo liên thông K36 Nhà hát gửi đi học (Ngọc Bích, Thúy Hạnh, Vũ Mai, Thu Hiền, Duy Toàn…) và khẳng định cách truyền nghề: “Ngoài buổi học tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, hoặc học nghề tại Nhà hát, sinh viên có nhiều cơ hội nhận được các vai nhỏ, thường xuyên được dự các buổi tập, buổi diễn để nâng cao khả năng cọ xát và bản lĩnh sân khấu, có nhiều cơ hội trưởng thành hơn. Giờ đây nhìn đội ngũ kế cận, tôi cảm thấy thực sự yên tâm; an lòng; xúc động khi vẫn có nhiều khán giả yêu mến chèo. Tôi vẫn luôn tin rằng nghề chẳng phụ người, nếu chúng ta có chiến lược, có cách tiếp cận, đào tạo và phương pháp truyền lửa cho các em, chắc chắn nghệ thuật chèo vẫn có sức sống đặc biệt của nó”…
Nhập vai với những đề tài xã hội gay cấn
Sinh viên lớp diễn viên Kịch - điện ảnh, Khoa Sân khấu khóa 34 báo cáo tốt nghiệp 2 vở kịch nói Mùi hoa sữa (tác giả: Nguyễn Anh Biên, đạo diễn: Phan Trọng Thành) và Nguồn sáng trong đời (tác giả: Lưu Quang Vũ) khá tốt. Dòng cảm xúc của tôi như còn miên man với nội dung vở kịch nói về những vấn đề xã hội khá gay cấn mà sinh viên đã hóa thân xuất sắc vào từng vai diễn.
Vở kịch Mùi hoa sữa xoay quanh “cuộc chiến sinh tử” của chính những người trong một gia đình về quan điểm sống: Bảo vệ hay phá bỏ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông. Xung đột kịch giữa 2 tuyến nhân vật như nước với lửa giữa 1 bên ham vật chất, chạy theo đồng tiền, nảy sinh những mưu mô tranh đoạt, giành giật quyền lợi vật chất… và 1 bên đấu tranh không khoan nhượng để giữ gìn những giá trị văn hóa, truyền thống của gia đình. Con đường đấu tranh hết sức gian nan, nhưng vở kịch khép lại ở cái thiện, cái đẹp của con người để bảo vệ những điều tốt đẹp nhất đã chiến thắng cái ác, cái xấu.
Vở Nguồn sáng trong đời dựng lại cho sinh viên khóa 34 năm nay có nhiều nét mới. Từ kịch bản kinh điển của cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cách đây gần 40 năm dường như vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Đó là câu chuyện về ghép mạc, hiến nội tạng dường như không xưa cũ với thực tế cuộc sống hôm nay. Sinh viên đã làm nên sức hấp dẫn, rung động lòng người khi đã hóa thân, khắc họa chân thực sự hy sinh cao cả của các nhân vật trong vở kịch. Tính thời sự còn thể hiện khi thầy và trò chọn, dựng lại vở diễn làm báo cáo tốt nghiệp nhân kỷ niệm 70 năm sinh và 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ (29/8/1988 - 29/8/2018).
Khúc vĩ thanh
Cảm xúc trong tôi vẫn nồng nàn trong từng vai diễn của sinh viên báo cáo tốt nghiệp năm nay.
Hàng năm, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội may mắn đón một “lứa chim ra ràng”. Công vun trồng có thể hứa hẹn một “mùa vàng” bội thu. Có thể lứa sau tốt hơn, hứa hẹn hơn lứa trước. Hoặc cũng có thể các khóa sau phải học theo các thế hệ đi trước rất nhiều. Qua kỳ cuộc này, mới thấy đây là một kho tài nguyên nghệ thuật đầy tiềm năng thể hiện lao động sáng tạo nghiêm túc của sinh viên. Trường có thêm bề dày trong công tác đào tạo.
Trường là nơi đào tạo ra những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, lý luận, phê bình nghệ thuật, những người làm kỹ thuật, kinh tế, công nghệ trong các ngành nghệ thuật sân khấu và điện ảnh cũng như truyền hình. Trường đã thiết lập được mối liên kết đào tạo với các trường nghệ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới như: Trường Nghệ thuật Sân khấu Maxtcơva, Học viện Nghệ thuật Sân khấu Saint - Petersburg, Trường nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Hàn Quốc, Học viện Kịch nghệ Trung ương Trung Quốc, Viện Kịch nghệ Quốc gia Australia (NIDA), Viện Kịch nghệ Quốc gia Nauy, Học viện nghệ thuật và truyền thông Dong - A Hàn Quốc…
PGS-TS-NGND Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng Trường đã khẳng định: “Chúng tôi luôn cố gắng cập nhật các chương trình đào tạo mang tính hiện đại, phù hợp với nhu cầu xã hội”. Nối tiếp các thế hệ sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã khẳng định hiệu quả của mô hình đào tạo; nhiều cựu sinh viên khẳng định uy tín trong công tác quản lý, chuyên môn, được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú… Có thể kể đến những tên tuổi được đào tạo trong “Chiếc nôi sân khấu - điện ảnh” đã trở thành những nghệ sĩ tên tuổi, như: Hải Ninh, Hoàng Tích Chỉ, Huy Thành, Hồng Sến, Nông Ích Đạt, Trà Giang, Tuệ Minh, Minh Đức, Đức Lưu, Bùi Cường, Bùi Bài Bình, Nguyễn Hữu Mười, Vũ Đình Thân, Đỗ Thanh Hải, Đăng Khoa, Thanh Quý, Xuân Hinh, Quốc Trượng, Thanh Ngoan, Tự Long, Xuân Bắc, Triệu Trung Kiên, Trung Hiếu, Tống Toàn Thắng, Minh Hằng, Lê Khanh, Đỗ Doãn Bằng, Vi Kiến Thành...
Tôi rất ấn tượng với những báo cáo tốt nghiệp của sinh viên. Ngoài đánh giá kết quả cho sinh viên tốt nghiệp hàng năm, đây là một nguồn tác phẩm tiềm năng cho sinh viên tham gia vào các kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi tài năng trẻ... Tổ chức hoạt động này chính là tạo môi trường nghệ thuật để sinh viên sớm có cơ hội “cọ xát”, thử sức để từng bước tự tin, khẳng định bản thân, bản lĩnh sân khấu để trưởng thành.
Thành công từ vở Quẫn (tác giả: Lộng Chương) được đạo diễn Trần Lực dàn dựng theo phong cách ước lệ tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ II (2016) là một tín hiệu vui khiến tôi cứ thầm mong ước. Mong vở kịch nói Mùa hoa sữa có thể tham dự Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ III (2018) trong cuộc hội ngộ đa dạng các loại hình nghệ thuật cùng khắc họa chất người Hà Nội hào hoa, thanh lịch. Mong các vở cải lương tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 cùng 25 đơn vị nghệ thuật tại Long An (9/2018). Mong… Niềm mong đã hiện hữu khi xem vở diễn Tái sinh (tác giả: Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn: NSUT Bùi Như Lai) của Trường tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân lần thứ IV- 2020 đoạt HCV; vở diễn kịch nói Những người ở lại (tác giả: Nguyễn Huy Tưởng, đạo diễn: NSƯT Lê Thị Thúy Nga) do sinh viên K36 thể hiện tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô năm 2020 được nhận Bằng khen sáng tạo nghệ thuật về đề tài Hà Nội.
Đây là một hướng đào tạo phù hợp để đón đầu trong tương lai Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội sẽ trở thành một trong các trường đào tạo sân khấu - điện ảnh hàng đầu trong khối ASEAN.
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất