Bí ẩn Tô Hoài, bí ẩn Mường Giơn

13/07/2014 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Khi còn sống, nhà văn Tô Hoài từng nhiều lần muốn về lại Mường Giơn vì muốn tri ân vùng đất còn nhiều bí ẩn ấy. Tìm kiếm trên Google, lạ thay không có địa danh nào ở Việt Nam là “Mường Giơn” mà chỉ có “Chuyện Mường Giơn”, chính là tên tác phẩm của cụ.

Bây giờ cụ không còn, vùng đất Mường Giơn tiếp tục ngủ vùi trong bí ẩn, nhất là khi chưa có cây bút nào tìm đến vùng đất ấy và khám phá nó bằng văn chương như cụ.

“Có cái chết hóa thành bất tử”

Năm 2010, Giải thưởng Lớn giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, do báo TT&VH (TTXVN) tổ chức nhằm tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm “vì tình yêu Hà Nội”, đã thuộc về nhà văn Tô Hoài. Người viết bài này được BBT báo TT&VH phân công đến “rước” nhà văn đến Hội trường TTXVN để dự lễ trao giải.

Đầu tiên, cụ đùa tôi bằng một câu hỏi: “Bùi Xuân Phái…. Bùi Xuân Phái là ông nào? Sao ông ấy lại có giải thưởng cho tôi?”.

Sau một hồi giải thích, cụ Tô Hoài tủm tỉm cười, mí mắt nhíu lại: “Đùa tí thôi. Ông Phái là ông… Phái, một họa sĩ nghèo nhưng đã dựng nên cả một Hà Nội bằng tranh. Nói thế cho nó văn học. Anh Phái với tôi bằng tuổi nhau. Chỉ khác là anh ấy mất trước tôi, có giải thưởng mang tên anh ấy. Còn tôi chưa chết và chẳng dám mơ sau này có giải thưởng nào mang tên mình?!”.  

Tôi can cụ không nên mang cái chết ra để… “đùa” thì cụ cười: “Ai mà chả sợ chết. Nhưng có cái chết mà như không chết. Đấy, như anh Phái, anh ấy không còn, nhưng với những gì anh ấy làm được, khác gì anh ấy còn sống, sống mãi ấy chứ! Đùa gì!”.

Nhà văn Tô Hoài (phải) và con gái Sông Thao tại lễ kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký vào năm 2012 tại Hà Nội. Ảnh: Mi Ly

Nên tìm lại những “tình yêu Hà Nội”

Tô Hoài kể, trước kia cụ làm báo, từng muốn tổ chức một giải thưởng kiểu như Bùi Xuân Phái của báo TT&VH, nhưng rồi vì nhiều lý do, ý tưởng ấy đã không thành hiện thực.

Theo góp ý của tác giả của Dế Mèn phiêu lưu ký, giải thưởng Bùi Xuân Phái nên mở rộng “bộ lọc” sang các lĩnh vực khác, không nên khu biệt trong một vài lĩnh vực như hiện nay. Cụ cho rằng, vì tình yêu Hà Nội không chỉ có ở thời hiện tại, trông chờ vào tương lai mà thậm chí nên “lục lọi” lại những tình yêu Hà Nội trong quá khứ để tôn vinh.

Cụ ví dụ, thời chiến, có những cá nhân, tập thể, gia đình đã dành tất cả những gì họ có cho thủ đô, đã được lịch sử ghi nhận, Đảng, Nhà nước ghi công thì vẫn nên tôn vinh, vì những việc làm đó, hành động đó cũng giống như một tác phẩm, chỉ làm được một lần.

Khát khao trở lại Mường Giơn

Sau lần tôi đưa, đón cụ nhận giải xong, tưởng sẽ chẳng bao giờ gặp lại cụ nữa. Nhưng ngay ngày hôm sau, tôi đã lại phải đáo qua nhà gặp cụ vì hôm nhận giải xong, cụ về thẳng nhà, chưa cả kịp ký nhận tiền thưởng.

Nhận tiền, cụ chẳng màng là bao nhiêu mà chỉ bảo: Được tiền à. Thích nhỉ. Lâu lắm rồi mới được ký….

Run run cầm cây bút, cụ tranh thủ kể: Hồi năm 1965-1972 tôi làm tổ trưởng dân phố. Thời bao cấp mà, nên cả ngày phải ký tem phiếu mỏi tay. Chính vì ký nhiều nên tôi ký vững và chữ ký đẹp lắm! Cụ bảo: Tớ ký lên tay cũng đẹp lắm. Đưa tay cậu đây tớ ký cho (Trong lần gặp đầu tiên, cụ đã đổi cách xưng hô thành “tớ” – “cậu” – PV).

Tôi chìa tay ra cho cụ, nhưng thay vì ký tặng, cụ cầm tay tôi kéo lại gần nói nhỏ: Cậu biết Mường Giơn không? Dải đất Mường Giơn ở Tây Bắc ấy. Tớ từng nằm ở đó cùng anh Mai Lộc một tháng để viết lách về người Thái trắng. Vùng ấy còn nhiều bí ẩn lắm. Trước đây, tớ từng rủ Nông Quốc Bình (con nhà văn Nông Quốc Chấn) về đó, muốn giải mã vùng đất bí ấn đó bằng một bộ phim, tớ sẽ bám càng và làm cố vấn, nhưng bặt vô âm tín…

Bẵng đi một thời gian, có lần được “bám càng” một nhà văn đến thăm cụ, tôi có hỏi cụ đã về lại Mường Giơn chưa? Cụ mấp máy môi: Về rồi. Về bằng cái Chuyện Mường Giơn rồi. Nhưng tớ sẽ về lại. Vùng ấy còn nhiều bí ẩn lắm…!

Tôi thử tìm kiếm trên Google về địa danh Mường Giơn, kết quả nhiều nhất là tên truyện ngắn Chuyện Mường Giơn của cụ. Ngoài ra chỉ có Mường Giôn, một địa danh thuộc vùng xa ở Quỳnh Nhai (Sơn La).

Liệu Mường Giôn có phải là Mường Giơn mà cụ Tô Hoài đã đến, đã viết và muốn về lại?

Tất cả vẫn là một “bí ẩn”, và còn nhiều bí ẩn. Bí ẩn không phải vì trước khi “hạc giá quy tiên” cụ Tô Hoài chưa kịp giải thích, mà đơn giản là chưa có cây bút nào đến với vùng đất ấy, ăn nằm ở đó, để hiểu, để viết, để trăn trở và muốn giải mã những bí ẩn của vùng đất ấy bằng văn chương như cụ.

 

Phạm Huy Thông
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm