EURO 2016: Có cách nào khác ngoài những quả luân lưu?

18/07/2016 19:46 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Cho tới thời điểm này của EURO 2016, đã có 4 trận ở các vòng đấu loại trực tiếp phải đá thêm hiệp phụ, và 3/4 trận đó kết thúc trên chấm 11 mét, và như mọi khi, người hâm mộ lại đặt ra câu hỏi: còn cách nào khác để phân xử một trận đấu hòa công bằng hơn loạt đấu súng may rủi hay không?

Đủ kiểu ý tưởng

Ở EURO đang diễn ra thì đội sút luân lưu sau đang dẫn 2-1 so với đội sút trước: Đức và Ba Lan sút sau thắng Italy và Thụy Sĩ, trong khi BĐN sút trước thắng Ba Lan. Nhưng thống kê chi tiết từ trước tới giờ cho thấy đội sút trước có lợi thế rất lớn. Để tìm một cách quyết định thắng bại công bằng hơn, nhiều lý thuyết gia, cả bóng đá lẫn ngoài nghề, đã vào cuộc.

“Luật đuổi bắt”, được Steven Brams của Đại học New York (Mỹ) và Mehmet Ismail của Đại học Maastricht (Hà Lan) chẳng hạn, đề xuất áp dụng luật sút phạt đền mới như sau: nếu trong một lượt sút, một đội ghi bàn, còn đội kia thì không, thì đội không ghi bàn sẽ được chuyển lên sút trước ở lượt tiếp theo.

“Luật lệ trong nhiều môn thể thao không công bằng, không đảm bảo những người tranh tài có tỉ lệ chiến thắng như nhau”, những nhà nghiên cứu viết. “Ví dụ là đá luân lưu trong bóng đá, khi trọng tài tung đồng xu để quyết định đội nào sút trước, và đó là đội có lợi thế rất lớn, cả trên lý thuyết và trong thực tế. Luật đuổi bắt của chúng tôi sẽ khiến việc sút luân lưu công bằng hơn”.

Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy, ở những giải lớn trong giai đoạn 1970-2013, đội sút luân lưu trước chiến thắng hơn 60% tổng số trận, và các đội đều biết điều này. Khi các HLV và cầu thủ được hỏi trong một cuộc thăm dò nếu được chọn thì họ muốn sút trước hay sau, 90% chọn trước, theo một bài báo khoa học đăng trên tạp chí American Economic Review năm 2010.

“Những loạt sút phạt đền thật đáng ghét”, báo Mỹ The New York Times bình luận sau khi trận chung kết Copa America 2016 giữa Argentina và Chile phải giải quyết trên chấm 11 mét (Chile thắng 4-2 và là đội sút trước). “Một môn thể thao tập thể bỗng nhiên trở thành một trò may rủi khi những cầu thủ đã kiệt quệ cả về sức lực lẫn tinh thần từng người một đi hết nửa sân để cố gắng sút bóng vào gôn từ khoảng cách 11 mét… hoàn toàn lố bịch và xấu xí”.


Simone Zaza đá hỏng quả penalty trong trận đấu giữa Đức và Italy ở EURO 2016

Những điều đó khiến cho số phận rất nhiều trận đấu lớn trong lịch sử bóng đá hoàn toàn phó mặc cho may rủi. Trong một giải pháp khác, được phóng viên kinh tế thể thao của Forbes, Jim Pagels, đưa ra năm 2014, anh đề xuất thay vì đá luân lưu, các đội sẽ loại bỏ dần từng người, và đổi quyền phát bóng, cứ sau mỗi 10 phút tới khi chỉ còn 1 đối 1 trên sân, kèm theo “bàn thắng vàng”. Pagels lập luận việc có ít người hơn trên sân sẽ dễ dẫn tới bàn thắng hơn, trong khi vẫn đảm bảo được tính đồng đội và công bằng (những thủ môn-hậu vệ quét như Manuel Neuer sẽ trở nên cực kỳ giá trị nếu luật này được áp dụng).

Pagels cũng nói cách làm đó sẽ khiến các hiệp phụ hấp dẫn hơn nhiều khi HLV phải tính toán chiến thuật với những phương án cực kỳ đa dạng khi bước vào hiệp phụ. Thật ra, cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng từng nhắc tới phương án này sau khi Italy đánh bại Pháp ở chung kết World Cup 2006 trên chấm 11 mét. “Có lẽ chúng ta nên tổ chức đá lại nếu đó là trận chung kết, chỉ tiếc là không có thời gian”, Blatter nói khi đó. “Hoặc cũng có thể loại dần từng cầu thủ và áp dụng bàn thắng vàng”. Nhưng ý tưởng đó rồi đã trôi vào quên lãng.


Thủ môn Rui Patricio của Bồ Đào Nha cản phá thành công quả đá penalty của cầu thủ Ba Lan

Những giải pháp đáng chú ý khác cũng đã được nhắc đến nhiều năm qua bao gồm: Tổ chức đá luân lưu trước hiệp phụ, đồng nghĩa kết quả luân lưu chỉ có ý nghĩa nếu như ở 2 hiệp phụ sau đó vẫn không có đội nào ghi bàn, khiến đội đá luân lưu thua buộc phải chơi tấn công tích cực hơn (và cầu thủ nào sút hỏng trong loạt đấu súng cũng sẽ nỗ lực gấp đôi ở hiệp phụ); “tiền đạo, hậu vệ, thủ môn” là một ý tưởng cho phép một tiền đạo có 30 giây để ghi bàn trước một thủ môn và một hậu vệ đối phương; tính các chỉ số phụ, như số pha phạt góc, số lỗi mắc phải, hay số cú sút cầu môn.

Tuy nhiên, dễ thấy rằng các giải pháp này cũng đầy khiếm khuyết, và không nên tránh né việc đá luân lưu bằng mọi giá.

Nhưng chưa khả dĩ

Trong khi sút bóng là một phần quan trọng của bóng đá, các loạt luân lưu đã loại bỏ gần như mọi kỹ năng khác của cuộc chơi, bao gồm chuyền bóng, chiến thuật, đi bóng, tổ chức phòng ngự, tinh thần đồng đội, thể lực…

Cho tới khi nó được áp dụng vào năm 1970, nhiều trận đấu loại trực tiếp hoặc phải quyết định bằng tung đồng xu, hoặc đá lại nếu kết quả hòa. Ngay từ khi mới được áp dụng, sút luân lưu đã được nhìn nhận là tốt hơn tung đồng xu, nhưng còn nhiều khiếm khuyết. Ban điều hành hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), vốn chuyên về luật lệ cho bóng đá, nói họ “không hoàn toàn hài lòng” với giải pháp sút luân lưu.

Moutinho 'trốn' vẫn bị Ronaldo chọn đá penalty trước Ba Lan

Moutinho 'trốn' vẫn bị Ronaldo chọn đá penalty trước Ba Lan

Cá nhân, ích kỷ là những từ mà những người không ưa Cristiano Ronaldo thường dùng. Nhưng thực tế, cầu thủ 31 tuổi lại người luôn cổ vũ và là điểm tựa cho các đồng đội ở Bồ Đào Nha


Tuy nhiên, các loạt 11 mét có một điểm mạnh quan trọng là tính giải trí rất cao, sẽ tạo ra những dòng tít lớn, những người hùng và những tội đồ chỉ trong phút chốc, và với bóng đá, tính giải trí cao đồng nghĩa với nhiều tiền bạc và nhiều người xem hơn. Và rốt cuộc, chỉ riêng lý do đó cũng có thể đã đủ để các loạt sút luân lưu được duy trì thêm một thời gian dài nữa, bất chấp những tiến nói đòi hỏi đổi thay.

Trận Đức-Italy: Schweinsteiger suýt thành tội đồ

Đức tiếp tục là đội thành công nhất trên chấm 11 mét ở các giải đấu lớn: chiến thắng trước Italy là lần thứ 6 liên tiếp họ đánh bại đối thủ trong loạt luân lưu kể từ thất bại trước Tiệp Khắc ở chung kết EURO 1976. Nhưng đó có lẽ cũng là chiến thắng thót tim nhất. Đức bị dẫn trước sau 3 lượt đầu, bỏ lỡ cơ hội chiến thắng ở lượt thứ 5 và phải nhờ vào 3 cầu thủ trẻ mới có thể đi tiếp.

Khi tung đồng xu, Đức được chọn, nhưng đội trưởng của họ Bastian Schweinsteiger đã chọn đá sau, bất chấp các thống kê, có lẽ vì anh biết mình là người đá thứ 5 và muốn nhận lãnh trách nhiệm (hay vinh quang) to lớn đó. Tuy nhiên, Đức hiện giờ không còn như quá khứ với những cái đầu lạnh và đôi chân thép. Thomas Mueller chẳng hạn, chỉ sút thành công 7/11 quả phạt đền mùa này, và đá hỏng quả gần nhất của anh, cực kỳ quan trọng: trước Atletico Madrid ở bán kết Champions League. Mesut Oezil còn tệ hơn: 1/4, bao gồm lần đá hỏng trước Slovakia. 2 người đó, cùng Schweinsteiger bên phía Đức đã đá hỏng.

Antonio thì gặp thế khó về nhân sự. Người sút kinh nghiệm nhất của ông, Antonio Candreva (18/22) không thi đấu, người sút tốt nhất Eder (10/10 cho Sampodria) phải rời sân trước đó vì chấn thương. Như thế, cả danh sách của Italy đá phạt đền chỉ có Graziano Pelle là người từng thực hiện nhiều hơn 3 quả phạt đền (trong trận) trong cả sự nghiệp. Với Leo Bonucci, người đã sút thành công quả phạt đền của Italy trong trận, lần đối mặt với Neuer là lần đầu tiên trong sự nghiệp anh đá 11 mét! (khung)

Càng nổi tiếng càng hay đá hỏng

Tiến sĩ tâm lý học người Na Uy Geir Jordet đã nghiên cứu 37 lần đá luân lưu ở các giải World Cup, EURO và Champions League, tìm hiểu 298 cầu thủ khác nhau thực hiện 366 quả sút. Ông phân họ thành 3 loại: ngôi sao (nằm trong tốp 3 các danh hiệu cá nhân), vô danh (chưa bao giờ có danh hiệu nào), ngôi sao tương lai (chưa có danh hiệu, nhưng sẽ có trong tương lai). Tỉ lệ sút thành công trung bình là 74%, nhưng với loại 1 chỉ là 59%, loại 2 là 74% và loại 3 là 89%, điều giải thích rất đúng tại sao 3 cầu thủ trẻ của Đức, Julian Draxler, Joshua Kimmich và Jonas Hector, đều sút thành công đầy ấn tượng.

Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm