25/05/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tác phẩm Châu chấu (đa chất liệu, 170cm x 130cm, 2013) của Tạ Huy Long vốn thuộc chuỗi tác phẩm lấy cảm hứng từ tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Tối 23/5, trên Fanpage của Đông A, tác phẩm đã được đấu từ mức giá khởi điểm 0 đồng lên 75.100.000 đồng, với hơn 100 lượt đấu - một con số chứng tỏ sự sôi động và quan tâm đặc biệt.
Tạ Huy Long cho biết anh lần đầu vẽ dế mèn cho sách là khoảng năm 2006, trong lần xuất bản Dế mèn phiêu lưu ký năm 2008, lúc ấy chính nhà văn Tô Hoài viết tay phần nội dung. Song song đó, Tạ Huy Long cũng chuyển thể vài tranh vẽ thành tác phẩm đa chất liệu và từng tham gia trong triển lãm Dế mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), kéo dài từ ngày 21/1 đến 25/3 năm 2018. Tác phẩm Châu chấu cũng nằm trong chuỗi chuyển thể đa chất liệu này.
Từ hơn 10 năm vẽ dế mèn
Tạ Huy Long là dân gốc Hà Nội, nhưng gắn bó với đồng quê một cách rất tự nhiên, nên việc vẽ dế mèn, châu chấu với anh cũng hết sức tự nhiên như vậy. Trước khi đến với con dế mèn của Tô Hoài, năm 2000, Tạ Huy Long đã gây ấn tượng với minh họa cho truyện tranh Sự tích con nghê, được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao.
Từ đây, các câu chuyện và hình tượng dân gian Việt Nam được anh chú ý nhiều hơn, sâu hơn, vì vậy mà tạo ra được các hình ảnh vừa mang biểu tượng truyền thống, vừa hiện đại về chất liệu và vật liệu.
Con dế mèn bằng tầm vông mà Tạ Huy Long từng chuyển thể cho triển lãm Dế mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới dài hơn 10m. Anh làm mô hình nhôm uốn với tỷ lệ 1:10, sau đó anh cùng các nghệ nhân phóng to ra gấp 10 lần, với vật liệu tầm vông là chủ đạo, làm mất khoảng 3 tháng. Năm 2018, khi đến với VCCA, nhiều người xem đã rất ấn tượng với tác phẩm này. Họ chụp rất nhiều hình và tác phẩm của Long xuất hiện trên nhiều trang báo và mạng.
Tạ Huy Long chia sẻ: “Đa chất liệu là một sự tiếp diễn của quá trình sáng tạo của tôi. Sau khi vẽ trên giấy, tôi thích chạm tới những vật liệu khác, tới những cảm xúc khác hơn. Thay vì mình làm một họa sĩ, mình có thể làm một người thợ, một người thợ thiết kế, làm thủ công với các loại da, gỗ, tầm vông. Tôi cũng muốn thấy dế mèn, châu chấu trong hình hài 3 chiều của nó”.
Với quan niệm như vậy và sự kiên trì sáng tác, bên cạnh việc vẽ minh họa nhiều sách, Tạ Huy Long đã gây ấn tượng tốt qua các triển lãm như Ngày xưa tôi là… (2009, triển lãm cá nhân), Tôi vẽ tôi (2012, triển lãm nhóm), Dế mèn phiêu lưu ký - Chạm tới những thế giới (2018, triển lãm nhóm)…
Châu chấu và dế mèn chia sẻ “cốt cách”
Chương 9 của Dế mèn phiêu lưu ký có đoạn: “Đến đây, tôi xin mở dấu ngoặc nói về Châu Chấu Voi. Đây là những tay có bản lĩnh trước tiên, xướng xuất lên những ý nghĩ cao cả về việc đi giang hồ du lịch. Khi Châu Chấu Voi gặp tôi và Trũi ở vùng cỏ may và khi xảy ra cuộc lưu huyết là lúc Châu Chấu Voi bắt đầu thực hiện chí lớn. Nếu ngày ấy tôi biết thì đã chẳng phiêu bạt đến cái lều cỏ của cư sĩ Xiến Tóc rồi lại đến nỗi phải tù trong hang chim Trả”.
Có lẽ vì chia sẻ với không khí này, nên con châu chấu mà Tạ Huy Long chọn vẽ - với nhiều vùng miền còn gọi con cào cào - nó rắn rỏi về tạo hình, có nhiều nét tương đồng với dế mèn. Hình tượng được tạo nổi trên khung gỗ sồi căng dây, các chi tiết được bọc da và gò đồng, nhuộm màu và khâu vá rất tinh tế, ra dáng võ sĩ châu chấu lúc thượng đài.
Tạ Huy Long cho biết sự chia sẻ cốt cách châu chấu và dế mèn cũng là sự tưởng tượng của chúng ta về đời sống loài vật, là tìm về sự vô tư, mơ mộng thuở thiếu thời. Bởi lúc nhỏ, liệu có ai từng không từng chọn lựa những con vật “phe mình” và “phe địch”, để rồi tưởng tượng ra vô số tính cách, đặc trưng.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất