Hơn 60 nhà sưu tập tự tổ chức triển lãm gốm Nam Bộ tại Hà Nội

08/05/2015 19:48 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Khai mạc vào chiều 8/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm "Gốm Nam Bộ và cổ vật trong các sưu tập tư nhân tiêu biểu" là trường hợp hiếm hoi mà các nhà sưu tập tư nhân đứng ra tổ chức "từ A – Z".

"Đây là một sự kiện quan trọng nếu  xét tới nhu cầu xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, bảo tàng mà thực tế đang đặt ra. Tôi đánh giá rất cao việc các nhà sưu tập cùng ngồi lại để chung sức cùng tạo dựng một cuộc trưng bày với quy mô lớn thế này" - TS Phạm Quốc Quân, nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nhận xét. Trước đó, đa phần các cuộc triển lãm cổ vật đều được tổ chức bởi các Bảo tàng công lập, còn giới sưu tập thường hỗ trợ bằng cách "cho mượn" hiện vật trưng bày.


Một số hiện vật thuộc dòng gốm Biên Hòa, mang niên đại từ cuối TK 19 - đầu TK 20 tại triển lãm

Nội dung chính của triển lãm là gần 200 hiện vật, tư liệu gốm Nam Bộ đặc sắc thuộc sở hữu của nhà sưu tập Nguyễn Thị Hòa cùng hơn 30 đồng nghiệp phía Nam. Ngoài ra, gần 100 cổ vật có niên đại trải dài từ thế kỷ XI – XIX cũng được gần 30 nhà sưu tập phía Bắc đưa tới trưng bày tại triển lãm.

Theo lời những người trong cuộc, việc góp sức tự đứng ra tổ chức triển lãm này xuất từ mục đích giới thiệu với khán giả phía Bắc những tinh hoa, đặc trưng riêng của dòng gốm Nam Bộ (thường chưa được chú ý đúng mức trong lịch sử gốm Việt Nam). 


Một chiếc chóe vẽ tích Hai Bà Trưng, mang niên đại đầu thế kỷ 20, tại triển lãm

Là dòng gốm của một vùng đất trẻ, phát triển chủ yếu từ cuối Thế kỷ XVIII với các lò Cây Mai, Biên Hòa, Thành Lễ, Lái Thiêu..., dòng gốm này trang trí giản dị, thiên về ứng dụng, nhưng lại thể hiện sự tiếp thu kĩ thuật nhanh nhạy và mang đậm dấu ấn sinh hoạt của người dân Nam Bộ.

    Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm