14/01/2013 07:40 GMT+7
(lienminhbng.org) - 1. Không phải nói thì ai cũng hiểu văn hóa Việt Nam gắn bó với rượu như thế nào; từ ma chay, cưới hỏi, lễ tết, hội hè đều có sự hiện diện của rượu. Ngoài bữa cơm gia đình ra, đi ăn ở đâu, các cụ ta đều nói "đi ăn cỗ" hay "đi uống rượu" chứ không ai nói đi ăn cơm cả. Chả thế mà xưa nay, người ta quan niệm "nam vô tửu như kỳ vô phong" hay "vô tửu bất thành lễ".
Từ đời sống, tất nhiên rượu chảy tràn vào văn hóa, như cụ Nguyễn Khuyến để lại một Thu ẩm lưu danh hậu thế: Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy/ Độ năm ba chén đã say nhè. Rồi khi một Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang văn của Nam Cao với thứ rượu nút lá chuối người ta mới thấy một điển hình của câu chuyện rượu quê gắn với đời sống Việt Nam chặt chẽ đến thế nào.
Suốt hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta bế quan tỏa cảng, cứ đọc những trang viết của các tài hoa của Vũ Bằng, Nguyễn Tuân ta có thể hình dung được trong suốt thời kỳ dài, rồi đến trăm năm đô hộ của người Pháp, chúng ta vẫn ung dung gìn giữ lối ăn uống của dân tộc mình. Như cụ Tú Xương đã từng mỉa mai những kẻ uống đồ ngoại lai: “Chi bằng đi học làm thầy phán/ Sáng rượu sâm banh, tối sữa bò”.
Nhưng với chất men thì cánh đàn ông Việt dễ say mê thật, khi có bia, thì người Việt cũng tiên phong trong thú ẩm thực liên quan đến đồ uống kích thích này. Có thể nói, từ khi ông Hommel mở một xưởng nấu bia đầu tiên ở Hà Nội năm 1891, bên đường đê Parreau (tức đường Hoàng Hoa Thám ngày nay), cho đến bây giờ, trong các bảng xếp hạng, Việt Nam luôn là quốc gia có mức tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới.
2. Năm 2013 này, rượu đế lại gặp một bước ngoặt mới. Từ ngày 1/1, theo Nghị định của Chính phủ, các loại rượu đều phải có nhãn mác, hộ gia đình sản xuất rượu phải có giấy phép. Trường hợp không có giấy phép sẽ bị cấm lưu hành. Những người nấu rượu phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân xã. Khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.
Có thể hiểu, cơ quan chức năng ngăn chặn việc nấu rượu không phép xuất phát từ tình trạng rượu giả, rượu cồn độc hại tràn lan, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhân dân và đời sống xã hội.
Tuy nhiên, thực tế, việc kiểm soát này sẽ vô cùng khó khăn, bởi “văn hóa rượu” đã thấm sâu vào ngõ ngách của đời sống người dân. Có thể thấy rằng, những rượu Kim Sơn, rượu làng Vân, rượu Bầu Đá, rượu Mẫu Sơn, rượu Xuân Thạnh, rượu Phú Lộc, đến rượu Gò Đen, rượu nếp cái hoa vàng, rượu ba trăng, rượu ngô Bắc Hà, rượu nếp cẩm... tiếp tục tồn tại trong đời sống người dân, dù người nấu ra nó có đăng ký hay không. Muốn quản lý được triệt để, có lẽ phải cần thời gian, bởi rượu không đơn thuần là ẩm thực, nó còn là tập tục văn hóa.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất