'Hỗn chiến' cướp hoa tre tại Hội Gióng

25/02/2015 07:21 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Xuất phát từ nghi thức tranh cướp hoa tre truyền thống, điểm nhấn độc đáo của Hội Gióng Sóc Sơn đã trở thành màn ẩu đả thật sự trong ngày khai hội sáng 24/2 - khi rất đông người dân khao khát sở hữu những giò hoa tre được cho là mang lại nhiều may mắn.

Lễ hội được UNESCO công nhận là Di sản Phi vật thể của Nhân loại này diễn ra từ mùng 6 đến mùng 8 Tết hàng năm, với hàng loạt nghi thức đặc thù như lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương... Trong đó, nghi lễ quan trọng nhất là phần dâng hoa tre lên đền thờ Thánh Gióng, để rồi tung cho khách hành hương tranh cướp lấy may.

Được rước kèm kiệu thánh, hàng trăm giò hoa tre trong Hội Gióng làm bằng các thanh tre có chiều dài 50cm, bán kính khoảng 1cm, đầu vót xơ và nhuộm màu vàng. Số hoa tre này được cắm trên một thân chuối, đặt lên kiệu và rước đi trong suốt thời gian hành lễ.

Trước Hội, hoa tre này được nhân dân thôn Vệ Linh gia công chuẩn bị, với ẩn ý mang tính  biểu tượng cho những bụi tre ngà được Thánh Gióng sử dụng để đánh giặc Ân trong truyền thuyết.


Một cảnh ẩu đả tại Hội Gióng 2015 sáng 24/2

Tuy nhiên, trong sáng 24/2, phần "cướp" này diễn ra khá sớm, chứ không đợi tới khi chủ tế tung hoa tre ra trước sân đền như các năm trước đây. Các bức ảnh và clip được du khách đưa lên mạng cho thấy: khi kiệu hoa tre được rước vào đền Thượng, hàng chục thanh niên đã xô đẩy nhau, lao vào tranh cướp cầu may. Trước đó, suốt quãng đường rước kiệu, một "đội bảo vệ" hùng hậu gồm các thanh niên trong làng, với gậy trên tay, đã phải dàn ra để hộ tống hoa tre trước những cặp mắt hau háu của du khách.

Không còn là cảnh chen lấn, xô đẩy để tranh "lộc thánh", phần giành giật các giò hoa tre đã trở thành một cuộc tấn công thật sự của khách thập phương. Không còn cách nào khác, các thanh niên trong đội hộ tống chỉ còn cách dùng gậy vụt túi bụi vào làn sóng người để bảo vệ kiệu. Ngược lại, không chỉ có nắm đấm, một số thanh niên và du khách cũng thủ sẵn gậy tre để vụt túi bụi vào đội bảo vệ, hòng rẽ lối tiến sát chiếc kiệu này. Trong vài phút đồng hồ, khá nhiều người cướp lộc lẫn đội bảo vệ kiệu bị đánh đau, nằm lăn lộn giữa một rừng chân chen chúc tại sân đình.

Cảnh tượng tương tự cũng diễn ra khi chiếc kiệu đặt trầu cau được rước vào đền Thượng. Gậy và nắm đấm được sử dụng cho tới khi số trầu cau này bị du khách... cướp sạch, tới mức lực lượng công an bảo vệ lễ hội phải trực tiếp vào can thiệp.

***

Sự thực, theo một số người dân địa phương, cảnh ẩu đả "thật tình" khi tranh cướp hoa tre đã diễn ra thường xuyên tại Hội Gióng từ vài năm qua. Thậm chí, theo GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia), ông từng biết có những người bị gậy bổ vào đầu, nằm chết ngất trên sân đình khi tham gia tranh cướp.

"Tổ chức tranh cướp, xô đẩy trong lễ hội là tục hèm không hiếm tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Thông thường, nghi thức này gắn với phần diễn xướng tại nơi thờ các Thành hoàng là tướng trận" - GS Thịnh nói. "Thậm chí, một số làng gần chùa Hương hoặc tại Hoài Đức (Hà Nội) còn tổ chức để thanh niên 2 bên dàn ra... đánh lộn, hoặc ném đá vào nhau với mục đích lấy may. Tuy nhiên, cảnh diễn ra tại Hội Gióng vừa qua là sự tha hóa, chứ đâu phải truyền thống".

Theo lời GS Thịnh, dù có những hoạt động mang tính "chân tay" như vậy, các lễ hội truyền thống đều được thực hiện với tinh thần vui vẻ, không ăn thua, và thậm chí là khá quy củ. "Phần đánh lộn ít nhiều vẫn mang tính diễn xướng và không hề có dấu ấn của những xung đột xã hội. Đặc biệt, có một quy định bắt buộc: nếu có ai bị u đầu chảy máu, sau nghi lễ phía làng bên kia sẽ lập tức chăm sóc, xoa bóp và mời rượu" - GS Thịnh nói thêm. "Ngược lại, việc tấn công, cướp giật các giò hoa tre thì rõ ràng là câu chuyện đáng xấu hổ. Đó là sự lợi dụng truyền thống để thỏa mãn lòng tham và cuồng vọng cá nhân, chứ không có chút gì là văn hóa ở đây".

Những giò hoa tre "giả" (không được sử dụng trong đám rước) vẫn được bày bán tràn ngập tại các cửa hàng quanh đền Gióng. Thế nhưng, rõ ràng, sự hào hứng của khách thập phương chỉ hướng tới một số lượng nhỏ những giò hoa tre "lộc" được dùng trong đám rước. Có nghĩa, câu chuyện của những chiếc ấn đền Trần vài năm trước đang manh nha xuất hiện trở lại dưới một nội dung khác, ở thời điểm này?

Thăm dò ý kiến

Nên tiếp tục nghi thức tranh cướp hoa tre trong Hội Gióng như thế nào?


Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm