25/01/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nếu nói Tết nhất của người Việt diễn ra có tính chu kỳ thì cũng chẳng sai. Nhưng không đúng với cách hiểu chu kỳ là khoảng thời gian tương đối cố định giữa hai lần lặp lại sự kiện. Vả lại, hồi tưởng lại Tết Hà Nội từ 1954 đến nay sẽ thấy rất nhiều thay đổi.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
1. Tết Âm lịch dĩ nhiên là lặp đi lặp lại mỗi năm một lần theo chu kỳ mặt Trăng 29 ngày và 12 giờ cho một tháng. Và 12 tháng có cách bù trừ tháng đủ, tháng thiếu khá lằng nhằng để cho ra kết quả là một cái Tết Nguyên đán. Thế nhưng không có Tết năm nào giống năm nào đến mức tuyệt đối. Kể cả về sinh hoạt lẫn thời tiết.
Những cái Tết ngày mới tiếp quản Hà Nội 1954 tương đối thanh bình nhẹ nhõm. Người mới ở chiến khu về còn nghèo chẳng có gì nhiều nhặn để phô trương. Người cũ ở phố nghe ngóng tình hình cải tạo công thương nghiệp cũng dằn lòng ăn Tết cần kiệm cho giống mọi người.
Một cành đào nhỏ mua trên phố Hàng Lược cắm trang trọng giữa nhà. Bánh chưng gói vừa đủ. Quần áo ăn mặc, cả người lớn trẻ con dành dụm những món mới ngày Tết mang ra diện. Pháo đốt tượng trưng Giao thừa mỗi nhà một bánh. Cỗ bàn đủ món nhưng tập trung vào chiều 30 và sáng mồng 1 là chính.
Những cái Tết thanh bình như thế chỉ kéo dài được 10 năm. Thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt, dân phố đi sơ tán gần hết. Họ cũng tổ chức ăn Tết ở nơi sơ tán. Hà Nội vắng vẻ đến nao lòng. Người ở lại cũng hết sức cẩn thận không tổ chức ăn Tết linh đình.
Những hàng người thưa thớt ở các cửa hàng mậu dịch mua thực phẩm Tết. Bách hóa tổng hợp bán hàng Tết cũng đìu hiu vắng vẻ. Tiêu chuẩn Tết được các bà mẹ mua dồn lại chở về nơi sơ tán cho đàn con thiếu thốn trăm bề.
Lúc này nông thôn tự túc tự cấp nên vẫn còn có những cái Tết tươm tất. Tất nhiên cỗ Tết ở nông thôn đơn giản hơn nhiều. Nhiều đứa trẻ sơ tán hàng 3-4 năm về quê vẫn chưa thể ăn nổi miếng thịt lợn luộc đầy mỡ thái to bằng nửa bàn tay.
Không khí Tết quay trở lại vào đợt ngừng ném bom 1968. Sắc màu của Tết quanh Hồ Gươm vẫn còn xám xịt. Lác đác vài chục bóng đèn màu mắc trên cành cây ven hồ phía đường Lê Thái Tổ. Áo quần dạo chơi đêm Giao thừa quanh hồ với màu đen là chủ đạo. Phụ nữ chẳng có gì hơn chiếc quần lụa đen hàng ngày. Cả đàn ông đàn bà và thanh niên có mốt chiếc áo khoác bằng vinilon ướt cũng màu đen trùm kín mông.Chẳng phải người ta kém tư duy về mốt. Chỉ là mậu dịch nhập về hàng Tết chỉ duy nhất có thứ vải ấy. Vải vinilon ướt mỏng tang. Nhiều anh chị dạo chơi Giao thừa về nhà mới biết tàn pháo làm cháy vô số lỗ bằng hạt đậu trên chiếc áo diện Tết của mình. Sáng ngày ra chẳng cần hỏi thăm cũng biết cô ấy đêm qua đi chơi Giao thừa trên Bờ Hồ.
Tết 1973 có lẽ là cái Tết bi tráng nhất của người Hà Nội. Không chỉ cái ăn cái mặc thiếu thốn mà Hà Nội còn vừa phải trải qua một cuộc ném bom rải thảm của Mỹ xuống phố Khâm Thiên và vài nơi khác trong thành phố. Ngày Tết nhang khói thắp lên tưởng nhớ những nạn nhân đã bỏ mình trong trận bom ấy. Cả thành phố sực nức mùi hương bảng lảng. Tiếng pháo Giao thừa ý tứ cũng thưa thớt hơn mọi cái Tết đã qua.
2. Không khí Tết bắt đầu náo nhiệt trở lại vào Tết 1976. Khi hai miền Bắc - Nam đã sum họp một nhà. Loáng thoáng đâu đó dưới những mái nhà Hà Nội đã thấy xuất hiện những cành mai vàng chói lọi. Vài cửa hàng mậu dịch trong phố bày bán những quả dưa hấu xanh đen lạ mắt. Thứ hàng hóa chưa từng có trong dịp Tết ở Hà Nội.
Bờ hồ Hoàn Kiếm mắc đèn màu rợp trời lung linh sáng. Pháo hoa lúc Giao thừa bừng nở. Vài gia đình khá giả trong phố nối những bánh pháo kéo dài từ tầng 2 nhà mình xuống sát đất. Những bánh pháo dài ấy làm cho khoảnh khắc Giao thừa kéo dài ra đến hàng tiếng đồng hồ.
Vài năm sau đó, cái chu kỳTết nghèo khó lại quay về với người Hà Nội. Thời bao cấp đã ở vào lúc kiệt quệ. Tiếng pháo Giao thừa thưa thớt. Trẻ con cũng bỏ thú vui nhét trong túi quần vài quả pháo tép cầm que hương đi đốt dạo ngoài phố.
Ngày Tết còn rất ít nhà đủ khả năng luộc cho riêng mình một nồi bánh chưng. Họ gói quáng quàng hai cặp bánh mang sang tổ phục vụ khối phố thuê luộc. Đánh dấu bằng cách thắt nút lạt riêng của mình. Có người cẩn thận còn giắt thêm vào cạnh cặp bánh của mình một chiếc đũa. Lúc vớt bánh ra vẫn nhầm như thường. Duy có một điều lạ, tất cả những người bị trả bánh của người khác đều nói rằng lấy nhầm phải cặp bánh chẳng ra gì. Chẳng biết những cặp bánh “ngon” của họ lạc sang nhà ai? Còn may lúc ấy Hà Nội có phong trào nuôi lợn. Thịt lợn ngoài thị trường tự do tạm đủ cho người Hà Nội ăn Tết.
Thấm thoắt đã vừa tròn 2 con giáp (24 năm), cả nước không còn tiếng pháo Giao thừa. Từ Tết năm Ất Hợi 1996 nhà nước đã cấm hoàn toàn việc sản xuất buôn bán và tiêu dùng pháo nổ. Tết yên bình hơn vì không có những tai nạn thương tâm hay những phiền toái do pháo nổ gây ra. Mùi thuốc pháo hoa bắn ở những nơi công cộng cũng nhiều nhưng không giốngmùi khói pháo xưa.
3. Giờ thì Tết nhất ăn uống ê hề. Có thể nói chưa bao giờ trong vòng hơn một hoa giáp vừa qua cách ăn uống ngày Tết của người Hà Nội lại phong phú đến thế. Đủ hết mọi sản vật ba miền. Từ những tôm hùm, cá song cho đến chim trĩ, thú rừng nuôi nếu muốn đều có thể mang về mâm cỗ nhà mình.
Hóa ra thước đo sức tiêu thụ thực phẩm của dân phố nếu chỉ căn cứ vào những ngày đói khổ là sai hoàn toàn. Khi đủ đầy mới biết cũng chẳng ăn được nhiều như mình nghĩ. Ngày Tết bây giờ có lẽ đắt hàng nhất vẫn là những hoa quả, rau cỏ tươi, con cá đồng, con gà ri chậm lớn…
Ngày Tết bây giờ đã có khá nhiều gia đình trẻ rủ nhau đi chơi xa hoặc rất xa. Những người lớn tuổi vẫn trung thành với mâm cơm cúng ông bà tổ tiên vào chiều 30Tết. Tuổi trẻ cứ bay nhảy đi. Đến già sẽ lại quay về với hồn cốt cỗ bàn Tết nhất Hà Nội mà thôi.
Đỗ Phấn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất