01/02/2016 06:49 GMT+7
(lienminhbng.org) - Phim Việt chiếu rạp năm 2015 quả là sôi động, đủ màu sắc, nhưng dịp Tết Bính Thân này coi bộ đơn điệu, đa số sẽ cười lấy được, ra rạp là hết dư âm.
Trong 5 phim Việt chiếu dịp Tết thì Tía tui là cao thủ (ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu) mở màn sớm nhất, công chiếu ngày 29/1 - vẫn theo thể loại hài gia đình, với câu chuyện rất đơn giản. Theo khảo sát về xem phim Việt nào trong dịp Tết này trên Zing, tính đến chiều 27/1, Tía tui là cao thủ chiếm đến 51,04%, 27,07% dành cho 4 phim Việt còn lại, riêng ý kiến không chọn phim Việt thì chiếm 21,93%.Phim Tết cũng như báo Tết, nó là một “đặc sản” khá riêng biệt của văn hóa Việt, nên các nhà sản xuất, các đạo diễn cũng cố gắng giữ phong vị đặc trưng đó. Gia đình, bản sắc truyền thống, tiếng cười sảng khoái… là những đặc trưng mà một phim Tết thành công thường có.
Phim Tía tui là cao thủ đi theo hướng này, đặc biệt ở khía cạnh tiếng cười sảng khoái, nên tìm mọi cách để giữ chất, ngay cả cười lấy được, cười nhảm cũng chấp nhận. Nó cũng đi theo “cái e” của 3 phim Nhà có 5 nàng tiên, Năm sau con lại về,Quý tử bất đắc dĩ mà Trần Ngọc Giàu đã làm với nhà sản xuất Sóng Vàng. Mấy phim trước đều thành công vang dội về doanh thu nên họ tiếp tục theo lối cũ cũng dễ hiểu.
Dù có “chút ít màu” khác, nhưng căn bản Lộc phát (ĐD: Lê Bảo Trung) và Yêu là phải xài chiêu (ĐD: Khương Ngọc - Nguyễn Ngọc Hùng) cũng đi lối hài của Tía tui là cao thủ. Riêng phim tội phạm - hình sự Siêu trộm (ĐD: Hàm Trần) và phim kinh dị Ám ảnh (ĐD: Bảo Nguyễn) thì khó để gọi là phim Tết. Mà thật vậy, Ám ảnh dự kiến ra rạp dịp Hè 2015, nhưng không lấy được giấy phép, buộc phải chỉnh sửa rất nhiều.
Nhìn lại lịch sử phim Tết, nơi nó phát xuất và có nhiều thành tựu là ở Sài Gòn - TP.HCM. Nhiều năm gần đây, phim Tết là đặc sản riêng của TP.HCM, như năm nay với cả 5 phim. Trong các phim thành công theo hướng bán nhiều vé, chủ đạo vẫn là các phim hài, đôi khi hài dễ dãi càng thu hút. Và vì thế, dù chủ động hoặc bị động, cái phong vị hài đặc trưng cũng được gìn giữ qua năm tháng.
Tuy nhiên, có một băn khoăn là hơn nửa thế kỷ phim Tết, chẳng lẽ tiếng cười vẫn chỉ dừng lại ở mức giản đơn, đôi khi sơ sài đến như vậy. Chẳng lẽ nhà làm phim không muốn “nâng tầm” khán giả bằng những phim có chất lượng cao hơn, đặc biệt là khâu kịch bản.
Chẳng lẽ khán giả cũng không muốn đòi hỏi một tiếng cười sâu lắng, ý vị hơn? Chứ cứ như Tía tui là cao thủ thì phim Tết thế là hết! mấy chục năm chẳng đưa ra một câu chuyện gì mới mẻ, sâu sắc.
Đành rằng, như Thể thao & Văn hóa từng đề cập trước đây, khán giả xem phim Tết tại TP.HCM cũng lạ lắm. Họ (thường đi theo nhóm hoặc gia đình) có khi cả năm không đến rạp, Tết đến rảnh thì đi xem cho vui thôi. Họ là những khán giả ít có thói quen đến rạp, nên đòi hỏi chất lượng phim ở “dạng vừa” thôi.
Còn lượng khán giả ổn định của phim chiếu rạp tại TP.HCM là dân nhập cư, Tết đến thường về quê, nên phim Tết cũng là hết năm đối với họ. Còn lượng khán giả ổn định tuổi mới lớn, đa phần thích phim nhập ngoại, những trường hợp như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,Em là bà nội của anh là ngoại lệ.
Nhìn lại chất lượng phim Tết khoảng 10 năm trở lại đây, rồi xét các khía cạnh như vừa nêu, rõ ràng phim Tết như thế là hết! Trong khi thực tế con đường của phim Tết rất rộng mở, đa dạng, nhưng cả khán giả và nhà sản xuất cùng ngại dấn bước. Nên phim Tết chưa xem thì mới, chứ xem thật ra chẳng có gì mới trong nhiều năm qua.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất