28/02/2013 07:33 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vừa qua, Kịch Hồng Vân cho ra mắt liên tiếp 2 vở mới là Số đào hoa và Trăng máu. 2 vở diễn mang đến cho người sành kịch 2 trạng thái đối ngược nhau: 1 lạc quan, 1 thất vọng.
1. Sau nhiều năm theo nghiệp diễn viên, lần đầu tiên Hòa Hiệp thử sức vai trò đạo diễn với hài kịch Số đào hoa (KB: Nguyễn Minh Phương). Nhiều người đã dự đoán đây sẽ là vở diễn kém hấp dẫn vì đạo diễn còn non kinh nghiệm. Tuy nhiên, Hòa Hiệp đã biết cách kể chuyện một cách chặt chẽ, mạch lạc, hài hước xen lẫn những khoảnh khắc lắng đọng và trữ tình.
Việc chọn Thanh Duy vào vai anh chàng đào hoa cho thấy khả năng chọn người rất hợp lý của Hòa Hiệp. Bởi vì, nam diễn viên trẻ này có ngoại hình bảnh bao (yếu tố đầu tiên của một anh chàng đào hoa) và diễn xuất rất ra dáng một công tử sành điệu.
Cảnh trong Số đào hoa |
Tình tiết này đã khiến khán giả cuốn theo vở diễn vì tò mò muốn biết câu chuyện sẽ tiếp diễn thế nào. Kèm theo đó, đạo diễn đã biết cách xây dựng nhiều tình huống hài hước vui nhộn gây được tiếng cười cho người xem. Lần đầu tiên thử sức vai trò đạo diễn, Hòa Hiệp đã tỏ ra chắc tay, không để lộ tình tiết thừa thãi hay vô lý. Đây là một tín hiệu mừng cho sân khấu Hồng Vân.
2. Ngược lại, vở Trăng máu (KB: Xuyên Lâm) vốn được kỳ vọng là một câu chuyện ly kỳ bởi chất ma mị, phảng phất nét liêu trai. Chuyện một đoàn phim vào rừng gặp gỡ người đàn ông kỳ quái, trong một ngôi nhà mang nặng lời nguyền, hứa hẹn nhiều tình tiết lôi cuốn. Tuy nhiên, vì muốn giảm nhẹ yếu tố kinh dị nên Diệp Tiên đã xây dựng quá nhiều tình tiết hài khiến cho vở diễn “lạc lối”, nên kinh dị không ra kinh dị, hài không ra hài. Kinh dị hài là một thể loại không mới, nhưng rất khó làm thành công, nhất là với các đạo diễn thiếu từng trải.
Thực tế trước đây, Kịch Hồng Vân đã thành công trong việc lấy tiếng cười ở vở kinh dị 2-4-6 (KB-ĐD: Lê Quốc Nam). Trong vở diễn này, tiếng cười bật lên một cách đúng lúc và vừa đủ để giảm nhẹ sự sợ hãi, căng thẳng cho người xem. Còn tiếng cười trong Trăng máu được tạo ra từ tình huống quăng bắt kiểu tấu hài, nên khi “bước trở lại” kinh dị, khán giả không kịp chuẩn bị tâm lý. Thậm chí có vài tình tiết kéo dài lê thê một cách không cần thiết. Ví dụ cảnh đoàn phim ăn chè đậu xanh bị tiêu chảy, giành nhau nơi đi vệ sinh. Hay chi tiết NSƯT Đức Thịnh (Vành) đọc sách hướng dẫn bằng thứ tiếng tự chế, khiến người xem ức chế. Bởi trước đó, 2 diễn viên đóng vai người dân tộc đã liên tục “bắn tiểu liên” bằng tiếng dân tộc chế.
Nếu Diệp Tiên tiết chế tình tiết hài, xoáy vào yếu tố ly kỳ của câu chuyện tình yêu ngang trái, vở diễn sẽ trở lại đúng chất kinh dị hài. Qua đó, người xem sẽ cảm thấy dễ chịu hơn là xem một vở diễn “nửa nạc nửa mỡ”.
Người thất vọng nhất khi xem vở kịch này chắc là Xuyên Lâm, vốn từng thành công với vở kịch siêu ăn khách Người vợ ma (ĐD: Thái Hòa). Tác giả này luôn muốn gởi gắm các thông điệp nhân văn sau mỗi tình tiết câu chuyện, rất tiếc đạo diễn trẻ Diệp Tiên đã không làm được điều này.
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất