27/01/2021 07:34 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nếu điện ảnh giúp Hứa Vĩ Văn thỏa mãn tài năng diễn xuất của mình, thì hội họa lại là tấm gương soi vào tâm hồn riêng, với nỗi buồn và niềm vui, với đau đớn và hạnh phúc. Năm 2020, Hứa Vĩ Văn xuất hiện trong một số phim chiếu rạp như Trái tim quái vật, Tiệc trăng máu, Em là của em. Vì vậy mà bộ tranh Vùng mơ khai mạc lúc 18h30 ngày 27/1 tại Toong (1bis Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM), bày 26 tác phẩm, làm mọi người khác bất ngờ. Đây là triển lãm đầu tiên của Hứa Vĩ Văn.
Đằng sau bộ vest lịch lãm, nụ cười hớp hồn và sự nghiệp điện ảnh đầy thăng hoa, thì cuộc sống của Húa Vĩ Văn là những lát cắt gai góc, thú vị, vượt qua mường tượng của đa số công chúng.
Một lối về bất ngờ
Năm 2020 đánh dấu một giai đoạn thăng trầm trong đời sống nội tâm của Hứa Vĩ Văn, tất cả được giải tỏa, giãi bày bằng cuốn nhật ký mang tên hội họa.
Bắt đầu sự nghiệp từ năm 16 tuổi với vai trò người mẫu, sau đó là thành viên nhóm nhạc GMC ở đầu thập niên 2000, hiện là diễn viên điện ảnh nổi tiếng, có lẽ, anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở lại cầm cọ, dù xuất thân là sinh viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM từ 20 năm về trước.
Nhưng cũng chính vì những biến cố trong đời sống cá nhân, mà mối nhân duyên giữa anh và hội họa trở về trong bối cảnh cách ly vì đại dịch Covid-19. Nào ngờ, thực hành nghệ thuật ấy không chỉ giúp anh phản tỉnh, đối thoại với chính mình, mà còn đóng vai trò như liều thuốc giảm đau, giúp dịu xoa tinh thần, chữa lành các biến cố cá nhân.
Các tác phẩm trừu tượng thể hiện tình yêu sâu đậm mà anh dành cho cuộc sống, âm nhạc và điện ảnh. Như tên gọi, tất cả hiện lên như những giấc mơ, dù có vẻ hư ảo, nhưng giấc mơ nào mà chẳng phản ánh tàng thức hoặc mong muốn sâu kín của người cầm cọ.
Anh chia sẻ: “Ai cũng có những nỗi niềm khó giãi bày, mà giấu kín vào trong thì rất nặng nề, đau khổ. Tôi rời giá vẽ hơn 20 năm, nay vì các biến cố riêng và vì Covid-19 mà quay trở lại, không ngờ lại tìm được chốn chữa lành vết thương lòng. Cho nên, tôi vẽ không phải để trở thành họa sĩ, mà vẽ cho chính mình lúc thật sự cần một chỗ dựa”.
Chữa lành và thanh lọc tinh thần
Hứa Vĩ Văn vẽ nhanh như một sự tuôn trào xúc cảm, thật trong sáng và không toan tính. Cái phiêu của anh trong hội họa khiến ta liên tưởng đến trạng thái dòng chảy, từng luồng nước mềm mại và thoăn thoắt len qua từng viên đá nhỏ to. Sức mạnh của đá không thể chống lại sức mềm và sự linh hoạt của nước. Vì thế, ta cảm giác nước chảy thật thản nhiên, bản năng chứ không đòi hỏi một chút cố gắng nào.
Chính cá tính hồn nhiên đùa giỡn với màu sắc, hình khối và chân thật với xúc cảm mà Hứa Vĩ Văn dường như trải nghiệm được trạng thái “không tâm trí” khi vẽ tranh, một trạng thái vô tư lự như Lão Tử từng nói trong thuyết vô vi: Làm mà như chơi. Và chơi ở đây nghĩa là thật sự tận hưởng, thật sự cảm nhận.
Trong tác phẩm Một giọt từ sự đọa đày của Hamvas Béla, có một câu đại ý: Một trong những lĩnh vực hiếm hoi giúp con người kết nối sâu với nội tại là nghệ thuật. Bởi vậy, khi cầm cọ sáng tác, người họa sĩ có khả năng kết nối, nhận thức, quan sát những mảng tối trong tâm hồn từ đó giải tỏa ẩn uất lên tấm toan, một hình thức thanh lọc tinh thần hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn cách ly tù túng.
Hứa Vĩ Văn cho biết nhờ hội họa mà anh đã có thêm năng lượng tích cực để mài giũa tâm hồn - trí tuệ cho sáng sủa, để thật sự quay về với cõi lòng riêng.
Ở độ tuổi ngoài 40, cùng cuộc trở về với hội họa, đã minh tường cho việc Hứa Vĩ Văn đang dần cảm nhận ý nghĩa sâu sắc của công việc sáng tạo ẩn dật sau ánh đèn sân khấu. Hội họa cho anh sự cân bằng và sống thật với lòng mình. Và quan trọng hơn, dù chưa có ý định chuyên tâm sáng tác như một họa sĩ, nhưng những tác phẩm trong Vùng mơ đã có sự hoàn thiện và thu hút đáng kể.
Triển lãm Vùng mơ được giám tuyển bởi GocCreation, kéo dài đến hết ngày 23/2/2021.
Trang PS
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất