24/07/2011 08:14 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày 23/7, báo chí Na Uy thông báo kẻ gây ra vụ thảm sát, đánh bom làm quốc gia Bắc Âu chấn động có tên Anders Behring Breivik, 32 tuổi. Nhưng vì sao y lại có hành động phạm tội kinh khủng, tước đi mạng sống của ít nhất 91 người vô tội, thì họ lại không có câu trả lời.
Cơ quan cảnh sát Na Uy hiện vẫn chưa chính thức thông báo tên tuổi của nghi phạm. Nhưng các tờ báo lớn của nước này như đài truyền hình quốc gia NRK, cho biết y là Anders Behring Breivik, một người đàn ông bản địa mắt xanh tóc vàng, đã từng thể hiện quan điểm cực đoan, bài xích Hồi giáo trên internet.
Quỷ dữ trong lốt cảnh sát
Ngày 22/7 vừa qua, Breivik đã tới một trại hè thanh niên của Đảng Lao động nằm trên đảo Utoeya, giả trang làm một viên cảnh sát có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, rồi nổ súng bắn vào rất đông những người đang có mặt tại hiện trường.
Các nhân chứng kể rằng Breivik ra tay rất lạnh lùng. “Tôi đã nói chuyện với một số nhân chứng và họ kể rằng đã thấy một số bạn trẻ tìm cách trốn xuống vùng nước nằm cạnh đảo. Tuy nhiên, sát thủ đã đi tới gần họ, rút ra một khẩu súng ngắn tự động và bắn vào họ ở cự ly rất gần” - Hallzard Sandberg, phóng viên quốc tế của NRK kể lại.
Một thiếu niên tham gia hội trại có tên Elise kể rằng đầu tiên cô bé hoảng sợ khi nghe tiếng súng, nhưng đã trấn tĩnh khi thấy một viên cảnh sát tới gần. Tuy nhiên, ngay sau đó “viên cảnh sát” này đã rút súng bắn vào mọi người.
“Tôi thấy rất nhiều người bị giết. Đầu tiên hắn ta bắn những người có mặt trên đảo. Rồi hắn bắn vào những người ở dưới nước” - Elise kể.
Để giữ lấy mạng sống, Elise đã nấp dưới một tảng đá lớn mà kẻ giết người đứng ở trên để nổ súng. “Tôi có thể nghe rõ tiếng thở của hắn ở trên đỉnh tảng đá” - Elise nói và cho biết cô không rõ đã phải sợ hãi trong bao lâu trước khi sát thủ rời đi.
Dana Berzingi, một người sống sót 21 tuổi khác kể rằng viên cảnh sát dỏm đã yêu cầu các nạn nhân tới gần, trước khi rút ra một khẩu súng và bắn họ. Vài người đã giả vờ bị bắn, với hy vọng sát thủ sẽ bỏ qua họ. Sau khi đã bắn ngã các nạn nhân, sát thủ còn rút ra một khẩu súng săn và tặng cho mỗi người một phát đạn vào đầu.
Vụ tắm máu này chỉ chấm dứt sau đó 30 phút, khi đội đặc nhiệm SWAT của Na Uy tới hiện trường. Thông tin sơ bộ cho biết Breivik đã giết hại ít nhất 84 người ở trại hè. Y còn được cho là thủ phạm đã kích nổ những quả bom ở thủ đô Oslo trước đó 2 giờ, tàn phá một quảng trường rộng lớn và khiến 7 người thiệt mạng.
Một kẻ theo đường lối cực hữu
Theo báo chí Na Uy, Breivik từng có thời gian phục vụ trong quân đội và trước thời điểm xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng, y chưa từng có tiền án tiền sự.
Y lớn lên tại Oslo và theo học tại Trường Quản trị Oslo. Y hiện là Giám đốc Công ty truyền thông Breivik Geofarm, chuyên thực hiện các chương trình dạy nuôi trồng rau củ quả.
Kênh TV2 của Na Uy nói rằng thông qua công ty này, Breivik có thể đã được tiếp cận với nguồn phân bón, một trong các nguyên liệu quan trọng để tạo bom. Hồi tháng 5 năm nay, công ty của y đã bỏ tiền mua tới 6 tấn phân bón.
Breivik là thành viên CLB súng ngắn Oslo và hiện có 3 khẩu súng thuộc sở hữu. Tờ VG dẫn nguồn cơ quan đăng ký vũ khí của Na Uy cho biết các vũ khí này gồm một khẩu súng ngắn bán tự động Glock, một khẩu súng trường và một khẩu súng săn bắn đạn “hoa cải”.
Breivik mới mở các tài khoản của y trên mạng xã hội Facebook và Twitter chỉ cách nay có mấy ngày. Trên Facebook, Breivik tự nhận bản thân là người Thiên Chúa giáo, theo đường lối bảo thủ. Y thích săn bắn, thập thể hình và tham gia Hội Tam điểm.
Tờ Verdens Gang dẫn nguồn một người bạn cho biết Breivik đã trở thành kẻ cực đoan cánh hữu khi bước vào độ tuổi 20. Y đã tham gia vào các diễn đàn mạng để thể hiện quan điểm chống lại xã hội đa văn hóa, tôn giáo của Na Uy.
Đơn cử như tháng 12/2009, Breivik từng có các bài viết trên diễn đàn Document.no từ tháng 12/2009, trong đó y bàn nhiều về việc các thiếu niên không theo Hồi giáo thường phải sống trong các tình huống căng thẳng, lo lắng vì bị các thiếu niên Hồi giáo bắt nạt. “Tôi biết hàng trăm trường hợp những người không theo Hồi giáo bị cướp, bị đánh, bị nhục mạ bởi các băng tội phạm Hồi giáo” - bài viết có đoạn - “Tôi có một số bạn thân trong độ tuổi từ 12-17 và họ tới từ Pakistan. Vì thế tôi là một trong số nhiều cá nhân được bảo vệ, những “củ khoai tây” dễ thương có bảo kê. Tuy nhiên, chuyện này cũng khiến tôi tận mắt thấy được thói đạo đức giả của thiếu niên Hồi giáo, nhân cách của chúng và nó khiến tôi muốn nôn mửa”.
Một tài khoản Twitter mới được Breivik tạo lập gần đây, chỉ có một thông điệp duy nhất, đề ngày 17/7: “Một người mang niềm tin sâu sắc sẽ mạnh bằng một lực lượng đông tới 100.000 người nhưng chỉ có mối quan tâm bình thường”. Không rõ đó có phải là bằng chứng cho thấy Breivik đang tự lên dây cót tinh thần cho mình trước khi ra tay tiến hành khủng bố hay không.
Còn một kẻ thảm sát giấu mặt?
Theo hãng tin NTB, cảnh sát Na Uy đang điều tra khả năng Breivik có đồng phạm trong vụ nổ súng ở trại hè, bởi các nhân chứng báo với cảnh sát rằng có 2 người đã bắn loạn xạ trên đảo Utoeya. Nghi phạm thứ 2 được cho là không giả dạng làm cảnh sát. Phía cảnh sát mới chỉ xác nhận việc họ đã bắt đầu thẩm vấn nghi phạm bị bắt.
Quan chức cảnh sát Roger Andresen nói với báo giới rằng nghi phạm đã tỏ ra hợp tác và muốn giải thích về hành động của bản thân.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều thông tin mới về kẻ giết người sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Nhưng giới phân tích đánh giá điều khiến nhiều người Na Uy khó tin là nghi phạm chính trong vụ thảm sát lại có chung quốc tịch với họ, bởi từ trước tới nay, quốc gia Bắc Âu nổi tiếng yên bình. Thủ tướng Na Uy đã nhấn mạnh bất cứ ai đứng sau vụ tấn công sẽ phải bị trừng trị nghiêm. “Điều quan trọng là những kẻ có trách nhiệm, dù là một hay nhiều người, phải bị kết án theo luật Na Uy” - ông tuyên bố.
Các nhóm “cực hữu” không phải là mối đe dọa? Được biết trong báo cáo đánh giá các mối đe dọa an ninh thường niên, cơ quan tình báo của cảnh sát Na Uy đã phát hiện sự tăng lên trong hoạt động của các nhóm cực hữu và xu hướng này được đánh giá sẽ tiếp tục trong năm 2010. Tuy nhiên, cảnh sát cho rằng các hoạt động cực hữu không đe dọa nghiêm trọng tới xã hội Na Uy. Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 23/7, Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg cũng bác bỏ khả năng những thành phần cánh hữu cực đoan là điểm nóng quốc gia này cần xử lý gấp. “Tôi không thể nói rằng Na Uy có vấn đề lớn với các thành phần cực đoan cánh hữu ở Na Uy. Chúng ta sẽ không phỏng đoán mà chờ cho tới khi có kết luận từ phía cảnh sát trước khi có thể tiếp tục bàn về trường hợp cụ thể của vụ này” |
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất