Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên lại rộn ràng, náo nức đem đến cho những người con xứ Huế những thành phẩm hoa giấy truyền thống vừa tinh tế, độc đáo; lại vừa tươi thắm, rực rỡ sắc màu.
TỪ NGUYÊN LIỆU THÔ SƠ ĐẾN THÀNH PHẨM BẮT MẮT
Nghệ nhân hoa giấy
Hoa giấy Thanh Tiên không chỉ đơn thuần là một nét đẹp nghệ thuật mà còn in đậm triết lý Nho học. Một cành hoa giấy truyền thống bao gồm 3 bông hoa lớn ở chính giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa và 5 bông hoa nhỏ xung quanh tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín.
Bên cạnh dòng hoa giấy thủ công truyền thống, sau này người nghệ nhân còn sáng tạo thêm hoa sen giấy với sắc hồng dịu dàng, một loài hoa rất gần gũi với cuộc sống và văn hoá của người Việt Nam:
Bông hoa sen thường có 9 lá và 9 cánh, phần nhụy hoa cũng được sáng tạo thêm đèn để dễ dàng trang trí trong nhà vào ban đêm. Kỹ thuật làm hoa sen giấy tưởng chừng như bị thất truyền nhưng may mắn đã được một số nghệ nhân khôi phục lại và gìn giữ phát triển đến tận ngày nay.
Thuở xưa, người dân xứ Huế không thể trồng nhiều loại hoa tươi vì thời tiết khắc nghiệt do ảnh hưởng của gió Lào. Vậy nên, để đáp ứng nhu cầu làm đẹp, trang trí nhà cửa, người dân xứ Huế bắt đầu tìm tòi, sáng tạo nên loại hoa mới. Loại hoa ấy không mọc lên từ đất, mà được tạo nên từ sự khéo léo, tỉ mỉ của người nghệ nhân.
Không giống như đa số các làng nghề truyền thống khác, theo lời khẳng định của nghệ nhân Thân Văn Huy, hoa giấy Thanh Tiên không có tổ nghề. Xuyên suốt chiều dài lịch sử 300 năm, nghề làm hoa giấy đã được phát triển và gìn giữ bởi biết bao công sức của nhiều thế hệ người dân làng Thanh Tiên. Từng chi tiết cũng được người dân chắt chiu, sáng tạo và gom góp mà thành như ngày nay.
Riêng hoa sen giấy lại rất được mọi người ưu ái và ưa chuộng sử dụng để trưng bày quanh năm, vì loài hoa này vốn đã mang nét đẹp rất Việt Nam, lại có thể sử dụng lâu dài nhờ chất liệu được làm từ giấy. Đây cũng là một món quà lý tưởng cả về phần "hồn" lẫn phần "sắc" dùng để gửi tặng người thân bạn bè.
THỊ TRƯỜNG HOA THỦ CÔNG KHÓ CẠNH TRANH
Ngày nay, nhu cầu sử dụng các loại hoa thủ công có xu hướng ngày càng tăng. Với việc áp dụng công nghệ hiện đại, hoa giả bây giờ được làm rất khéo léo, nhìn xa rất giống hoa thật. Đặc biệt, hoa giả bằng các chất liệu mới như kẽm nhung, giấy nhún nổi lên như một hiện tượng đối với giới trẻ, rất được ưa chuộng bởi màu sắc đa dạng và tạo hình độc lạ, bắt mắt.
Giá thành, độ bền, sự tiện lợi và tính đa dạng là các tiêu chí để khách hàng lựa chọn một sản phẩm cho mình giữa vô vàn các loại hoa thủ công. Về giá thành, hoa giấy Thanh Tiên có sức cạnh tranh hơn hẳn so với các loại hoa khác trên thị trường. Giá thành phẩm cho một cành hoa giấy đẹp và chỉn chu chỉ dao động trong khoảng 5.000 đến 7.000 VNĐ. Tuy vậy, xét về độ bền thì hoa giấy Thanh Tiên lại có phần "thiệt thòi" hơn. Chất liệu mỏng manh khiến hoa khó có thể còn nguyên vẹn sau quá trình vận chuyển đến tay khách hàng. Đây cũng là khó khăn mà hoa giấy Thanh Tiên đối mặt khi muốn đa dạng thị trường, xây dựng được niềm tin với khách hàng và xa hơn nữa là xuất khẩu ra nước ngoài.
GIỮ LỬA, TRUYỀN LỬA
Chúng tôi ghé thăm một số hộ dân vẫn đang miệt mài làm hoa giấy để kịp đón vụ Tết. Trong căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn hơn ba chục mét vuông, các chồng hoa giấy được xếp kín.
Dù đang tất bật làm việc, bác Hương (43 tuổi) vẫn nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn chúng tôi cách làm ra một cành hoa giấy. Tay vừa thoăn thoắt làm, bác vừa chia sẻ: "Ở Huế khổ lắm con ạ. Vừa chịu nắng nóng lại phải đương đầu với gió Lào nên thời tiết rất khắc nghiệt. Tháng 9, tháng 10 lại đúng mùa mưa nên việc làm hoa chịu ảnh hưởng rất nhiều". Bác cho biết, nhiều khi nhận được đơn hàng lớn nhưng mưa lũ liên miên, khó mà hoàn thành đúng hẹn.
Ông Nguyễn Hóa (60 tuổi), một trong những nghệ nhân làm hoa lâu đời tại làng nghề Thanh Tiên, suy tư khi nhắc về thời gian làm nghề. Sinh ra và lớn lên ở làng nghề có truyền thống làm hoa giấy, ngay từ năm 10 tuổi ông đã có quyết tâm giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này. Vì vậy, trong hơn 40 năm làm nghề, ông không lấy một ngày nghỉ ngơi.
HOA GIẤY TRONG LĂNG KÍNH CỦA GIỚI TRẺ
"Tương lai nào cho hoa giấy?". Đó là câu hỏi mà làng nghề hoa giấy Thanh Tiên nói riêng và các làng nghề thủ công truyền thống nói chung và luôn đi tìm câu trả lời.
Phỏng vấn giới trẻ
Vậy nên giải pháp quan trọng để tăng độ nhận diện cho hoa giấy Thanh Tiên nói riêng và nghề truyền thống nói chung chính là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức với khách hàng mục tiêu, đặc biệt là những người dân ở các địa phương khác. Điều này vừa làm tăng độ nhận diện của sản phẩm, vừa quảng bá cho văn hoá đậm đà bản sắc Việt Nam.
Bác Huy truyền nghề
Ngoài ra, các chủ cơ sở có thể phát triển theo hướng cho du khách tham quan và trải nghiệm, thay vì chỉ tập trung sản xuất và buôn bán. Trong những năm gần đây, cơ sở hoa giấy tại nhà nghệ nhân Thân Văn Huy đã nhiều lần tiếp đón các đoàn khách nước ngoài, các em học sinh và nhiều du khách về trải nghiệm, tự tay làm những cành hoa giấy. Đây cũng là một hướng đi hợp lý cho các làng nghề truyền thống trong việc truyền lửa cho thế hệ sau, và quảng bá sản phẩm rộng khắp.
Yến Phương - Giang Châu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất