17/07/2017 06:23 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - “Theo tính toán, CLB Nam Định sẽ tiến hành cổ phần hoá và sẽ có khoảng trên dưới 30 doanh nghiệp chung tay với bóng đá địa phương ở những năm tiếp theo. Mỗi đơn vị chia sẻ một phần tài chính và trách nhiệm, nên nếu chẳng may có ai đó “hắt hơi, sổ mũi”, đội bóng cũng không bị tác động xấu như mô hình một ông chủ…”, ông Nguyễn Văn Sỹ, GĐKT đội Nam Định, tân binh V-League 2018, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa về chiến lược dài hơi vực dậy bóng đá thành Nam.
Đấy là một cách nghĩ và một cách làm trong chiến lược xã hội hoá thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Về tư duy tổ chức đội bóng và phát triển CLB như thế cũng là đáng học hỏi.
Sống dậy một tượng đài…
Nam Định vẫn được xem là đất học, địa linh sinh nhân kiệt, là cái nôi bóng đá một thời của miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng thời thế khác nhiều rồi, có thời điểm, bóng đá thành Nam kiệt quệ cả về tài lực lẫn nhân lực. Nói chung, bóng đá Nam Định là một câu chuyện dài nhiều tập, hưng/suy tiếp nối và ngay lúc này, khi họ vừa mới đón nhận tin vui thăng hạng thì một mặt người dân thành Nam trống rong cờ mở, nhưng mặt khác nỗi lo cơm áo gạo tiền rất con người cũng vẫn luôn canh cánh trong lòng.
Đã đôi lần Thể thao & Văn hóa đề cập đến những nghịch lý của bóng đá Nam Định trong quá khứ, với cơ sở hạ tầng tốt, con người (nguồn cầu thủ dồi dào), nhà tài trợ không thiếu…, nhưng vẫn sa sút trong khoảng 7-8 năm đổ lại đây. Vấn đề quản lý, điều hành và thu phục lòng người, các chế độ đãi ngộ… rõ là có vấn đề. Thế thời chỉ là cái cớ. Cũng như bao địa hạt khác của xã hội, từ HLV đến cầu thủ thành Nam tứ tán khắp nơi, nhất định không chịu quy cố hương.
Trung tâm bóng đá Nam Định với hệ thống 6-7 sân tập, vốn là niềm mơ ước của làng bóng đá Việt Nam, nhưng kể từ sau khi xây Nhà thi đấu đa năng thì trở nên hoang vắng, tiêu điều. Hai sân tập còn lại không đạt chuẩn, vì thiếu nguồn nước tưới cỏ, khu ăn ở - sinh hoạt xuống cấp, sụt lún và lở loét các mảng tường, chỉ còn nước đập đi xây lại. Trong khi đó, sân Thiên Trường chỉ còn “vẳng nghe tiếng ếch bên tai”, với hệ thống mái che và ghế ngồi rách nát, mặt sân như đám ruộng.
Nhưng, Nam Định sẽ đại tu, theo khẳng định của ông Nguyễn Tân Anh, Giám đốc Trung tâm bóng đá đồng thời là Trưởng đoàn đội bóng. Bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, đến vấn đề con người, thu hút nguồn lực…, để vực dậy một tượng đài. Và, người Nam Định nói được sẽ làm được.
… Ngẫm chuyện U22 Việt Nam
Những ngày này, đội tuyển U22 Việt Nam đang tập trận để chuẩn bị cho những trận đánh lớn ở vòng loại giải U23 châu Á 2018 (sẽ khởi tranh vào ngày 19/7) và SEA Games 29 (tháng 8/2017). Khá ngạc nhiên, khi HLV Nguyễn Hữu Thắng chỉ triệu tập 29 cầu thủ (giờ còn 28 người, sau khi thủ môn Lê Văn Trường rút lui vì chấn thương). Nếu xét về chiến dịch dài hơi “2 trong 1”, có vẻ như Hữu Thắng đã hơi tiết kiệm hoặc chủ quan, khi không chủ động làm dầy quân số.
Đây là khoảng thời gian các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tạm nghỉ (2 tháng) để nhường sân cho U22 Việt Nam. Cơ hội tuyệt vời để HLV Hữu Thắng gom quân, nếu cần có thể lấy 40-50 cầu thủ trong lứa tuổi này, cho họ tập luyện cùng nhau với giáo án ĐTQG. Trước là có thể tăng thêm những lựa chọn, phòng hờ các rủi ro chấn thương, mà nói như ông Nguyễn Văn Sỹ là “hắt hơi sổ mũi”, sau là tạo tính cạnh tranh cao hơn với từng vị trí, thay vì mặc định các suất chơi chính.
Vòng loại U23 châu Á 2018 sắp khởi tranh tại sân Thống Nhất, với tràn trề hy vọng vượt qua vòng bảng của chủ nhà. Nhưng để hướng tới SEA Games 29, HLV Hữu Thắng phải trang bị thêm binh hùng, tướng mạnh, mới mong thành công. Bóng đá Việt Nam đâu đến mức cạn kiệt tài năng trẻ?! Chỉ cần được tập luyện và thi đấu cùng nhau thì các cầu thủ trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiến bộ và trưởng thành.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất