19/07/2016 07:12 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày 17/7/1936, cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ. Bằng cách can đảm theo sát các chiến sĩ ở chiến tuyến với những chiếc camera của mình, Robert Capa và Gerda Taro đã trở thành người tiên phong của nhiếp ảnh chiến tranh hiện đại.
Họ gặp nhau ở Paris hồi năm 1934 và yêu nhau. Capa dạy Taro nhiếp ảnh và cô đã tiếp thị những bức ảnh của họ. Taro đã nảy sinh ý tưởng thay đổi tên của hai người, từ Gerta Pohorylle đổi thành Gerda Taro và Andre Friedmann thành Robert Capa.
Robert Capa tạo chuẩn mực cho các phóng viên ảnh chiến trường
Mùa Hè năm 1936, Capa và Taro tới Tây Ban Nha để đưa tin về cuộc nội chiến, bùng nổ ngày 17/7/1936 và kết thúc vào ngày 1/4/1939. Họ cầm máy ảnh và đi theo các đoàn quân của nền cộng hòa ra chiến tuyến và sự chấp nhận rủi ro chưa từng có của họ đã đặt nền tảng cho nhiếp ảnh chiến trường.
Capa sinh ngày 22/10/1913. Trong Thế chiến II, Capa đã trở thành một công dân Mỹ. Ông chụp ảnh ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy (6/6/1944). Sau đó, ông theo sát lính Mỹ nhảy dù vào Đức. Capa từng có câu nói nổi tiếng: “Nếu bức ảnh của bạn chưa đạt, đó là do bạn đứng chưa đủ gần chủ thể”.
Sau Thế chiến II, Capa tiếp tục theo hành trình cuộc xung đột Ả Rập - Israel năm 1948. Trong cuộc chiến tại Đông Dương, Capa đã chụp được các bức ảnh về các phóng viên ảnh đã hy sinh trong các trận đánh.
Capa hy sinh năm 1954 do dẫm phải mìn ở Kiến Xương, Thái Bình, khi đang cố gắng chụp những bức ảnh về cuộc sống của người Bắc Bộ ở Việt Nam, trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Ông không chỉ được biết đến với công việc của một nhiếp ảnh gia đã trường chinh qua 5 cuộc chiến, là người đồng sáng lập Magnum Photos với Cartier Bresson, David Seymour, William Vandivert và George Rodger mà còn là một phóng viên ảnh huyền thoại, người định hình nên chuẩn mực cho các phóng viên ảnh chiến trường.
Taro - nữ phóng viên chiến trường đầu tiên tử trận
Taro sinh ngày 1/8/1910. Bà không chỉ là nữ phóng viên chiến trường duy nhất mà còn là nữ phóng viên đầu tiên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Giữa năm 1937, Taro rời xa Capa, bắt đầu phát triển phong cách riêng và quyết định tạo dựng sự nghiệp riêng.
Trong một năm ở Tây Ban Nha, Taro gặt hái được thành công lớn. Các bức ảnh của bà được xuất bản trên tạp chí Life ở Mỹ cũng như các tờ báo bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan và Thụy Sĩ.
Đối với độc giả bên ngoài Tây Ban Nha, Taro đã mở ra một cánh cửa của cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Bà đã ghi lại được nỗi khổ của những người bị trục xuất. Tháng 8/1936, Taro chụp ảnh phụ nữ Tây Ban Nha trong khi tập bắn ở Barcelona. Bức ảnh này là một trong những tác phẩm thành công đầu tay của bà.
“Taro dồn hết tâm trí vào cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Bà xúc động trước cảnh đau đớn của người dân Tây Ban Nha” - Jane Rogoyskaya, tác giả cuốn sách Gerda Taro: Inventing Robert Capa, cho biết.
Trong Thế chiến II, trong khi Capa vẫn tiếp tục công việc của mình và ghi lại bằng hình ảnh khối đồng minh đổ bộ lên bãi biển Normandy, thì ở Brunete ngày 25/7/1937, Taro lăn lộn trong các đường hào ở Brunete, phía Tây Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, cùng những người lính Cộng hòa.
Bà định trở về Pháp vào ngày hôm sau và chỉ rời đường hào khi hết phim. Taro nhảy lên một xe ô tô đang chở thương binh, nhưng chiếc xe này đã đụng phải xe tăng và kết quả là bà bị thương nặng và qua đời vào ngày hôm sau, 26/7/1937, khi đó mới 26 tuổi.
Sau khi Taro qua đời, những bức ảnh của bà hầu như rơi vào quên lãng trong bối cảnh hỗn loạn của Thế chiến II. Năm 1994, Irme Schaber đã xuất bản cuốn tiểu sử về bà cùng những bài viết của những người quen biết Taro. Qua đó, ý nghĩa các bức ảnh của Taro chụp cùng Capa mới được khôi phục lại và giờ đây, cùng với Capa, bà được coi là nhà tiên phong của nhiếp ảnh chiến tranh hiện đại.
Bức ảnh “The Falling Soldier” & những nghi ngờ về tính xác thực Ở Tây Ban Nha, Capa và Taro thể hiện rõ tư tưởng chống lại Tướng Franco và ủng hộ các nhóm quân của nền cộng hòa qua những bức ảnh của mình. The Falling Soldier, một trong những bức ảnh được Capa chụp trong thời kỳ đó, vẫn là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử nhiếp ảnh. "The Falling Soldier", bức ảnh gây tranh cãi của Robert Capa Hiện người ta vẫn chưa rõ chuyện gì xảy ra trong ngày đầu tháng 9/1936, trên mặt trận Cordoba. Nhiều năm sau khi Capa qua đời, đã nổ ra cuộc tranh cãi rằng khung cảnh trong bức ảnh thực chất là được dàn dựng. Tác giả Amanda Vaill đã tìm hiểu câu chuyện của cặp đôi Capa và Taro trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha để viết cuốn tiểu thuyết Hotel Florida. Trong cuốn truyện, Vaill viết rằng Capa và Taro đã tái tạo các cuộc tấn công và cảnh chiến đấu với một nhóm quân đội và chụp ảnh họ. Theo Vaill, khi những người lính “diễn” trước máy ảnh thì một viên đạn thật, có lẽ là của một tay bắn tỉa phát xít hoặc một trong những người nổi loạn, bắn trúng tim một người lính. Capa đã chớp được khoảnh khắc đó và nó đã trở thành bức ảnh nổi tiếng The Falling Soldier. Nhiều người tin rằng hàng ngàn phim âm bản do Taro, Capa và Chim trong nội chiến Tây Ban Nha đã bị thất lạc từ năm 1939. Song đến năm 2007, chúng đã được tìm thấy trong một vali Mexico. Tuy nhiên trong đó không có phim của bức ảnh người lính ngã xuống. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất