ĐT Đức: Đắt giá nhưng cần có danh hiệu

10/09/2013 12:52 GMT+7 | Đức

(lienminhbng.org) - Một công ty bất động sản vừa đề nghị mua lại hòn đảo thuộc bờ biển Florida, nơi từng quay series phim James Bond với giá 12 triệu euro. Liên hoan phim Cannes cũng từng rúng động vì vụ trộm đồ trang sức trị giá 103 triệu euro. Nhưng khối tài sản ấy chẳng thấm vào đâu, khi so sánh với một chiếc xe buýt tại quốc đảo Faroe nhỏ bé.

Đó chính là chiếc xe có vinh dự chuyên chở ĐT Đức cho trận đấu tại vòng loại World Cup 2014 đêm nay. Người lái xe buýt có trên xe 22 chàng trai trẻ. Theo tính toán của transfermarkt, giá trị của họ là 471,5 triệu euro. Trong đó, đắt giá nhất dĩ nhiên là Mesut Oezil - người vừa chuyển đến Arsenal với bản hợp đồng trị giá 50 triệu euro, còn rẻ nhất là lão tướng Klose (được định giá 2 triệu euro).


Các tuyển thủ Đức như Oezil đang ngày càng có giá trị về mặt thương mại.

Chưa bao giờ ĐT Đức đắt giá đến vậy, thậm chí còn đắt hơn đội hình của Brazil, Anh hay Italy. Nếu vặn ngược đồng hồ trở lại 4 năm trước thì đội tuyển Đức chỉ được định giá 280 triệu euro. Điều đó có nghĩa là giá của các tuyển thủ Đức đã tăng một cách chóng mặt. Ở góc độ nào đó, nó chính là minh chứng cho sự phát triển vũ bão của bóng đá Đức. Giống như Giám đốc của Transfermarkt, Matthias Seidel, đã phân tích: “Giá trị cầu thủ luôn đồng hành với giá trị giải đấu”.

Không chỉ có giá trị chuyển nhượng tăng vọt, mà các cầu thủ Đức hiện nay cũng còn được biết đến nhiều hơn ở khía cạnh hình ảnh thương mại. Manuel Neuer đã được Coca Cola “nâng cấp” đưa lên thành đại sứ nhãn hiệu trên toàn cầu. Tương tự, Oezil cũng vừa kí một hợp đồng quảng cáo với Adidas đến tận năm 2020 với giá trị lên tới 25 triệu euro. Tiền vệ này hiện có tới 11 triệu fan trên facebook. Trong khi đó, ban nhạc nổi tiếng nhất nhì nước Đức Die Toten Hosen chỉ có 900 nghìn fan trên facebook.

Rõ ràng, cuộc cách mạng về lối chơi, hướng tới một phong cách mền mại và quyến rũ đã giúp bóng đá Đức thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý hơn. Đến mức, các tuyển thủ Đức đang xu hướng trở thành các ngôi sao giải trí (thực tế, thậm chí còn đang nổi tiếng hơn cả các ngôi sao giải trí).

Nhưng, sau tất cả, những giá trị ấy có lẽ cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa, nếu ĐT Đức vẫn cứ tiếp tục cơn khô hạn danh hiệu đã kéo dài từ năm 1996 đến nay.!

Phan Đức
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm