Zlatan Ibrahimovic: Từ thế giới “trộm cắp” của Ibra

05/09/2012 13:40 GMT+7 | Pháp

(TT&VH) - Nếu không đi đá bóng, Zlatan Ibrahimovic có thể đã trở thành một tên trộm chuyên nghiệp, như rất nhiều dân nhập cư ở Malmo, một thành phố nằm ở phía Bắc Thụy Điển có đến 30% dân số gốc nước ngoài. Bóng đá đã cứu rỗi anh, và trở thành nơi nương náu của một tâm hồn đã chai sạn đi nhiều từ một gia đình khắc nghiệt và những ngày tháng đã trải qua trong một môi trường rất dễ lưu manh hóa con người.

“Tôi có thể bẻ mọi ổ khóa, và đã thực sự trở thành một tay chuyên nghiệp” - Cảm giác hưng phấn và khát khao “chinh phục” của một… tên trộm đã được Ibra kể lại tỉ mỉ trong cuốn tự truyện có tên “Tôi, Zlatan” xuất bản vào cuối năm ngoái, những dòng viết mà cho đến tận bây giờ vẫn chẳng vương vấn chút cảm giác tội lỗi: “Một tên trộm xe đạp, đó là công việc đầu tiên của tôi. Lần đầu thì có chút day dứt, nhưng đôi khi mọi chuyện lại vượt khỏi tầm kiểm soát. Đó là khi tôi nhìn thấy một chiếc xe máy dùng trong quân sự, đen tuyền, theo đúng phong cách Rambo. Nó khiến tôi phát điên, vì trộm một chiếc xe như thế mang lại cảm giác sợ hãi và hưng phấn hơn là xe đạp”.



Ibra và cuốn tự truyện của anh, “Tôi, Zlatan”

Ở khu phố đa sắc tộc Rosengard, nơi Ibra lớn lên, những chuyện lưu manh trộm cắp như thế xảy ra như cơm bữa. Cuốn tự truyện của Ibra bắt đầu bằng cảnh tiền đạo người Thụy Điển mỉm cười đứng bên một bức graffiti trên đường hầm dẫn vào khu ngoại ô nghèo, với lời trích dẫn “Bạn có thể vẽ các chàng trai đến từ Rosengard, nhưng không bao giờ có thể chạy trốn khỏi họ”. Như một lời khiêu khích, và đứa trẻ nào lớn lên ở Rosengard cũng không bao giờ có thể chạy thoát khỏi những ám ảnh thiếu bình yên. Một người bạn thiếu thời của Ibra ở Rosengard bảo rằng “không ai có thể thuần phục cậu ta, dù là bằng cây gậy hay củ cà rốt”. Đơn giản là vì tại đây, Ibra quen với mọi thứ, những lời dối trá lừa lọc và cả chửi rủa cay nghiệt.

Rosengard, khu giải quyết chế độ cho dân nhập cư ở Malmo, là một biểu tượng ảm đạm về cuộc sống và giáo dục đối với những đứa trẻ. Dân nhập cư nghèo từ Nam Tư, Somali, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan... đều đổ về đây, và một ngày ở đây dài tựa một thế kỷ, vì cuộc sống đặc quánh những xung đột tiềm ẩn. Trong ký ức tuổi thơ của Ibra, Rosengard không phải là mảnh đất dành cho sự yêu thương: “Chúng tôi không bao giờ nhận được những cái ôm hôn hay vuốt ve, và người ta chẳng bao giờ hỏi nhau những câu ngớ ngẩn kiểu “Ngày hôm nay của con thế nào, Zlatan?”. Cha mẹ tôi chẳng bao giờ giúp tôi làm bài về nhà, và cũng chẳng bao giờ hỏi han về các vấn đề của tôi”.

Rosengard là để trở về

Ibra đã phải học cách tự giải quyết những rắc rối của mình từ khi còn nhỏ: “Tôi đã tự vượt qua mọi thứ, và tự bảo với bản thân rằng sẽ không khóc khi có bất kỳ ai bắt nạt tôi”. Không phải vì anh không muốn cảm nhận được sự yêu thương. Cuốn tự truyện của Ibra kể rằng anh cũng từng rất muốn nhận được một vài nụ hôn, và những cử chỉ trìu mến từ cha mẹ mình, nhưng đó luôn là thứ xa xỉ. Thay vào đó là những cái tát và lời chửi mắng sa sả của bà Jurka, mẹ anh, đại loại như: “Thằng khốn ngu ngốc. Tao sẽ giết mày nếu mày dám trèo lên mái nhà một lần nữa”.

Mẹ anh là một người tốt, nhưng thô lỗ, tính cách hình thành qua những năm tháng vất vả lam lũ, sau khi chia tay ông chồng nghiện rượu kể từ khi Ibra còn chưa ra đời. Cha anh, ông Sefik Ibrahimovic, là một người Bosnia theo “chủ nghĩa du mục”, thường xuyên đi làm xa nhà, không mấy quan tâm đến gia đình, và tiền ông ta kiếm được không phải để trả cho việc nuôi dưỡng Ibra, mà bay biến theo những chai rượu. Những cuộc đối thoại theo phong cách dân nhập cư của họ được Ibra kể lại tỉ mỉ trong cuốn tự truyện: “Một gia đình Thụy Điển điển hình sẽ nói với nhau rằng “em yêu, em có thể cho chút muối vào hay không?”. Còn chúng tôi? Nó sẽ là đại loại thế này: “Đưa sữa đây, đồ khốn!”.

Nhưng với Ibra, Rosengard vẫn là một tổ ấm, dẫu nó có không êm đềm đi chăng nữa, và bản thân tiền đạo người Thụy Điển cũng trở thành một biểu tượng của khu phố nghèo này, vì từ đây, một đứa trẻ nhập cư đã vươn lên để trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Đứa trẻ ấy đã trở về đây, bỏ tiền ra xây dựng một sân bóng cho thiếu niên ở Rosengard và tài trợ những vật dụng thể thao tốt nhất cho những cậu bé giống như anh cách đây hơn 20 năm. Mảnh đất cằn cỗi ấy cần thêm những hạt giống tươi tốt lớn lên, nơi quả bóng vẫn sẽ lăn để cuộc sống trở nên nhẹ nhõm và đáng sống hơn, như đã từng dẫn lối một cậu bé trộm cắp thoát khỏi một thế giới bị ám ảnh bởi nghèo khó và lưu manh. Với Ibra, Rosengard không phải để chạy trốn, mà là để trở về. Trở về để làm cho mọi thứ tốt hơn. Trở về, như chưa từng chia ly.

Ibra còn “hot” hơn cả Harry Potter

Cuốn tự truyện “Tôi, Zlatan” được chấp bút bởi nhà văn Thụy Điển David Legercrantzu đã tạo ra một cơn sốt lớn tại Thụy Điển ngay khi được xuất bản vào cuối năm ngoái. Ngoài các phiên bản sách giấy, “Tôi, Zlatan” còn được phát hành dưới hai ngôn ngữ Thụy Điển và Italia trên các ứng dụng đọc sách điện tử của iPad từ tháng Ba năm nay. Phiên bản giấy của cuốn sách, một “triển lãm” các màu áo mà Zlatan đã từng khoác trong sự nghiệp lẫy lừng của mình và các hình xăm trên cơ thể anh, đã được bán hết chỉ sau một vài ngày, được coi là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại của Thụy Điển, vượt cả các ấn bản của loạt truyện nổi tiếng Harry Potter. Đó thực sự là một hiện tượng trong giới phát hành của Thụy Điển. Nhà báo thể thao hàng đầu của đất nước này, Niklasom Aristoyom, lý giải cho sức thu hút của cuốn tự truyện: “Sự thành công của cuốn sách không khiến tôi ngạc nhiên. Mọi người đều tưởng tượng ra một Zlatan thực sự sẽ là như thế nào, song chẳng ai biết điều gì về anh ta. Các ngôi sao thể thao sử dụng lý lịch đẹp để tiến thân, nhưng không phải Zlatan. Cuốn tự truyện ấy thiếu vắng vẻ đẹp lung linh, và Zlatan là một phản đề cho những ai nghĩ rằng một cầu thủ bóng đá phải trưởng thành trong một môi trường thuận lợi. Đơn giản là anh ấy muốn trở thành người giỏi nhất, và câu chuyện anh ta kể không nhàm chán. Ibra đã trở thành biểu tượng của một người nhập cư đã vươn lên thành người giỏi nhất. Một câu chuyện xúc động về sự vươn lên từ đáy bùn đến đỉnh cao”.

Phạm An (Tổng hợp)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm