(lienminhbng.org) -
Không cần làm live show riêng, Tấn Minh cũng có được một năm làm nghề “hể hả”, với những bạn nghề là 2 cái tên gắn bó nhất với anh: Đỗ Bảo (trong live show Cánh cung vừa diễn ra) và tới đây sẽ là live show Dương cầm lạnh của Phú Quang (dự kiến diễn ra vào 3-4-5/1 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội), vào thời điểm mà theo anh là đang vào độ chín nhất của nghề. Gặp Tấn Minh, định hỏi anh về một tin vui khác trong nghề, hóa ra, điều mà anh muốn thổ lộ hơn cả, là những gì vừa diễn ra trong live show “Cánh cung” của Đỗ Bảo – tri kỷ của anh trong âm nhạc, nơi anh vừa hát “Cỏ mềm” mềm mại hơn bao giờ, da diết hơn bao giờ, nơi tình nghệ sỹ là điều có thật đến hiển nhiên, mà vẫn khiến chính những người trong cuộc xúc động…
Cái lăn xả đấy, sướng lắm!* Có thể cảm nhận rất rõ là trước live show “Cánh cung”, Tấn Minh vẻ như còn xúc động hơn cả “nhân vật chính”, qua từng dòng status trên FB. Là do anh mừng cho bạn mình, hay còn cho cả chính mình?- Thì chị bảo, trong suốt 10 ngày (với dàn nhạc cổ điển thì còn trước đó cả tháng), hàng bao nhiêu con người bò ra tập, thậm chí còn tranh nhau tập, đến mức hoa mắt chóng mặt, mà không ai nói đến tiền. Không ai nhắc đến tiền ở một nơi như thế và với một người như Bảo. Vì nếu là tiền, chắc bạn mình không đủ để trả, cho một thái độ làm nghề say mê đến thế, nghiêm túc đến thế. Cái lăn xả đấy, nó sướng lắm chị, nó sẽ theo mình mãi…
* Hiếm khi là thế, lúc này? - Thực ra, cũng không hẳn hiếm đâu, nếu được đặt đúng chỗ, được tạo điều kiện. Vì bản chất của những người nghệ sỹ đích thực là luôn muốn được làm nghề một cách “tận hiến” như thế. Chỉ là đôi nơi đôi lúc họ không có đủ điều kiện mà thôi.
* Và chính xác là anh và mọi người đã từ chối nhận cát sê trong show Đỗ Bảo? - Không. Nói thế thì… “oan” cho Bảo quá! Vì đúng là khi đến với Bảo, chả ai đề cập gì đến chuyện kia. Ngay cả Hà Trần bay từ Mỹ về cũng không đề cập. Điều duy nhất mà tất cả đều nghĩ đến là làm sao cống hiến được hết mình. Nhưng Bảo, vốn dĩ là người không để ai thiệt bao giờ…
* Đó là lý do khiến anh hát “Cỏ mềm” - ca khúc anh từng nói là mình yêu thích nhất, hay hơn bao giờ?- Chị cũng… nghe rõ cơ à? Hôm ấy, thực ra tôi không định… hát, mà là muốn kể chuyện. Kể một cách thủ thỉ nhẹ nhàng. Tới nỗi, có lúc tôi hơi lo không biết khán giả ở dưới có nghe rõ không, có thích không. Chỉ biết là lúc ấy mình thấy rõ… tay mình nổi da gà, thế đấy, hâm quá!
Hát nhỏ khó hơn hát to nhiều* Từng có câu giễu: Chỉ mỗi hát to là giỏi. Đó là lý do anh… hát nhỏ?- Quả thực là trong nghề này, hát nhỏ mới là khó (trừ đôi lúc cũng cần phải hát to), khó hơn nghìn lần so với hát to. Vì khi hát nhỏ, bạn có thể cảm thấy cái bụng của mình như xoắn lại, quặn đau, bởi nó phải nén chặt kinh khủng, thì mới nhả ra tơ được.
* Nhưng biết đâu rằng cái sự “nhả tơ” ấy, chỉ là “tự mình biết riêng mình” thôi vậy! Và may ra, có thêm bạn nghề, mà còn phải là bạn nghề giỏi. Bằng không, thì lúc này phải là thời của “những kẻ hát to”!
- Tưởng vậy thôi, chứ thực ra lúc này khán giả người ta “cao trình” lắm chị! Nhiều lúc người ta còn đi trước cả nghệ sỹ, nếu như anh không chịu mở mang, cập nhật. Lúc này mà không “up date” thì tụt hậu, “bật bãi” như chơi vậy! Nên thường ra, gần như tuần nào tôi cũng phải lượn lờ ở hàng đĩa, tới mức quen mặt. Rồi, thậm chí, cả quay sang… học lỏm vợ (NS chèo Thu Huyền – PV). Tư duy, thẩm mỹ, hơi thở… - Nhìn lên hay nhìn sang, tất cả đều cần thiết, để mình có thể già, nhưng không thể cũ, nếu như muốn đi lâu và đi xa…
Tấn Minh trong liveshow Cánh cung của Đỗ Bảo ngày 8/12
* “Rằng lâu thì thật là lâu”, nhưng vẻ như Tấn Minh chưa mấy chịu… đi xa, ít nhất, theo nghĩa đen của từ này? Như cách… Tùng Dương đã chọn?- À cái này thì từng bị một cậu bạn giễu rồi (cái thằng đanh đá tệ!): “Đường rộng thênh thang thì không đi, lại chui vào cái mương, lội bì bà bì bõm rồi… kêu mát”! Nhưng đúng là tôi thấy “mát” thật! Ít ra, là so với những tiêu chí mà tôi tự đặt ra cho mình, ngay từ những ngày đầu. Chẳng phải trong dòng nhạc mà tôi theo đuổi, Tấn Minh rõ ràng là một trong những người hàng đầu rồi không, còn muốn gì hơn nữa! Tới lúc này, có thể khẳng định đến 90% rằng: Có thể có người thích, hay không thích tôi, hay dòng nhạc của tôi, nhưng chắc là ít ai dám chê Tấn Minh hát chán. Và trong đời sống, thì hoàn toàn được làm một người thả lỏng, đủ để sống chan hòa bên người thân, bạn bè... Chỉ thế thôi, nhưng đừng tưởng là dễ! Còn thì, mọi thứ đều có giá và có nguyên nhân của nó hết. Tùng Dương cũng là một giọng ca tôi hết sức yêu mến và nể phục. Cách Dương chọn là phù hợp với tính cách của cậu ấy, tư duy âm nhạc của cậu ấy. Cũng như, cách tôi chọn là phù hợp với tính cách của tôi, tư duy âm nhạc của tôi, những mối quan tâm của tôi. Chẳng hạn, Phú Quang, Đỗ Bảo… - hai nhạc sĩ mà tôi đồng cảm hơn hết. Nội hai thế giới ấy tôi còn vùng vẫy chưa hết, khám phá chưa hết, thì liệu có nhất thiết, phải đi đâu xa?
Nói thật nhé, khi làm nghề, thực ra tôi không chủ trương hướng đến đám đông đâu, dù vẫn muốn được nhiều người yêu thích. Vẻ như là hơi mâu thuẫn đấy, nhưng có lẽ là, sự lan tỏa, nếu có được, thì tốt nhất nên là tự nhiên. Đấy, điều tôi mong là chinh phục được những cột mốc trên con đường mình đi, và có được sự đồng cảm, tri âm với những người bạn đi cùng đường, những khán giả đứng đợi mình ở nơi mình đến... Tất nhiên, thêm được thì tốt, còn bớt thì… không!
“Hát nhỏ mới là khó, khó hơn nghìn lần so với hát to. Vì khi hát nhỏ, bạn có thể cảm thấy cái bụng của mình như xoắn lại, quặn đau, bởi nó phải nén chặt kinh khủng, thì mới nhả ra tơ được. Còn nếu như để hát ộc ra một cái, thì…”. |
Thư Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần