Phía sau vụ khủng bố ở Kenya: 'Thánh chiến' trên Twitter

27/09/2013 07:06 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Trong khi vụ tấn công khủng bố chết chóc nhằm vào Trung tâm mua sắm Westgate của Kenya đang diễn ra, những kẻ liên quan còn tham gia vào một cuộc chiến khác trên mạng, gửi đi thông điệp chế nhạo quân đội Kenya, bênh vực khủng bố và dọa gây ra nhiều vụ tàn sát tương tự.

Theo một nhà phân tích an ninh có trụ sở ở Mỹ nói với hãng tin AP, mỗi lần mạng xã hội Twitter xóa tài khoản có liên quan tới nhóm chiến binh Al-Shabab gốc Somali, với ít nhất 5 lần như thế, chúng lập tức lại mở một tài khoản mới.

Khoe chiến tích, trêu chọc an ninh

Tài khoản thứ sáu xuất hiện hôm 24/9 vừa qua, thời điểm vụ khủng bố vẫn đang diễn ra, có kèm theo một bức ảnh cho thấy hai kẻ tấn công đang điềm tĩnh rảo bước trong Westgate, dường như không quan tâm tới sự nguy hiểm chúng phải đối mặt.  Al-Shabab còn trêu chọc an ninh Kenya vì chậm giành lại quyền kiểm soát trung tâm mua sắm. 


Đưa người bị thương ra khỏi trung tâm mua sắm Westgate đã sập một phần

Theo J.M.Berger, một nhà phân tích khủng bố đã theo dõi thường xuyên Al-Shabab, đây không phải lần đầu tiên nhóm này tiến hành thường thuật trực tiếp  một cuộc tấn công khủng bố lên Twitter. Chúng đã làm điều tương tự trong một số cuộc tấn công gần đây ở thủ đô Mogadishu của Somali và cả khi âm mưu ám sát Tổng thống Somali.

Nhưng mức độ sử dụng mạng xã hội trong vụ tấn công ở Kenya lại nằm ở tầm cao hơn hẳn.

Thông điệp của Al-Shabab, ít nhất là theo các tin nhắn tweet, nhằm vào cộng đồng quốc tế và Kenya, yêu cầu để Somali nằm trong quyền kiểm soát của nhóm Hồi giáo này.

Lấn lướt chính quyền trên mạng Internet

Berger, người từng phát hiện và thông báo Al-Shabab vi phạm điều khoản sử dụng dịch vụ của Twitter trong những lần trước, đã tiếp tục đưa ra thông tin tương tự trong vụ tấn công khủng bố ở Kenya. Tài khoản bị Berger phát hiện mang nick #Westgate lập tức bị đóng. Nhưng một tài khoản khác đã được Al-Shabab mở ra ngay sau đó và nick mới được gửi đến tất cả các phóng viên nằm trong danh sách phát tin của nhóm.

Các tài khoản này không chỉ là nơi Al-Shabab khoe chiến tích mà còn giúp "hợp lý hóa" vụ khủng bố của chúng. Ví dụ khi con số người chết tăng lên và nhiều hình ảnh được phát ra ngoài cho thấy nỗi kinh hoàng của vụ khủng bố, gồm cảnh một người phụ nữ thân thể đẫm máu hay những đứa trẻ đang rất hoảng loạn, Al-Shabab đã lên tiếng giải thích: "Các chiến binh thánh chiến không muốn giết phụ nữ, trẻ em và đã làm tất cả để sơ tán họ trước vụ tấn công  #Westgate".

Màn tấn công trên mạng của Al-Shabab, gồm các cuộc "đấu tin tweet" qua lại với an ninh Kenya, đã dẫn tới chỗ có lúc cảnh sát phải kêu gọi "nhân dân Kenya phớt lờ thông điệp tuyên truyền của những kẻ muốn chia rẽ và đánh gục" đất nước này.

Điều gây chú ý nằm ở chỗ thông điệp của Al-Shabab viết bằng tiếng thổ ngữ  Somali lại có giọng điệu khác hơn và dường như nhắm vào một bộ phận khán giả nội địa, không giống các tin nhắn tweet chủ yếu dùng tiếng Anh.

Vẫn phải chiến đấu dù khó thắng

Twitter không giải thích vì sao đã đóng các tài khoản của Al-Shabab, nhưng điều khoản sử dụng của công ty có cấm việc "đưa ra các đe dọa bạo lực, cụ thể nhằm vào người khác".  “Shabab đã làm giảm uy tín của chính quyền thông qua việc phản bác, phá hoại thông tin do họ công bố" - nhà phân tích Daveed Gartenstein Ross ở Quỹ Bảo vệ Dân chủ nói


Một trong những tài khoản của Al-Shabab trên Twitter

Theo Ross, việc Twitter tiếp tục đóng tài khoản Al-Shabab là cần thiết, điều không được một số người trong cộng đồng tình báo ủng hộ. Họ nói rằng các tài khoản giúp mở ra cánh cửa nhìn vào bên trong nhóm khủng bố này.

Berger cũng cho rằng có những lý do tốt đẹp để đóng cửa tài khoản của Al-Shabab. "Thông qua việc hạ gục chúng hết lần này sang lần khác, Twitter đã ngăn không cho chúng thu hút hàng ngàn người ủng hộ về lâu dài" - ông nói - "Rất khó có khả năng để từ chối vĩnh viễn chúng trong việc sử dụng các dịch vụ như Twitter. Nhưng có những lý do tốt để ta luôn cắt cỏ trong vườn, dù ta sẽ không bao giờ tiêu diệt hoàn toàn được cỏ dại".

Tổ chức Al - Shabab có vài ngàn chiến binh

Al -Shabab trỗi dậy từ cuộc khủng hoảng chính trị ở Somali, hình thành sau khi nhà độc tài của nước này bị lật đổ vào năm 1991. Al-Shabab hiện có vài ngàn chiến binh trong tay, gồm vài trăm người nước ngoài, có cả các chiến binh tới từ Trung Đông, đầy kinh nghiệm chiến đấu ở Iraq và Afghanistan.

Al-Shabab tuyên bố vụ tấn công trung tâm trung tâm mua sắm là để trả đũa cho việc quân đội Kenya tiến vào Somali hồi năm 2011. Hoạt động của Kenya nằm trong khuôn khổ chiến dịch của Liên minh châu Phi nhằm đẩy lùi Al-Shabab khỏi thủ đô Somali.


Tường Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm