12/09/2020 06:30 GMT+7
(lienminhbng.org) – Cristiano Ronaldo đã trở thành một cỗ máy săn bàn và có sự nghiệp lừng lẫy tại Anh, Tây Ban Nha rồi Ý. Hãy cùng xem phong cách chơi của anh đã thay đổi thế nào kể từ khi thành danh tại MU.
Những năm đầu tiên (2002-06)
Cristiano Ronaldo đã có trận ra mắt chuyên nghiệp cho Sporting khi mới 17 tuổi, vào sân trong trận thua Partizan. Thời điểm đó, có thể thấy Ronaldo vẫn chưa hoàn thiện về thể chất: anh cao và gầy khi xuất hiện trong bộ áo đấu của CLB.
Kỹ năng rõ ràng nhất của Ronaldo lúc đó là tốc độ và khả năng lừa bóng qua đối thủ trong những pha 1 chọi 1. Anh thường được sử dụng ở vị trí chạy cánh, điều thường xảy ra với những cầu thủ thích đột phá.
Sau đó, Ronaldo chuyển tới MU và kế thừa chiếc áo số 7 của David Beckham. Anh là một cục đất sét chưa được nhào nặn nhưng khao khát chứng minh bản thân mình. Anh được khuyến khích thể hiện bản thân và điều đó đồng nghĩa với việc: lừa bóng và vượt qua đối thủ.
Những bước chạy của Ronaldo đưa anh di chuyển khắp mọi nơi trên sân. Tuy nhiên, đầu của anh thường cúi xuống và điều này có nghĩa Ronaldo sẽ bỏ lỡ những khoảnh khắc di chuyển của đồng đội hoặc không phát hiện được thời điểm thích hợp để sút bóng.
Tiền đạo MU lúc đó, Ruud van Nistelrooy, là người chịu thiệt thòi nhất về điều này. Anh thường di chuyển thông minh vào khoảng trống nhưng hiếm khi được chuyền bóng hay đón những quả tạt thuận lợi. Việc trở thành một phiên bản mới của Beckham rõ ràng không dễ dàng với Ronaldo.
Các số liệu thống kê tại Premier League của Ronaldo trong giai đoạn đó chỉ giới hạn ở số bàn thắng và đường kiến tạo. Nhưng mọi thứ đều rất ấn tượng.
Trong kỳ EURO 2004, Ronaldo thăng hoa ở ĐT Bồ Đào Nha khi có số lần rê dắt nhiều hơn so với bất kỳ ai tại giải đấu và là một trong những người dẫn đầu trong BXH những cầu thủ sút trúng khung thành nhiều nhất.
Điều đáng nói là thời điểm đó, Ronaldo hỗ trợ phòng ngự cũng rất nhiều. anh cũng nằm trong số những người dẫn đầu giải đấu về các pha tắc bóng và đánh chặn. Rõ ràng khi ở tuyển Bồ Đào Nha, Ronaldo thoải mái hơn so với khi chơi cho MU.
Thời gian tiếp theo (2006-09)
Vào mùa hè năm 2006, MU đã thực hiện một quyết định táo bạo khi bán Van Nistelrooy cho Real Madrid để dọn đường cho sự phát triển của Ronaldo và một tiền đạo khác là Wayne Rooney.
Bản hợp đồng mới duy nhất của họ trước mùa giải 2006-07 là Michael Carrick, một tiền vệ phòng ngự. Trên hàng công lúc đó chỉ còn Solskjaer, người đã 33 tuổi, và Louis Saha, người không còn xa lạ gì với những chấn thương. Về cơ bản, HLV Ferguson đang trao chìa khóa của đội cho Ronaldo và Rooney.
Ronaldo trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công. Anh bắt đầu khai thác khả năng không chiến của mình trong thời gian này khi ghi được 8 bàn thắng bằng đầu trong 3 mùa giải tiếp theo.
Ronaldo thường được xếp chơi ở cánh phải, nhưng đôi khi cũng đá cắm hoặc ở cánh trái. Nói một cách khác, anh là một tiền đạo toàn diện có thể chơi ở mọi vị trí. Khi đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn, Ronaldo cũng dứt điểm nhiều hơn và có trung bình 5 cú sút mỗi trận.
Không chỉ vậy, Ronaldo cũng bắt đầu sút xa nhiều trong giai đoạn này. Trong số 527 cú sút mà Ronaldo thực hiện trong 3 mùa giải đó, gần 60% đến từ cự ly hơn 21 mét. Đây sẽ là một dấu ấn trong sự nghiệp của anh, mặc dù hiệu quả từ những cú sút xa của CR7 đã giảm dần theo thời gian sau này. Khả năng tận dụng những pha bóng chết cũng vậy, trong giai đoạn này, anh đã ghi 9 bàn từ những cú đá phạt trực tiếp tại Premier League.
Để tạo sự tự do cho Ronaldo, Ferguson đã bổ sung những cầu thủ tấn công vào năm 2007 (Carlos Tevez) và 2008 (Dimitar Berbatov). Điều thú vị là cả hai tiền đạo này đều không cản đường tỏa sáng của Ronaldo. Tevez, hơi giống Rooney thời đó, là một cá nhân chăm chỉ, không vị kỷ, còn Berbatov, tuy không chăm chỉ bằng, nhưng lại thường ưu tiên hỗ trợ đồng đội hơn là tự ghi bàn.
Kết quả là MU đã giành được ba chức vô địch liên tiếp và điều quan trọng không kém là họ đã vô địch Champions League mùa giải 2007-08. Trong 50 năm trước đó, MU chỉ lọt vào top 4 Champions League trong 5 lần, 3 trong số đó ở trong giai đoạn này, với sự xuất hiện của Ronaldo.
Mặc dù giai đoạn này chủ yếu là về số liệu thống kê cá nhân và cách Ronaldo thay đổi cũng như phát triển, nhưng không thể quên rằng bóng đá là môn thể thao tập thể. Không phải ngẫu nhiên trong 3 năm cuối tại MU, Ronaldo được giao trọng trách gánh đội và trùng hợp thay đó cũng là khoảng thời gian được cho là tốt nhất trong lịch sử CLB.
Giai đoạn đỉnh cao (2009-14)
Năm 2009, Ronaldo chuyển tới Real Madrid cùng hàng loạt ngôi sao khác. Tuy nhiên, năm đầu tiên ở đây dưới thời Manuel Pellegrini không thật sự suôn sẻ.
Real lúc đó là một đội bóng nhiều cá nhân giỏi nhưng không phải một tập thể mạnh. Điều đó thể hiện qua chỉ số bàn thắng kỳ vọng 0,06 - thấp nhất tại La Liga.
Như thường lệ, Ronaldo vẫn là người gồng gánh đội với những cú sút và nỗ lực rê bóng của mình. Thời gian của anh được chia đều trên mặt trận tấn công: cánh trái, phải và trung tâm. Anh kết thúc mùa giải với 33 bàn thắng, 26 trong số đó được ghi ở La Liga, kém Gonzalo Higuain một bàn.
Mọi chuyện thay đổi khi Jose Mourinho thay Pellegrini tiếp quản Real. Mối quan hệ giữa cặp đôi người Bồ Đào Nha đã trải qua những thăng trầm, nhưng Mourinho nhanh chóng tìm thấy cho Ronaldo một vị trí sở trường là tiền đạo cánh trái. Anh vẫn thực hiện nhiều cú sút (trung bình 6,91 trong 3 mùa giải của Mourinho), nhưng lại sút từ những vị trí tốt hơn (chỉ số bàn thắng kỳ vọng - 0,12 - gấp đôi mùa trước).
Trong khoảng thời gian này, Ronaldo cũng có cuộc sống cá nhân ổn định hơn. Vì đó, anh có thêm thời gian để tập luyện tăng cường thể chất.
Làm việc với Valter Di Salvo, HLV thể lực của Real, Ronaldo đã được áp dụng một chương trình toàn diện cả về dinh dưỡng và giấc ngủ. Chính trong khoảng thời gian này, cơ bắp của Ronaldo đã phát triển mạnh và cơ thể anh phình to ra.
Lối chơi của Ronaldo lúc đó cũng thực dụng hơn, trực diện hơn. Những nỗ lực rê bóng của anh đã giảm qua các năm, từ 6,26 trong mùa giải 2009-10, xuống còn 3,93 trong mùa giải 2012-13, mùa giải cuối cùng của Mourinho. Ngược lại, khả năng ghi bàn của anh lại thực sự ấn tượng. CR7 đã ghi trung bình 30 bàn/mùa trong 3 mùa giải của Mourinho.
Mùa giải 2012-13 cũng đánh dấu vai trò lãnh đạo của siêu sao người Bồ Đào Nha. Trong bối cảnh Mourinho liên tục gây chiến với truyền thông còn Real xếp sau Barca tới 15 điểm, Ronaldo trở thành người có tiếng nói quan trọng trong phòng thay đồ. Anh đã đứng lên vì các đồng đội của mình và không ngại đối đầu với Mourinho.
Mùa hè năm 2013 chứng kiến sự xuất hiện của Gareth Bale, người có mức phí cao hơn một chút so với Ronaldo. Tuy nhiên, CR7 vẫn là trung tâm của đội vì Bale chỉ thi đấu ở cánh đối diện. Đó cũng là lúc bộ ba tấn công “BBC” được hình thành dưới sự dẫn dắt của HLV Carlo Ancelotti.
Ronaldo thậm chí còn trở thành một cầu thủ cố định hơn trong vòng cấm. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, anh dứt điểm trong vòng cấm nhiều hơn so với bên ngoài. BBC được hỗ trợ bởi một hàng tiền vệ chất lượng gồm Luka Modric, Angel Di Maria và Alonso. Sự kết hợp đó đã giúp Real đến với cú Decima vào năm 2015, danh hiệu Champions League thứ 10 của CLB.
Sự ra đời của một trung phong (2014-16)
Mùa giải 2013-14 của Ronaldo rất ấn tượng nhưng anh đã bị chứng viêm gân gót ở đầu gối làm phiền. Trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải 2014-15, Ronaldo đã trải qua các bài phục hồi chức năng. Cơ thể của anh bắt đầu gầy đi trông thấy. Một phần là để giúp đầu gối trở nên nhẹ nhõm hơn, một phần là để khai thác tốt nhất một số điểm yếu của anh sau này.
Ronaldo dần trở thành một tiền đạo cắm, quá mạnh khi đối đầu với những hậu vệ cánh nhưng đủ nhanh để chiến thắng các trung vệ. Anh đã bắt đầu rê bóng ít hơn và di chuyển như một “số 9” mỗi khi Real cầm bóng. Còn nhớ CR7 từng có 60% cú sút từ ngoài vòng cấm khi ở MU, thì trong giai đoạn này, thống kê đó đã đảo lộn thành 60% cú sút xuất phát từ trong vòng cấm. Khả năng dứt điểm và khả năng phán đoán hành động của hậu vệ đã giúp Ronaldo trở nên khác biệt. Kết quả là anh đã khép lại mùa giải 2014-15 với tổng cộng 61 bàn thắng.
Mùa giải tiếp theo, Rafa Benitez tiếp quản Real và đã có một khoảng thời gian u ám. Nhưng khi Zinedine Zidane tới, ánh sáng đã trở lại và Real tiếp tục giành cúp Champions League ở cuối mùa. Ronaldo tiếp tục rê bóng ít hơn so với các mùa giải trước, chủ yếu là do anh hoạt động quá gần khung thành. Anh đã ghi được tận 16 bàn ở cúp châu Âu và đó là lúc mọi người biết Ronaldo đang dần trở thành một trung phong cắm.
Những năm ở tuổi 30 (2016 đến nay)
Năm 2016, Ronaldo cuối cùng cũng có danh hiệu quốc tế đầu tiên khi cùng Bồ Đào Nha chinh phục EURO. Mùa giải sau (2016-17), anh cùng Real tiếp tục vô địch Champions League lần thứ ba liên tiếp. Nhưng trong khoảng thời gian này, các chỉ số thống kê của Ronaldo đều sụt giảm, từ số lần rê bóng, sút xa và cả số bàn thắng.
Mặc dù vậy, Ronaldo vẫn thường xuyên tỏa sáng ở những thời điểm quan trọng. Tại World Cup 2018, cú hat-trick của anh vào lưới Tây Ban Nha trong trận mở màn nhắc nhở cho mọi người thấy anh có thể làm gì trong một ngày đạt phong độ cao.
Sau đó, khi Bồ Đào Nha dừng chân ở vòng 16 đội, Ronaldo chuyển đến Juventus. Lúc này anh đã 33 tuổi và đem theo nhiều hoài nghi về việc có thể tiếp tục duy trì phong độ đỉnh cao hay không. Đó không chỉ là việc thích nghi với Serie A mà còn là việc hòa nhập vào một đội bóng có lối chơi khác rất nhiều so với Real, nơi anh đã phát triển trong vòng 9 năm.
HLV Allegri được giao nhiệm vụ biến phong cách của Juventus phù hợp với Ronaldo đồng thời mang lại kết quả tích cực. Đó không phải điều dễ dàng, vì vậy có lẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều con số của Ronaldo đã sụt giảm hơn nữa, một xu hướng vẫn tiếp tục trong mùa giải hiện tại.
Maurizio Sarri đã thay thế Allegri và về lý thuyết, đây là một HLV thiên về tấn công hơn và đó lẽ ra phải là người phù hợp với Ronaldo. Tuy nhiên, sau 5 năm dưới thời Allegri, toàn đội Juventus nhận ra quá trình chuyển giao này quá khó khăn, và Sarri đã phải vật lộn để đưa đội hình mới của mình chơi ổn định theo cách mà ông ấy muốn.
Tất cả chỉ số của Ronaldo đều đã giảm, duy chỉ có số lần chạm bóng trong vòng cấm là tăng. Điều đó cho thấy toàn đội Juventus đã cố gắng phục vụ Ronaldo thế nào. Nhưng có lẽ, người đàn ông mà chúng ta đang nói đến đã già, và không thể đạt được phong độ siêu phàm như những mùa giải vừa qua.
Câu hỏi đặt ra lúc này là Ronaldo sẽ thay đổi lối chơi của mình thế nào để thích nghi với Juventus hơn trong tương lai? Chỉ biết rằng ở độ tuổi 35, cơn bão mang tên “thời gian” cũng đã bắt kịp Ronaldo.
Trung Phạm
Theo ESPN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất