05/05/2013 11:16 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Người đàn ông có cái tên Robert Edward Turner III, tỷ phú truyền thông, nhà sáng lập CNN, chỉ muốn được gọi đơn giản là “Ted” - Call me Ted (Hãy gọi tôi là Ted) - như tiêu đề cuốn tự truyện ghi lại những sự kiện quan trọng nhất đời ông.
Về cuộc sống riêng, giới phê bình ít lạm bàn, nhưng họ đặc biệt ca ngợi những kinh nghiệm nghề nghiệp trong cuốn sách.
1. Ted Turner sinh năm 1938, có khoảng 2 tỷ USD theo thống kê của Forbes vào năm 2012, không quá giàu so với các ông trùm truyền thông khác, trong đó có Rupert Murdoch, đối thủ của ông (Murdoch có 8,3 tỷ USD, cũng theo Forbes). Cuộc đối đầu kỳ quặc giữa hai ông trùm sẽ được đề cập trong phần sau của bài viết.
Với CNN, Ted luôn đặt mục đích rõ ràng: đưa tin nóng hổi và khách quan nhất có thể. Ông kể lại, với vẻ tự hào không hề che giấu, hai ví dụ kinh điển về cuộc Chiến tranh vùng Vịnh ở Iraq năm 1991 và cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 được CNN đưa tin như tường thuật trực tiếp từ hiện trường. Các phóng viên kỳ cựu của CNN đã tác nghiệp trong làn đạn ở Iraq, khi những đồng nghiệp ở CBS, ABC, NBC… đều ngồi trong trường quay. Cảnh chiếc máy bay thứ hai đâm vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới đã được CNN quay và phát sóng ngay lập tức.
Bìa cuốn sách Hãy gọi tôi là Ted.
Đó là cách “làm báo với trình độ cao nhất” (lời Ted) và cách ông kể khiến không một người làm báo nào đọc mà không cảm thấy ghen tị và thán phục CNN.
Trong bối cảnh đó thì cách làm truyền thông của Rupert Murdoch, nhà sáng lập tập đoàn News Corporation, là một sự đối nghịch. Ted viết: “Tôi chưa bao giờ giữ bí mật chuyện tôi không thích kiểu làm ăn của Murdoch, cứ nhìn vào tiêu chuẩn báo chí nghèo nàn của những tờ báo mà ông ta đưa ra...”. Murdoch là trùm báo lá cải, The Sun, News of The World (đã bị đánh sập), New York Post... là những đầu báo khét tiếng.
Đỉnh điểm trong cuộc đối đầu cá nhân Turner - Murdoch là tờ New York Post đăng ảnh ghép Ted với áo bệnh nhân tâm thần, chạy dòng chữ “Ted Turner bị điên?” và rồi Ted trả đũa bằng cách nói giễu trong một cuộc diễn thuyết: “Giờ thì tôi có thể giết ông ta và thoát tội vì lý do bị tâm thần”.
Thế nhưng kênh truyền hình Fox News của Murdoch về sau đã vượt CNN về tỷ lệ người xem, Ted thừa nhận và giải thích: “Trong khi chúng tôi cố gắng giữ đúng sứ mệnh đưa tin không thiên vị thì chiến lược của họ là đưa tin theo quan điểm cánh hữu định kiến đang rất được ưa chuộng”.
2. Những sự kiện khác được Ted kể lại trong cuốn tự truyện: hợp tác bất thành với Bill Gates, thuyết phục New Line Cinema sản xuất siêu phẩm điện ảnh 3 phần The Lord of The Rings, quyên góp 1 tỷ USD tài sản riêng cho Liên Hiệp Quốc...
Về cuộc sống riêng, Ted đưa ra lựa chọn dứt khoát và lạnh lùng: kể về ai và không (hoặc ít) kể về ai. Cuộc hôn nhân 23 năm với người vợ thứ hai Jane Smith chỉ được nhắc lại trong vài ba đoạn. Trong khi đó, cuộc hôn nhân thứ ba với mối tình lớn nhất đời ông, minh tinh Jane Fonda - “một phụ nữ đầy lôi cuốn” - bất chấp sự khác biệt trong quan điểm về chiến tranh Việt Nam, được tô đậm qua nhiều chương với bao yêu thương và nuối tiếc. Có cả một bức ảnh hai vợ chồng chụp ở trang trại của gia đình mà Ted cẩn thận chú thích “Bức ảnh chụp cùng Jane mà tôi yêu thích nhất”.
Và thật thiếu công bằng, người mẹ mà Ted ca ngợi từ đầu sách “thông minh, xinh đẹp, thanh lịch và rất cá tính” lại chẳng để lại dấu ấn gì mấy trong cuốn tự truyện 381 trang (bản tiếng Việt, cỡ lớn). Thay vào đó, người cha độc đoán, thường dùng bạo lực với con trai và về sau tự tử, thì xuất hiện rất nhiều. Có lẽ vì Ted sống với bố sau khi bố mẹ ly dị.
Tuổi thơ khắc nghiệt đã tác động mạnh mẽ đến con người Ted sau này: ông có một vẻ ngoài nồng nhiệt nhưng rất cô đơn và không chịu nổi sự cô đơn. Chấm dứt với một phụ nữ, ông nhanh chóng tìm kiếm một phụ nữ khác, kể cả khi người trước đó là Jane – người vợ mà ông yêu say đắm.
Tôi thích cách làm của cuốn sách này: một tự truyện, nhưng không chỉ một giọng. Bên cạnh lời kể chính của Ted, có phần phỏng vấn các nhân vật liên quan đến các câu chuyện của ông, do nhà báo Bill Burke thực hiện và độc lập với quan điểm của Ted. Khi ông nói về thời điểm tan vỡ cuộc hôn nhân với Jane Fonda, chính Jane cũng xuất hiện và để lại những nhận định sâu sắc về tính cách của người chồng cũ.
Có thể tự truyện của một người không bao giờ kể cho ta toàn bộ sự thật về người đó, nhưng nó vẽ nên bức chân dung mà chính người đó mơ ước. Và những bài học nghề nghiệp thì vẫn chân thực. Ta có cần quá tọc mạch để đòi hỏi nhiều góc tối hơn?
Call me Ted ra năm 2008. Bản tiếng Việt Hãy gọi tôi là Ted do Đỗ Huy Bình dịch, Nhã Nam ấn hành năm 2013, giá bìa 105.000 đồng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất