Chuyên gia 'săm soi' điểm yếu của K-pop

15/10/2014 11:59 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Bà Janice Min, đồng chủ tịch một hãng truyền thông Mỹ đứng sau 2 trang web Hollywood Reporter và Billboard vừa có các nhận xét đáng chú ý về K-pop - sản phẩm xuất khẩu ăn khách nhất của Hàn Quốc, chỉ đứng sau các mặt hàng điện tử của Samsung.

Nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) ngày nay là mũi nhọn của nền giải trí Hàn Quốc. Sự kiện lớn gần đây nhất là nhạc hội thường niên MU:CON Seoul 2014 ở quận Hannam, Seoul. Trong đó, bà Janice Min (người Mỹ gốc Hàn, 44 tuổi) là khách mời phát biểu khai mạc.

Cần chân thực và sáng tạo hơn

Nhân dịp này, bà Min, đồng Chủ tịch và là Giám đốc sáng tạo của Tập đoàn giải trí truyền thông Guggenheim (Mỹ), trả lời Korea Times về hiện tại và tương lai của K-pop.

Bà Min hiện là một trong những người lãnh đạo của 2 tạp chí Hollywood Reporter (chuyên về điện ảnh) và Billboard (chuyên về âm nhạc). Cả 2 trang này đều thường xuyên đưa thông tin về K-pop.

“K-pop là một dạng giải trí 360 độ. Nó cùng lúc thỏa mãn mọi nhu cầu giải trí” - Min nói. Theo bà, sự xuất hiện của ngôi sao nhạc rap Psy đã khiến K-pop thay đổi hoàn toàn. Cùng với Psy và YouTube, giới trẻ Mỹ hiện rất quan tâm đến K-pop.


Bà Janice Min, một người gốc Hàn có quyền lực trong làng truyền thông Mỹ

“Nhưng điểm yếu của K-pop là nó gây cảm giác không chân thực và được đóng gói quá kỹ. Vì thế cần phải tạo ra sự chân thực” - bà Min nhận định. Theo bà, người hâm mộ muốn biết các nghệ sĩ đam mê âm nhạc như thế nào và muốn nghe, xem những sản phẩm âm nhạc có gắn với cá nhân thần tượng của họ.

“Chẳng hạn Justin Timberlake chỉ có thể trở thành một nghệ sĩ chân thực khi anh có được tự do sáng tạo” - bà Min nói, liên hệ tới việc nhóm nhạc Nsync tan rã và Timberlake trở thành ca sĩ hát đơn..

Diện mạo của K-pop trong mắt khán giả Mỹ được cụ thể hóa ở 3 điểm: vũ đạo, thời trang và sắc đẹp. Tại thành phố Los Angeles (Mỹ), có một khu tên là Koreatown, nơi thường xuyên đón các ngôi sao K-pop đến biểu diễn. Tờ Hollywood Reporter của Min từng có bài viết về cuộc sống về đêm ở khu này.

Còn Billboard, tạp chí hàng đầu về thị trường âm nhạc của Mỹ, trước đây từng có bảng xếp hạng K-pop. Đến tháng 5 năm nay, bảng xếp hạng này ngừng hoạt động. Nhưng theo bà Min, trong thời gian tới, Billboard sẽ tiếp tục theo dõi thị trường Kpop.


Nhóm Crayon Pop cộng tác với Lady Gaga (tóc vàng, ở giữa)

Văn hóa của “thế hệ không chiến tranh”

K-pop từng là một phần của văn hóa Hàn Quốc và Làn sóng Hàn (hallyu), nhưng ngày càng tiến đến vị trí độc tôn, nhất là khi công chúng của hallyu ngày càng được trẻ hóa.

“Hiện nay, K-pop đại diện cho toàn bộ văn hóa của giới trẻ Hàn Quốc, cả mặt tích cực và đôi khi tiêu cực” - bà Min nói - “Nhưng tôi nghĩ K-pop vẫn là một hiện tượng đáng tự hào ở tầm cỡ quốc gia, dựa trên thực tế nó đã vươn đi rất xa và rộng trên khắp thế giới”.

“K-pop là một bước tiến của một thế hệ mới, những người không bị tổn thương vì những ký ức đau buồn (của cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953) mà thế hệ người Hàn Quốc già hơn đã phải trải qua. Thế hệ mới này chỉ quan tâm đến việc tiến về phía trước và rất lạc quan, thể hiện qua những hình ảnh, ca từ và quan điểm của họ. Tôi cũng kinh ngạc vì Seoul ngày nay trông hiện đại đến mức nào” - bà chia sẻ.

Nhưng để nâng tầm ảnh hưởng, K-pop phải thoát khỏi tình trạng một màu nhàm chán và phải có những sản phẩm đủ lớn để đại diện cho nó. Theo bà Min, hiện K-pop chưa đạt được điều này.

Bà cho rằng, để mở rộng ảnh hưởng trong công chúng Mỹ, K-pop nên nhìn vào tấm gương của những nhóm nhạc Anh, Mỹ như Spice Girls, NSync hay Backstreet Boys.

Bà cũng dẫn trường hợp của Crayon Pop, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc đã diễn mở màn một buổi biểu diễn của Lady Gaga ở Mỹ hồi tháng 5. Hay G-Dragon, ngôi sao hàng đầu của K-pop sắp tới sẽ ra mắt sản phẩm hợp tác với đồng nghiệp Justin Bieber.

“Hợp tác luôn có hiệu quả trong việc thu hút sự chú ý. Việc Lady Gaga quảng bá sự hợp tác giữa cô và Crayon Pop trên mạng xã hội là hành động có ảnh hưởng lớn nhất từ một nghệ sĩ phương Tây đối với một nghệ sĩ K-pop”.

Được biết Janice Min từng là phóng viên của 2 tạp chí giải trí People, Us Weekly từ những năm 1990, trước khi trở thành tổng biên tập Hollywood Reporter vào năm 2010. Hiện bà quản lý cả 2 tạp chí Hollywood ReporterBillboard. Đây cũng là người phụ nữ gốc Á hiếm hoi ở trong vị trí lãnh đạo nền công nghiệp truyền thông Mỹ.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm