'Kẻ cắp' và 'bà già' trong Chiến tranh Lạnh

20/10/2017 20:00 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Vụ bê bối khiến cả Anh quốc "rung chuyển" hồi đầu thập kỷ 1950: một nhóm cử nhân từ Đại học Cambridge danh tiếng bị lộ mặt là gián điệp cho cơ quan tình báo Liên Xô KGB. Lực lượng phản gián của Anh chỉ muốn độn thổ sau vụ này. Nhưng họ rút được kinh nghiệm gì cho tương lai?

Đồng hồ chuẩn bị điểm không giờ để chuyển sang ngày mới. Hai người đàn ông phóng chiếc Austin A 40 như bay ra bến phà của thành phố cảng và họ gặp may, khi chiếc phà “SS Falaise” dù đã thu cáp để chuẩn bị rời bến sang Pháp nhưng ván cầu chưa được kéo lên. Họ hấp tấp lên tàu, để kệ chiếc ô tô đứng trơ trọi trên dốc xuống phà.

Southampton, ngày 25/5/1951

Hai hành khách đến muộn đó là hai nhà ngoại giao của Anh - Donald Maclean 38 tuổi, và Guy Burgess, 41 tuổi. Chỗ làm việc của họ là Đại sứ quán Anh ở Washington. Hôm nay họ được lệnh triệu hồi về London để thẩm vấn. Cơ quan phản gián quốc nội MI5 và Ban nhiệm vụ đặc biệt của Scotland Yard giám sát Donald Maclean đã khá lâu vì tình nghi làm việc cho Liên Xô. Còn Guy Burgess thì đã từng bị cảnh sát Mỹ chặn ở Washington vì say rượu lúc lái xe cùng với hành vi gây gổ.

Chú thích ảnh
Nhóm “Cambridge Five “

Lúc này cả hai đang trên đường đào tẩu, và quả thực bằng đường nào đó họ cũng đến được Moskva. Báo chí Anh sôi sục vì sự kiện này, nhưng chính phủ cũng kịp thời giải thích rằng đây chỉ là “chuyện vặt”, rằng đó chỉ là “hai nhân viên ngoại giao cấp thấp trong thời gian thử việc”, rằng họ thực ra là “những kẻ nát rượu” chạy trốn trách nhiệm v.v…

Thực tế là cả hai đều làm việc cho tình báo Liên Xô từ 17 năm. Và không chỉ mình họ. Trong Đại sứ quán Anh ở Washington còn có một nhân vật thứ ba do KGB cài cắm: Kim Philby. Ông ta là cầu nối của chính phủ Anh với các cơ quan mật vụ Mỹ và cũng là người ngồi ở Washington vẽ kế hoạch cho Maclean và Burgess chạy trốn.

Nuôi ong tay áo

Bộ ba này đều từng tốt nghiệp trường Trinity College ở Cambridge, và sau khi vỡ lở thì lịch sử ghi danh họ trong nhóm 5 gián điệp “Cambridge Five” làm việc cho Moskva. Hai nhân vật còn lại là Sir Anthony Blunt, em họ của Nữ hoàng Anh kiêm giám tuyển bộ sưu tầm tranh của Hoàng gia Anh, và chuyên gia phá mật mã John Cairncross. Cả nhóm đều hoạt động trong tổ chức cộng sản từ hồi sinh viên và một ngày nào đó đã nhận làm việc cho KGB.

Chú thích ảnh
Cambridge Five là nguồn cảm hứng cho vô số tiểu thuyết, kịch và phim

Là một người có khả năng vượt trội và có lẽ cũng nhờ gốc gác quý tộc, Philby dần dần leo được lên ghế Giám đốc Cơ quan phản gián Anh. Sau khi Maclean và Burgess trốn thoát, ông ta lọt vào vòng ngắm của đặc vụ nhưng vượt qua mọi cuộc thẩm vấn một cách mỹ mãn.

Philby giả bộ cung khai một số chi tiết có vẻ quan trọng, nhưng thực ra vô dụng, và rốt cục cơ quan tình báo không còn cách nào khác là cho ông ta về hưu sớm hồi 1952.

Philby xin làm phóng viên tiền tiêu ở Beirut cho hai tờ báo EconomistObserver. 1963 thì tình báo Anh cũng lần ra vài manh mối, đủ để bắt ông. Nhưng lại một lần nữa họ chậm chân, tiếc nuối nhìn theo dấu chân Philby đã đến Moskva, nơi ông ung dung viết hồi ký (My Silent War, in năm 1968). Tuy nhiên cuộc sống tha hương và hai mặt cũng có giá của nó, năm 1988 Philby qua đời vì chứng trầm cảm và nát rượu. 

Tình báo Anh mất mặt!?

Hai chục năm sau cái chết của “điệp viên thế kỷ” Philby, câu chuyện hi hữu về 5 kẻ con dòng cháu giống Anh quốc làm việc cho Stalin vẫn thu hút sự chú ý của người Anh. Nhóm “Cambridge Five” gây cảm hứng cho vô số phim và truyện, nổi nhất là tác phẩm màn bạc Tinker Tailor Soldier Spy của John le Carré.

Vụ Philby là một cái tát vào mặt các cơ quan mật vụ của Hoàng gia Anh, nhưng xét về mặt nào đó Philby cũng là cái bung xung hữu hiệu bởi hầu như mọi thất bại hay trục trặc của Anh trong thời hậu chiến đều bị gán tội cho ông ta. Các âm mưu đảo chính bất thành, mọi vụ phá hoại từ vùng Balkan đến Baltic, hễ đổ bể là lại đổ cho Philby chịu tất. Thực tế có đúng vậy không? Người ta đánh giá Philby quá cao? Mật vụ Anh có dốt nát đến mức để Maclean, Burgess và sau đó cả Philby năm 1963 lọt lưới?

Cuốn hồi ký Deceiving the Deceivers của Samuel J. Hamrick, công chức cao cấp lâu năm trong Bộ Ngoại giao và Cục Phản gián quân đội Mỹ làm lung lay huyền thoại về “Cambridge Five”, nhất là giải thiêng hình ảnh quá rực rỡ  của điệp viên huyền thoại Philby. Ở tác phẩm nói trên, Hamrick vẽ ra một hình ảnh khác hẳn: cơ quan phản gián trong nước (MI5) và ngoài nước (MI6) đã biết được chân tướng của Maclean, Burgess và Philby từ 1949 và khéo léo dẫn họ đến các thông tin giả mạo. MI5 và MI6 chấp nhận bị dư luận chê cười để tạo thắng lợi hão cho KGB!?

Chú thích ảnh
Dĩ nhiên Cambridge Five có vị trí quan trọng trong International Spy Museum (Washington), bảo tàng duy nhất về hoạt động gián điệp trên thế giới 

Chuyện hậu trường - thật hay giả

Để làm căn cứ cho tác phẩm của mình, Hamrick tiếp cận các điện tín của Liên Xô do Anh và Mỹ đọc được nhờ chương trình phá mã Verona và cả các tài liệu của KGB sau khi được giải mật. Trong các nguồn đó, ông đưa ra chứng cứ về một chiến dịch mang tên “Trojan” nhằm tạo điều kiện cho nhóm “Cambridge Five” đánh cắp tài liệu giả mạo rồi cung cấp cho KGB thông tin về tiềm năng trang bị vũ khí hạt nhân của Anh và Mỹ.

Qua sự thổi phồng khả năng của Mỹ, chiến dịch “Trojan” nhằm mục đích dọa Liên Xô chớ có ý định tấn công phủ đầu bằng bom nguyên tử. Mẹo này không mới. Trong Thế chiến II, người Anh đã thành công trong việc dùng thông tin giả “để lọt” vào tay gián điệp của Hitler, khiến Đức hoàn toàn đi nhầm đường khi phán đoán các mũi tấn công của quân Đồng minh.

Ngay từ 1949 - chứ không phải 1952 như báo chí Anh viết - họ đã phát hiện ra nhóm gián điệp của KGB và áp dụng ngay phương pháp xoay chiều gió với Philby, Burgess và Maclean. Ít nhất là, theo nhận định của Hamrick, chương trình vũ khí hạt nhân của Anh và Mỹ vừa ra đời còn quá nhợt nhạt so với trình độ của Liên Xô ngày ấy, song nhờ “Trojan” mà tạo ra chiến lược hù dọa. Và họ đã đạt mục đích.

Hamrick đáng tin đến mức nào?

Thực tế là ít người trong cuộc tin vào quan điểm của Hamrick, thậm chí còn gọi ông là kẻ lừa đảo được Anh trả tiền để cứu vớt danh dự một cách muộn mằn. “Giả sử, nếu chuyện đó đúng, thì đây là ngón bài có quy mô lịch sử - nếu đúng” - Phillip Knightley nhận xét.

Ông là phóng viên điều tra đầu tiên nghiên cứu các hoạt động của KGB sau khi Philby vội vã rời Beirut đi Moskva và đưa vụ bê bối này lên mặt báo. Ông lãnh đạo nhóm phóng viên đặc nhiệm mang mật danh “Insight” của tờ Sunday Times và vô hình trung góp sức đánh bóng hình ảnh sáng láng của “Cambridge Five”.

Trước khi chết, Philby đã cho Phillip Knightley thoải mái phỏng vấn mình cả một tuần ở Moskva. Qua đó Knightley không bị thuyết phục bởi luận chứng của Hamrick, chưa kể là Hamrick không có minh chứng nào cụ thể, mà chỉ đưa ra xét đoán. Phillip Knightley không áy náy khi xô đổ thần tượng “điệp viên thế kỷ”, vì theo ông: “Việc tôn vinh Philby đã đạt tầm khôi hài. Chưa kể đến các thất bại khi thành lập phiến quân ở Albania, Nam Tư và Baltic đều không do Philby tiết lộ, mà vì Moskva chủ động phá từ đầu.

Thêm nữa, Moskva không hề tin tưởng tuyệt đối nhóm Cambridge Five - các sĩ quan KGB chỉ huy Philby đều bị lần lượt đưa ra tòa án binh và tử hình vì tội làm gián điệp hai mang cho Đức và Ba Lan”.

Hôm nay mọi việc đã lùi xa, xa đến nỗi người ta có thể nhếch mép cười mệt mỏi vì mấy vụ mèo đuổi chuột của Chiến tranh Lạnh. Đọc lại cũng chỉ để mua vui, chứ mấy ai biết được chân tướng kẻ cắp hay bà già…

Cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh

Cuộc trao đổi điệp viên lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh

Ngày 9/7, một chiếc máy bay Mỹ chở theo 10 thành viên của một đường dây gián điệp Nga bị an ninh Mỹ phát hiện, đã hạ cánh xuống Áo và đỗ cạnh một chiếc phản lực của chính phủ Nga chở theo 4 điệp viên...

Lê Quang 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm