19/04/2021 19:13 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tôi trở lại Xóm Rền (Phú Thọ), một địa điểm khảo cổ học tiềm ẩn những đáp số cho lời giải về một trong những huyền thoại Việt cổ xưa nhất: Hùng Vương.
Gần nửa thế kỷ trước, vào năm 1968, tôi cùng đoàn sinh viên khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội theo các giáo sư Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn đi thực tập khảo cổ học ở Xóm Rền.
Khi đó, Xóm Rền là một địa điểm khảo cổ vừa được phát hiện năm 1967 và lần khai quật 1968 là lần đầu tiên. Sau đợt khai quật này, điều thu hoạch lớn nhất đối với khảo cổ học Việt Nam là sự phô diễn tương đối hoàn chỉnh nghệ thuật chế tác và trang trí trên gốm của cư dân Phùng Nguyên. Lần đầu tiên xuất hiện một công trình nghiên cứu sâu sắc về khả năng tư duy nghệ thuật nguyên thuỷ thông qua đồ gốm Xóm Rền.
Giáo sư Hà Văn Tấn là tác giả công trình nghiên cứu đó kể lại, ông như thăng hoa và mê hoặc trong khối tư liệu hàng trăm bản dập hoa văn tuyệt diệu của gốm Xóm Rền. Thế rồi, sau nhiều tháng trời miệt mài chắp, vẽ, ông đã từng bước phát hiện ra một loạt kiểu dáng và quy luật trang trí hoa văn Phùng Nguyên.
Đó là những mâm bồng chân cao thanh tú, là những thố gốm đáy hẹp miệng nở như chiếc chậu hoa hiện đại, là những vò gốm có cổ thon, miệng cao ưỡn nhẹ. Hoa văn Phùng Nguyên được nghệ nhân dùng que vẽ lên những đồ án hình chữ S chạy dài đối xứng và biến thể thành những khung kỷ hà hình tam giác, chữ nhật. Để làm bật nội dung trang trí, người xưa dùng que nhiều răng nhọn như cái lược chấm chạy trong lòng các đồ án chính rồi dùng cạnh những viên cuội mỏng lấy từ sông Lô miết bóng những chỗ còn lại.
Để cho áo gốm đẹp hơn, người thợ Phùng Nguyên nghiền thổ hoàng - một vật liệu đóng cục có ngay dưới lòng đất cư trú của Xóm Rền, và chì than - vật liệu lấy từ các phiến cuội than từ thượng nguồn sông Lô đưa về, để hoà bột đất thoa lên bề mặt ngoài của áo gốm. Khi lớp áo này se ướt, người ta dùng cạnh các phiến cuội mỏng đánh bóng lại.
Vào cuối những năm 1960 đó, cả giáo sư Hà Văn Tấn và chúng tôi đều chưa hiểu được điều gì đã từng xảy ra 4.000 năm trước ở góc quả đồi heo hút vùng đồi gò Phú Thọ này.
Từ "gốm lễ nghi" tuyệt đẹp đến những chiếc nha chương bằng đá quý
Khi trở lại khai quật ở Xóm Rền cùng các cán bộ trẻ của viện Bảo tàng Lịch sử vào năm 2005, tôi mới có dịp chiêm ngưỡng lại và so sánh gốm Xóm Rền với đồ gốm của những địa điểm khảo cổ học mà tôi đã từng trực tiếp khai quật hoặc tham quan.
Gốm Xóm Rền đẹp quá, và mảnh của chúng lại tụ thành từng cụm lớn trong tầng văn hóa như đống phế thải của lò nung gốm hoặc kết quả sau một nghi lễ đập gốm nào đó. Lần đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi khái niệm “gốm lễ nghi” cho loại hình gốm đẹp nhất của Phùng Nguyên mà lại tồn tại rất tập trung ở di chỉ này.
Trong thực tế, lần khai quật năm 2005 này, tôi đã phát hiện được hệ thống công cụ đánh bóng mặt gốm bằng thổ hoàng và bằng than chì, chứng tỏ Xóm Rền còn là nơi trực tiếp chế tạo và tô vẽ nên những đồ gốm lễ nghi tuyệt đỉnh ấy.
Thực ra ý tưởng về “gốm lễ nghi” có bị ảnh hưởng bởi việc đã từng phát hiện tới 6 tiêu bản nha chương bằng đá quý ở Xóm Rền.
Nha chương là tên gọi loại hình hiện vật đá quý xuất hiện phổ biến trong nghi lễ thời xưa. Nha chương phân bố rất rộng, ngoài Trung Quốc cổ đại thì phía tây đến gần giáp Trung Á, phía đông đến Triều Tiên, Nhật Bản, phía nam đến miền bắc Việt Nam... Hiện vật này có hình vừa như một thanh kiếm vừa như một lưỡi qua đá, gồm 2 phần: Đốc ngắn, lưỡi dài, được ngăn bằng mấu ngang như chắn tay kiếm vậy. Mũi nha chương không nhọn mà mài cong vát lệch. Theo sử cũ giải thích thì nha chương là một lễ khí chứ không phải là công cụ hay vũ khí bình thường... Tại Việt Nam, hiện tại nha chương mới chỉ phát hiện được 2 tiêu bản ở địa điểm Phùng Nguyên và 6 tiêu bản ở Xóm Rền, đều thuộc tỉnh Phú Thọ
Những nha chương ở Xóm Rền phản ánh một sự thực là chúng phải thuộc về 1 nhân vật đặc biệt trong xã hội Phùng Nguyên.
Hiện tượng nha chương gắn chặt với sự nổi trội của đồ gốm lễ nghi tại Xóm Rền. Không đâu loại hình đồ gốm lễ nghi Phùng Nguyên có tạo dáng và trang trí rất cầu kỳ lại nhiều như ở Xóm Rền. Phải chăng chủ nhân của nha chương cũng đồng thời là chủ nhân của những đồ gốm lễ nghi đó? Câu trả lời có lẽ là không, bởi vì hầu như chúng ta rất hiếm khi bắt gặp những ngôi mộ ở Xóm Rền mang theo những đồ gốm nghi lễ đó. Điều này đúng với cả ngôi mộ giàu nhất của xã hội Phùng Nguyên được phát hiện năm 2006 ở Xóm Rền.
Cho đến nay đã có 9 ngôi mộ thời Phùng Nguyên được phát hiện ở Xóm Rền. Phân bố các mộ này không tập trung, chứng tỏ không có một khu mộ táng chuyên biệt ở đây. Người chết được chôn rải rác cách nhau từ 50 đến 100m trong những cụm chưa quá 3 ngôi mộ và ở ngay trong nơi cư trú. Những ngôi mộ bình thường đều có ít nhiều đồ đạc chôn theo, như nồi, bình gốm, vòng chuỗi, khuyên tai đá… Ngôi mộ số M01 khai quật năm 2005 có lẽ là mộ nghèo nhất. Chỉ duy nhất có một nồi gốm nhỏ để dưới chân. Đây là mộ một phụ nữ chừng 30-35 tuổi. Bà bị chết một vài tuần sau một tai nạn làm dập đùi và đầu gối bên phải. Dưới đây tôi xin dành riêng để mô tả chi tiết ngôi mộ giàu có vào loại nhất ở Việt Nam đương thời.
Mộ thủ lĩnh đại diện cho cả thế giới Lạc Việt ở Lĩnh Nam?
Một ngày cuối Đông năm 2006, trong quá trình đào đất trong vườn, 1 gia đình nông dân ở Xóm Rền đã bắt gặp những vòng trang sức bằng đá màu trắng ngà ở độ sâu chừng 80cm. Đã trải qua 5 cuộc khai quật kéo dài từ 1968 đến nay, những người dân Xóm Rền từng quen với công việc của các nhà khảo cổ, họ đã kịp thời thông báo cho cơ quan bảo tàng tỉnh Phú Thọ đến nghiên cứu và thu thập toàn bộ những hiện vật đó.
Dựa vào lời kể của những người trực tiếp phát hiện và hiện trạng di tích, di vật, Bảo tàng tỉnh Phú Thọ đã phục dựng lại hình hài ngôi mộ như sau: Người chết được nằm song song với sườn đồi, trên mặt bằng rộng chừng 1m, dài 2,4m (phạm vi phân bố hiện vật tùy táng). Dấu vết xương còn rất mờ nhạt. Vị trí vòng đeo trên thi thể người chết đã giúp cán bộ bảo tàng xác định lại dễ dàng hình dáng ngôi mộ.
Quanh cổ người chết vương vãi 85 khoanh và ống hạt chuỗi. Phía bên trên cụm hạt chuỗi, ở vị trí 2 tai vẫn còn nguyên 19 mảnh vòng tai làm bằng đá ngọc màu trắng ngà, hình vành khuyên có rãnh khía dùng để đeo tai. Đây là loại vòng có bản rộng, dẹt hình chữ nhật. Chúng được đặt thành một cụm bên tai người chết gần như chạm với đốc của chiếc nha chương dài.
Dọc 2 bên ở vị trí cánh tay có 4 chiếc vòng mặt cắt hình chữ T sang trọng. Cùng song song với đoạn cánh tay đeo vòng là 2 chiếc nha chương, 1 chiếc dài 62cm, chiếc kia ngắn hơn (32cm) còn nguyên vẹn làm bằng loại đá ngọc màu trắng ngà có những đường gân xanh nhạt.
Chiếc nha chương dài rất giống chiếc đã phát hiện cách nơi đào được lần này chừng 100 mét về phía Nam. Chúng thuộc loại hình tiêu biểu cho những chiếc đẹp nhất đã phát hiện được ở Trung Quốc. Chiếc nha chương thứ 2 có lẽ bị cắt một phần ở chuôi. Mảnh đá cắt ra cũng nằm trong ngôi mộ. Ngoài ra, người chết còn mang theo 1 chiếc rìu đá hình chữ nhật.
Trong bình tuyến Phùng Nguyên chưa bao giờ các nhà khảo cổ học bắt gặp một ngôi mộ mang theo nhiều đồ tùy táng có giá trị đến như vậy. Như chúng ta đã từng thấy ở ngôi mộ “thủ lĩnh” Mán Bạc. Đồ vật mang theo quý giá nhất là chiếc vòng tay bằng đá xám xanh có mặt cắt hình chữ T. Đây là loại vòng tay rất đắt và khó làm bởi chúng được tách ra từ 1 khối đá quý dày, tốn kém và mất công hơn hàng vài chục lần chiếc vòng thông thường.
Vậy mà chủ nhân ngôi mộ Xóm Rền 2006 đã có tới 4 chiếc nguyên vẹn, lại được làm bằng loại đá ngọc trắng ngà rất được quý tộc Thương Chu ưa chuộng. Không những thế số đồ trang sức trên tai và cổ người chết lên tới hơn 100 hiện vật đá (85 thỏi, khoanh chuỗi cổ và 19 tiêu bản vòng tai).
Hiện vật giá trị nhất là 2 chiếc nha chương. Chỉ riêng trọng lượng đá ngọc của 2 nha chương đã nặng gần 900 gram. Chúng được mài, cưa, tiện rất cầu kỳ, nhất là ở phần chắn ngang lưỡi và đốc cũng như những đường rãnh khắc chìm chạy quanh rìa lưỡi và chặn ngang chắn tay cầm.
Sự giàu có của chủ nhân và sự hiếm hoi, sang trọng của 2 chiếc nha chương chôn cùng cho phép đoán định rằng đây không chỉ là ngôi mộ thủ lĩnh của riêng Xóm Rền mà còn là mộ thủ lĩnh đại diện cho cả thế giới Lạc Việt ở Lĩnh Nam. Phải chăng đây chính là thực ảnh của huyền thoại đã được ghi chép lại trong Việt sử lược:
"Xưa, Hoàng đế dựng muôn nước, thấy Giao Chỉ ở xa ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được, bèn chia giới hạn ở góc Tây Nam.
Có 15 bộ lạc …
Đến đời Thành Vương nhà Chu, Việt Thường thị mới đem dâng con bạch trĩ (chim trắng)…
Đến đời Trang Vương nhà Chu, ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương”.
Xã hội những người trồng lúa, đánh cá sớm nhất ở đồng bằng cao ven vịnh Hà Nội cổ nằm trong một khung cảnh xã hội chung mà tài liệu khảo cổ học mới chỉ có thể gợi ra như vậy.
(Còn tiếp)
TS Nguyễn Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất