Khó như đoán giải Nobel

08/10/2012 08:20 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Ngày hôm nay (8/10), mùa giải Nobel 2012 sẽ chính thức bắt đầu diễn ra với lễ công bố tên người giành giải Nobel Y học. Việc đoán xem ai giành giải Nobel hơi giống với việc dự báo hoạt động của thị trường chứng khoán vậy. Ngay cả các chuyên gia nhiều khi cũng chẳng giỏi hơn những kẻ tay mơ.

Vì thế nếu bạn nghe một giáo sư tuyên bố như đinh đóng cột rằng những người tìm ra "hạt của Chúa" sẽ đoạt giải Nobel Vật lý, hay một nhà văn Mỹ sẽ giật giải Nobel Văn chương thì đừng vội tin mà hãy nhìn vào thành tích dự đoán của họ.

Vì sao khó đoán?

Mặc dù vậy, từ nhiều tuần nay, hoạt động phỏng đoán tên những người có khả năng đoạt giải, dù rằng đây là công việc không hề dễ dàng, vẫn cứ diễn ra. "Ứng cử viên hàng đầu mà tôi chọn chưa bao giờ thắng, và tôi đã dự báo người chiến thắng trong 4 năm liền" - nhà nghiên cứu hòa bình người Na Uy Kristian Harpviken thổ lộ.

Ông là một trong những tiếng nói có trọng lượng trong cuộc đua "đoán mò" người chiến thắng giải Nobel Hòa bình mỗi năm.

Harpviken, người đang lãnh đạo Viện nghiên cứu hòa bình PRIO ở Oslo, đã thừa nhận rằng phỏng đoán của ông có thể chỉ dừng lại ở mức... phỏng đoán mà thôi. Ủy ban giải Nobel hiếm khi tiết lộ gợi ý và Harpviken cũng chẳng có bất kỳ thông tin nào từ bên trong ủy ban lọt ra ngoài.

Thực tế hầu như chẳng có ai trong nhóm những người tham gia phỏng đoán giải Nobel được gợi ý trước.

Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami đang được các nhà cá cược cho là nắm nhiều khả năng giành giải Nobel Văn chương

Ngoài tính bí mật cao liên quan tới các ủy ban trao giải Nobel, một trong những nguyên nhân để người ta dễ đoán trượt là do phạm vi các ứng viên tiềm năng có khả năng nhận giải quá rộng.

Chuyện sẽ dễ đoán hơn nhiều nếu các ủy ban tuân theo ý chí của Alfred Nobel, người muốn tổ chức trao thưởng thường niên để tôn vinh các thành tựu vĩ đại nhất diễn ra "trong năm trước đó". Thay vì thế, tiêu chí này thay đổi tới chỗ giải Nobel sẽ được trao cho các phát minh đã được thực hiện cách nay nhiều thập kỷ, nhằm đảm bảo tính vĩ đại của nó đã được thời gian kiểm nghiệm.

"Tôi nghĩ Alfred hẳn sẽ đồng tình với sự thay đổi" - Per Carlson, cựu Chủ tịch Ủy ban giải Nobel Vật lý cho biết. Ông nói rằng trao giải quá sớm làm tăng nguy cơ tôn vinh nhầm các nhà khoa học đứng sau một nghiên cứu quan trọng. Điều này từng xảy ra vào năm 1974, khi giải Nobel Vật lý được trao cho các nhà thiên văn học người Anh Martin Ryle và Antony Hewish. Trong 2 người, Hewish được chọn trao giải vì phát hiện ra pulsar, các ngôi sao neuron xoay tròn trong vũ trụ. Tuy nhiên sau đó người ta mới biết rằng một trong các sinh viên đã tốt nghiệp của ông mới thực sự là người phát hiện ra pulsar.

Bí mật tuyệt đối

Giải Nobel "tụt giá"

Quỹ Nobel năm nay đã hạ thấp 20% món tiền thưởng dành cho mỗi người lãnh giải xuống còn 8 triệu kronor Thụy Điển (1,2 triệu USD) do khó khăn kinh tế. Tất cả các giải thưởng sẽ được trao vào ngày 10/12, ngày mất của sáng lập viên giải thưởng là Alfred Nobel vào năm 1896.

Song quan điểm trì hoãn để kiểm chứng kể trên có thể làm hỏng cơ hội để một số người nhận giải Nobel. Đơn cử như tác giả của một phát minh khoa học đã được nói rất nhiều trong năm nay: việc nhận dạng Higgs boson, một hạt hạ phân tử còn được biết tới với biệt danh "hạt của Chúa".

Dù nhà khoa học Anh Peter Higgs đã dự báo sự tồn tại của “hạt của Chúa” trong những năm 1960, chỉ tới tháng 7 năm nay, các nhà khoa học có máy gia tốc hạt đặt ngoài Geneva, Thụy Sĩ, mới nhận diện được hạt này.

Không rõ Higgs có mặt trong danh sách đề cử của năm nay hay không, bởi việc nhận hồ sơ đề cử đã chấm dứt kể từ tháng 2 và tên của những người đề cử không được hé lộ suốt 50 năm qua.

Như thường lệ, giải Nobel Văn chương và Hòa bình luôn thu hút nhiều sự quan tâm nhất và thường khá dễ đoán hơn các giải Hóa học, Vật lý, Y học cùng Kinh tế. Song không khí bí mật hiện đã được tăng cường ở ủy ban trao giải Nobel Văn chương. Các giám khảo giải Nobel Văn chương lâu nay nổi tiếng vì thường dùng mật mã khi thảo luận về các ứng cử viên có khả năng nhận giải. Họ cũng dùng các bìa sách giả để bọc ngoài tác phẩm của những tác giả đang được cân nhắc.

Bob Dylan cũng được đặt cược đoạt giải Nobel với tỷ lệ 1 ăn 10.

Chống "lộ mật" và chuyện đặt cược

Sau khi nghi ngờ có sự rò rỉ thông tin diễn ra vào năm ngoái, năm nay ủy ban này thậm chí còn tiến hành nhiều biện pháp đề phòng kỹ hơn.

Theo đó, một thông cáo báo chí công bố tên người chiến thắng sẽ không còn được đưa tới văn phòng của các hãng tin lớn đặt ở Stockholm, Thụy Điển. Và thư ký thường trực của ủy ban, ông Peter Englund, đã ngừng thực hiện trả lời các bài phỏng vấn như thường lệ, trong các tuần dẫn tới lễ công bố giải thưởng.

Song có vẻ như việc tăng cường bí mật chỉ càng khiến cho sức hút của các giải thưởng danh giá này ngày càng tăng cao, thậm chí còn lôi cuốn cả các nhà cá cược. Bằng chứng là hoạt động đặt cược cho giải Văn chương 2012 hiện đang ở cao trào. Công ty đặt cược Ladbrokes đã treo tỉ lệ 1 ăn 3 cho nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Điều đặc biệt là ca sĩ Mỹ Bob Dylan, một kẻ ngoại đạo với cái tên luôn xuất hiện trong các cuộc phỏng đoán liên quan tới giải Nobel, đã đứng thứ 4 với tỷ lệ 1 ăn 10.

Ở giải Nobel Hòa bình, cuộc đua diễn ra mà không có gương mặt nào thực sự nổi bật. Có tổng cộng 231 người được đề cử để trao giải, gồm các cái tên nổi tiếng như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl, nghi phạm tiết lộ tin mật cho mạng WikiLeaks Bradley Manning.

Theo thông lệ 6 hội đồng trao giải Nobel sẽ công bố lần lượt tên các nhân vật giành giải, mỗi ngày một người. Bắt đầu bằng giải Nobel Y học, lễ công bố sẽ kết thúc bằng việc xướng tên người đoạt giải Nobel Kinh tế trong ngày 15/10.

Tường Linh(tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm