28/10/2022 10:16 GMT+7 | Đời sống - Phong cách sống
Tại tất cả các xã của huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) đều đã xuất hiện các ổ dịch cúm B, đặc biệt 736 học sinh đã phải nghỉ học do sốt cao, có 1 trường hợp tử vong, nghi do biến chứng vì bị sốt cao kéo dài.
Chiều 27/10, Sở Y tế Bắc Kạn bước đầu xác định đợt dịch cúm B đang xảy ra trên địa bàn, nhưng không loại trừ bệnh khác như adenovirus, sau khi ghi nhận gần 700 học sinh bị sốt.
Theo đó, tổng số bệnh nhân đang điều trị là 70 trẻ, trong đó có 42 bé dưới 5 tuổi; 23 bé 6-10 tuổi; trên 10 tuổi có 5 cháu.
Hầu hết trẻ sốt cao, đau họng, mệt mỏi, không tức ngực, phác đồ điều trị là uống thuốc hạ sốt, bù dịch, nâng cao thể trạng. Không có trường hợp nặng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh lấy 7 mẫu bệnh phẩm gồm ba mẫu tại Khoa Nhi Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn, 4 mẫu tại Trạm Y tế là học sinh trường Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng) chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 26/10 để xét nghiệm. Kết quả 5 mẫu dương tính cúm B, hai mẫu âm tính.
Căn cứ kết quả xét nghiệm này, Sở Y tế xác định ban đầu đây là đợt dịch cúm B, thường xảy ra tại thời điểm mùa thu - đông.
Bà Mai Thị Thúy, Phó Giám đốc CDC Bắc Kạn, cho biết đợt cúm này có một trẻ tử vong nên người dân hoang mang.
Thực tế mọi năm, từ khoảng tháng 9 cũng xuất hiện nhiều trường hợp bị cúm, riêng năm nay thì số ca tăng nhiều hơn. "Thời điểm này năm ngoái ghi nhận khoảng 400 ca, nhưng năm nay tăng gấp đôi", bà Mai nói.
Điều tra dịch tễ cho thấy các ổ dịch xuất hiện rải rác ở tất cả xã trên địa bàn huyện Chợ Đồn từ đầu tháng 10, đặc biệt tại Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng.
Ca đầu tiên là bé gái 6 tuổi, ngụ Đồng Thắng, nhập viện ngày 14/10 với biểu hiện lâm sàng sốt cao, ho, chảy nước mũi, không khó thở. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân xuất viện.
Đến sáng 24/10, Trung tâm Y tế huyện tiếp nhận một bệnh nhi 8 tuổi sốt 40,5 độ C, hôn mê sâu.
Kíp trực và tổ cấp cứu hồi sức tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhi sốc nhiễm khuẩn, tử vong.
Khai thác bệnh sử cho thấy bé ốm sốt hai ngày, không tiếp xúc với gia cầm, đến phòng khám tư truyền dịch nhưng không bớt.
Chiều hôm sau, trung tâm tiếp nhận thêm 12 bệnh nhi có biểu hiện sốt, đau họng, chủ yếu là học sinh các trường tiểu học, mầm non.
Tại các trạm y tế xã trong huyện, số lượng trẻ em đến khám với biểu hiện sốt cao cũng tăng lên hàng ngày.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn ghi nhận tính đến ngày 25/10 có 736 trong số hơn 10.000 học sinh nghỉ học, trong đó gần 700 em ốm, sốt.
Các trường có nhiều học sinh nghỉ do ốm, sốt là Tiểu học thị trấn Bằng Lũng với 70 em, trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện có 31 em.
Tác nhân gây bệnh và phòng chống cúm B
Bs. Nguyễn Thái Hồng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn cho biết, tác nhân gây bệnh cúm là Influenza virus, được chia thành 3 týp cúm A, cúm B và cúm C.
Trong đó, cúm A là phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người. Cúm A gồm các chủng như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1…
Virus cúm B và C chỉ tồn tại và gây bệnh ở người. Cúm B hay gây dịch vào mùa đông hoặc đông xuân và lây truyền quanh năm.
Virus cúm B chỉ có một chủng gây bệnh duy nhất với 2 dòng phổ biến là cúm B/Yamagata và cúm B/Victoria.
So với cúm A, cúm B ít có sự biến đổi hơn. Virus cúm B mặc dù không phổ biến và nguy hiểm như cúm A nhưng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm với các đối tượng sức đề kháng yếu.
Đường lây truyền của bệnh cúm là đường hô hấp, virus có trong các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi, họng rồi phát tán ra ngoài qua ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus, chạm tay rồi đưa lên mắt mũi, miệng làm nhiễm bệnh.
Bệnh lây lan mạnh khi tiếp xúc ở nơi đông người; trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp thì khả năng nhiễm virus cúm sẽ cao hơn.
Dấu hiệu, triệu chứng của cúm B là gì?
- Sốt vừa đến sốt cao trên 39oC
- Ớn lạnh toàn thân
- Mệt mỏi, chân tay không có lực
- Hoa mắt, đau đầu
- Đau nhức cơ, đau khi vận động
Ngoài ra người mắc cúm B còn gặp những triệu chứng của đường tiêu hóa như:
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng, tiêu chảy
- Chán ăn, khô miệng
Người mắc cúm B thường sốt kéo dài đến 5 ngày và thường sau 5-7 ngày bệnh tự khỏi. Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có thể lâu hơn ở trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền.
Khi mắc cúm B cần lưu ý một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như sau:
- Trẻ em (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ): Khó thở hoặc thở gấp, bỏ ăn, mê man, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38,5oC kéo dài, nôn nhiều…
- Người lớn: Khó thở hoặc thở gấp, sốt cao trên 39oC kéo dài mà dùng thuốc hạ sốt không giảm; đau tức ngực, chóng mặt, tiêu chảy kéo dài, nôn nhiều…
- Người già, người mắc bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch có thể xảy ra biến chứng nặng nếu không may mắc cúm mà không được điều trị kịp thời.
Các biến chứng của cúm B là gì?
Các biến chứng do cúm B về hô hấp là thường gặp nhất, bao gồm:
- Viêm phổi ngay sau khi mắc cúm B: Sốt liên tục, sốt cao trên 39oC kéo dài 3-5 ngày không hạ, thở nhanh, thở gấp, nặng hơn có thể gây ra suy hô hấp, suy tuần hoàn; ho khạc đờm, run chân tay, da xanh tái.
- Viêm phổi sau khi mắc cúm B: Thường gặp ở người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, người có đề kháng yếu. Sau khi đã hạ sốt được 2-3 ngày thìsốt cao trở lại và xuất hiện khó thở, đau tức ngực, ho khạc đờm, da xanh tái, suy kiệt, mệt mỏi…
Ngoài ra, cúm B còn làm các bệnh mạn tính của người bệnh trở nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, với những biến chứng như:
- Tim mạch: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn…
- Thần kinh: viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, viêm rễ thần kinh…
- Với trẻ sơ sinh: viêm tai, viêm xương chũm, nhiễm độc thần kinh.
- Với phụ nữ mang thai: ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi, nghiêm trọng có thể gây dị tật thai nhi, sảy thai.
Các biện pháp phòng chống dịch cúm B
Thực hiện vệ sinh cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, hạn chế tập trung đông người. Lau rửa sàn nhà, tay nắm cửa, đồ chơi bằng các hóa chất khử khuẩn…
Tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm là biện pháp hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa cúm. Hiện nay một mũi tiêm phòng vắc xin cúm sẽ phòng được đồng thời ba loại virus cúm như: cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B.
Thời gian hiệu lực của vắc xin là 1 năm, nên mỗi năm phải tiêm 1 lần. Những người nên tiêm vắc xin cúm hàng năm là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao của bệnh cúm gồm:
- Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng và những người từ 65 tuổi trở lên.
- Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, bệnh thận mãn tính,thiếu máu huyết tán, suy giảm miễn dịch.
Nguyễn Phượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất