06/01/2020 19:01 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hội Gióng ở xã Phù Đổng là lễ hội dân gian tưởng nhớ đến Thánh Gióng - một trong những vị thánh quan trọng nhất của người Việt. Suốt thời gian mở hội từ ngày 5 đến 9/4 (Âm lịch), phường Ải Lao biểu diễn những điệu hát và múa dâng vị thánh của mình. Các nghi lễ trong Hội Gióng sẽ không thực hiện được nếu không có sự tham gia trình diễn của phường Ải Lao. Vì vậy mà có câu thơ truyền rằng “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Phường hát và múa Ải Lao thuộc làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đây vốn là một làng cổ nằm ở bờ Nam sông Đuống, bên kia sông là làng Phù Đổng. Theo tục lệ, hàng năm phường Ải Lao phải đến Phù Đổng tham gia hát và múa phục vụ Hội Gióng.
Hát và múa Ải Lao là một thành tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể của Hội Gióng. Năm 2010, Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã ghi danh “Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau đó, hát và múa Ải Lao được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (2016).
Từ trong truyền thuyết
Những truyền thuyết về nguồn gốc của phường Ải Lao được lưu truyền trong dân chúng hàng trăm năm nay có nhiều dị bản. Câu chuyện đầu tiên được GS-TS Nguyễn Văn Huyên nghiên cứu và ghi lại từ năm 1938 thì người Phù Đổng tin rằng hát và múa Ải Lao có nguồn gốc từ Lào. Nước Lào hàng năm đưa sang cho vua nước Đại Việt một đội hát xướng. Để ghi nhớ công lao của Thánh Gióng đối với đất nước, vua Lý Công Uẩn sau khi mở rộng đền thờ Thánh Gióng đã hiến Ngài những bài hát Lào…
Các cụ cao niên ở làng Hội Xá hiện nay kể câu chuyện khác về Thánh Gióng mà phần đầu giống như câu chuyện phổ biến ở mọi thời đại. Đoạn cuối của câu chuyện sau đây cho thấy một cách diễn giải mới liên quan đến phường Ải Lao: Sau khi Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân và bay về trời, mẹ Ngài buồn vì không thấy con về nữa, đoàn trẻ chăn trâu đã đến múa hát cho bà vui. Các bài hát, điệu múa kể lại câu chuyện Thánh Gióng đi đánh giặc, có màn đánh hổ, có tích ông câu cá, có cả đoàn trẻ chăn trâu với những bài hát vui nhộn. Múa và hát Ải Lao ra đời từ đó.
Khi làng Phù Đổng tổ chức hội để tưởng nhớ Đức Thánh Gióng, bao giờ cũng phải mời phường Ải Lao sang biểu diễn. Phường sẽ hát múa các bài hát ca ngợi Thánh Gióng, diễn lại các điển tích xưa để người dân nhớ về vị anh hùng của họ.
Nghệ thuật hát và múa Ải Lao
Có tất cả 12 bài hát được phường Ải Lao trình diễn trong suốt những ngày Hội Gióng. Tất cả những bài hát này đều được truyền khẩu từ ngàn năm nay. Tùy theo nghi lễ và địa điểm khác nhau mà những bài hát được biểu diễn cho phù hợp với từng hoàn cảnh.
Trước hết, đó là những bài hát nghi thức để ca ngợi Đức Thánh Gióng, được hát trong đền thờ Ngài. Trên đường rước hội và lúc trở về là những bài hát miêu tả cảnh hội hè, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh sinh hoạt của những người nông dân.
Phường Ải Lao hát trong đền, hát phụ họa cho những điệu múa và vừa đi vừa hát. Những người hát tự giữ nhịp với những sênh tre. Đặc điểm nổi bật của các bài hát Ải Lao là từ các bài thơ 4 chữ, 6 chữ và thơ 8 chữ được chuyển sang lời hát bằng cách lặp từ và thêm các từ đệm. Người ta thêm các hư từ vào câu thơ để tạo nhịp và duy trì sự hài hòa cho bài hát. Những từ đệm này không làm thay đổi ý của câu hát.
Câu thơ 4 chữ khi chuyển sang lời hát vẫn giữ nguyên trật tự cấu trúc câu, chỉ thêm các hư từ: Ví dụ: “Hái xuống cùng đeo” sẽ chuyển thành “Hái hái xuống mờ là cùng á đeo”.
Trong hát Ải Lao, ngoài sênh tre, nhạc cụ còn có thêm trống khẩu, chiêng con. Khi bắt đầu vào hát, trống và chiêng gõ 2 hồi, mỗi hồi 8 nhịp (tùng tùng tùng/tùng tùng tùng/tùng tùng), sau 2 hồi trống thì mọi người bắt đầu hát. Các câu hát được chia thành 3 nhịp, sênh phải đánh theo nhịp trống, đánh vào nhịp thứ 3, 6 và 8.
Cây cây gạo/ mà là cao/ á cao.
Trèo á lên/ mà là trèo/ á lên.
Múa Ải Lao thuộc loại những điệu múa cổ nhất của người Việt. Ở đây có 2 điệu múa chính là Múa hành lễ và Múa nghi lễ.
Múa hành lễ là điệu múa được thực hiện đầu tiên khi làm lễ ở trước bàn thờ thánh. Thực sự, đây là một điệu múa dâng thần.
Người đóng vai ông hổ là người Múa hành lễ đầu tiên và độc diễn bằng cách đứng ở tư thế dạng chân ở giữa chiếc chiếu thứ nhất, tiến lên một bước, vẫn giữ chân dạng hơi khuỵu xuống. Sau đấy hổ quỳ, hai tay buông, lạy bằng đầu. Tiếp theo, hổ lùi xuống một bước, chân phải bước trước và lại chào như trước. Hổ làm như thế 4 lần, rồi lui về đứng cạnh bàn thờ bên phải (tức là ở bên trái thần). Tất cả các động tác đó đều làm theo lệnh điều khiển của trống khẩu.
Các thành viên còn lại của phường Ải Lao biểu diễn múa hành lễ theo đội hình 2 hàng. Họ dắt sênh vào thắt lưng, xòe 2 bàn tay ngang ngực hướng về bàn thờ, cánh tay gập lại, sau đó làm giống như thế về phía trái rồi phía phải, rồi lần nữa về phía trước. Tiếp theo, họ quỳ cả xuống, để bắt chéo các chiếc sênh trên chiếu, cạnh chân, đầu cúi xuống. Họ lặp lại những động tác 4 lần theo hiệu lệnh của chiêng và trống khẩu. Làm xong, họ nhặt sênh lên đánh 4 lần. Rôi xếp thành 2 hàng trên 3 chiếc chiếu.
Múa nghi lễ là múa kết hợp với hát. Múa hổ luôn là điệu múa trung tâm. Có một điệu múa quy phục. Hổ làm các động tác và sắp sửa chồm lên mọi người. Sau đó 1 người trong phường làm động tác bắt và trói hổ. Hổ bị trói lăn dưới đất. Người ta thả hổ ra và hổ vái lạy thần, rồi lại múa theo tiếng hát được điểm bằng tiếng sênh. Ngoài ra, ông hổ còn thực hiện các điệu múa khác như khi làm nghi lễ kiểm tra trận địa và múa trong khi phường biểu diễn các bài hát. Động tác múa của ông hổ uyển chuyển, nhẹ nhàng nhưng toát lên được sức mạnh và uy dũng.
Một điệu múa độc đáo khác là trình diễn của ông câu cá. Các điệu múa của ông câu chủ yếu thể hiện sự tình tứ, vui tươi và mềm mại.
Sức sống của hát và múa Ải Lao
Từ năm 1945 đến năm 1954, do chiến tranh, Hội Gióng không được tổ chức nên phường Ải Lao không tham gia hoạt động. Khi hòa bình lập lại, năm 1955, ông Nguyễn Văn Lũy (sinh năm 1922) cùng với một số trai đinh trong làng vốn đã được trải nghiệm Hội Gióng và hát Ải Lao đã khôi phục lại phường hát Ải Lao. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh nên Hội Gióng lại tiếp tục bị gián đoạn, mãi đến năm 1982, khi Hội Gióng ở Phù Đống được khôi phục thì phường Ải Lao cũng bắt đầu hoạt động trở lại.
Hiện nay, số lượng các thành viên trong phường luôn duy trì từ 25 đến 30 người. Tất cả các thành viên đều tham gia với tinh thần tự nguyện, vì “đây là công việc hầu thánh”, như ông Nguyễn Trọng Hinh (Trưởng phường) tâm sự.
Việc truyền dạy chủ yếu vẫn là truyền khẩu. Lời bài hát các thành viên tự học thuộc sau đó sẽ tập hát chung với cả phường. Các điệu múa hổ, múa câu cá được truyền dạy trực tiếp, ông Nguyễn Bá Trản, Phó phường phụ trách nghệ thuật, cho biết: “Đào tạo người đóng ông hổ rất vất vả. Ông hổ vừa phải biết múa, vừa phải to, khỏe vì hội là hội trận, phải chạy chứ không phải đi thủng thẳng. Đường xa, trời nắng nóng, phải có sức khỏe thì mới đảm đương được 3 ngày hội”.
Ông Ngô Văn Nhịp, người đóng vai ông hổ kể: ông học múa hổ từ người cậu, người đã từng đóng vai này. 5 năm đầu ông chỉ được đóng vai rước, tức là mặc lốt hổ theo đoàn rước hội chứ không được múa. Thế mà đã vất vả vì đầu hổ được làm bằng gỗ mít, nặng khoảng 4kg. Người đóng vai ông hổ phải dùng răng cắn vào thanh tre đế giữ đầu hổ. Trang phục của ông hổ trước đây được làm bằng vải diềm bâu (một loại vải thô, dày). Người ta nhuộm vàng vải bằng quả dành dành với nghệ, sau đó dùng mực Tàu để vẽ hoa văn hổ. Tuy nhiên, khi vẽ bằng mực Tàu thì sau một thời gian sử dụng, mực sẽ bị nhòe nên người ta chuyển sơn. Do lớp sơn dày nên rất nóng, nhất là Hội Gióng lại diễn ra vào mùa Hè, thời tiết nóng nực, nên người đóng vai ông hổ phải có sức khỏe thì “mới trụ được”. Những động tác cơ bản của ông hổ chỉ là: tiến, lùi kết hợp với các động tác tay nhưng cũng rất khó. Mỗi bước đi của ông hổ phải dứt khoát, vung tay đằng trước thể hiện sự cường tráng, chân đứng uy nghi, vung đuôi mềm mại.
Ông Nguyễn Bá Trản cho biết: ông đã chứng kiển 3 - 4 người đóng ông hổ, và mỗi ông lại có điệu múa riêng, được tự sáng tạo trên cái nền cơ bản. Ông gom những cái hay của mỗi ông hổ để truyền dạy lại cho người đi sau. Trong phường bây giờ luôn phải đào tạo hai ông hổ, hai ông câu để có thể thay phiên nhau, ông hổ thì phải khỏe, hùng dũng, Ông câu thì phải tình tứ, uyển chuyển, mềm mại.
Hiện nay, phường Ải Lao vẫn thực hành thường xuyên nghệ thuật hát và múa trong Hội Gióng. Họ cũng bắt đầu tham gia trình diễn ở một số hội làng làng khác.
Đón đọc kỳ 5 (13/1): Kịch trường dân gian hoàn hảo của Hội Gióng
(Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất