Khám phá lại Kim Dung (kỳ 6): Tiếng thở dài của Trương Tam Phong

06/11/2018 06:56 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Định mệnh, thần linh, thiên nhiên, thế giới, tất cả đều lớn hơn con người như sa mạc, lớn hơn ý chí của Thiết Mộc Chân. Và cái gì ông hoàng Mông Cổ, sau khi đã khuất phục cái mênh mông của sa mạc, sẽ gặp lại, trước giờ nhắm mắt là một cô độc không thể vãn hồi.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu một đoạn bình trong cuốn Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân, NXB Đà Nẵng sắp phát hành. Các tiểu dẫn và xuống đoạn trong bài do chúng tôi đặt.

Sự thất bại sau cùng ấy (của Thiết Mộc Chân), Kim Dung cũng sẽ dành cho những Vô Kỵ, Mộ Dung, Tạ Tốn. Truyện ông như muốn quật ngã cái ý chí anh hùng và cái đạo lý của ông không giống cái đạo lý của người thống trị. Hay đúng hơn ấy chính là sự thống trị, khi uy quyền đã vững và tới bậc cuối cùng của tham vọng, người ta có thể bước sang giai đoạn của ăn năn.

Chú thích ảnh
Dương Quá (phải) trong "Tân Thần điêu đại hiệp"

Còn những kẻ muốn tiếp tục truyền thống nghĩa hiệp? Thì người ta sẵn sàng dành cho họ cái dễ thương của sự nhẹ dạ và ngu đần! Và có lẽ cũng như tác giả Don Quichotte, ở cái thời mà vàng của Mỹ châu tràn ngập những thị trường Địa Trung Hải, làm sống lại sự giao thương, tao loạn và những thuyết nhân bản, xóa nhòa trong trí nhớ của mọi người sự nghiệp oai hùng của những chàng nghĩa sĩ của Charlemagne, Kim Dung đã viết những truyện võ hiệp để vừa tiếc chúng vừa mua một cuộc tiếu ngạo giang hồ. Những anh hùng của ông sẽ biết sự thất bại. Nhưng còn đâu nữa những anh hùng? Chỉ có những cá nhân.

Cái gì người ta chiêm ngưỡng trong những nhân vật cổ điển không phải là cá nhân họ mà những giá trị họ tượng trưng. Nhưng sự sụp đổ của những giá trị trước một thế giới của vật lực cũng làm rơi những mặt nạ, và con người trong Kim Dung xuất hiện như một mớ đam mê.

Khi Trương Thúy Sơn ôm cái xác gãy của Dư Đại Nham về võ đường thì cái gì sư huynh đệ chàng chợt giác ngộ là sự thật đơn giản rằng họ không phải là những thiên thần. Họ có một thân thể để mang bệnh, trúng thương và chết, không phải cái chết vinh quang người ta thường đợi ở những người anh hùng, mà cái chết tăm tối, ô nhục và khả nghi không biết tại sao chết và chết dưới tay ai, có thể xảy ra cho bất cứ kẻ vô danh nào lạc bước trên giang hồ.

Chú thích ảnh
Trương Thúy Sơn trong phim "Ỷ thiên đồ long ký"

Sinh ra ở đời mà không ai chết! Tiếng thở dài của Trương Tam Phong trước cảnh hấp hối của đứa học trò yêu của mình như cáo chung một giai đoạn trong lịch sử võ hiệp. Những người anh hùng giờ sẽ biết sự đau khổ.

Hỉ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục, tâm hồn họ sẽ là nơi dao động của thất tình. Và những biến cố tâm lý cũng có một trọng lực không kém gì những biến cố ngoại tại. Tương quan giữa người đọc và truyện cũng đổi hẳn. Từ địa vị một khán giả của một buổi trình diễn, người ta phải chia sẻ tâm sự của nhân vật, vui, buồn, thắc mắc cùng nhân vật, nói tóm lại tham dự trực tiếp vào cuộc phiêu lưu.

Xa cái vui mắt của những đô thị, người ta theo người anh hùng tiếp xúc với cái trữ tình của những mặt hồ man mác, những chuyến đi thuyền đêm dưới trăng, những cảnh rừng hoang xào xạc lá rụng. Ấy là những cảnh để nói với lòng người và trong truyện, chúng là một yếu tố dẫn cảm.

Cũng như thế, quan trọng của biến cố không còn ở yếu tố đạo lý chúng có thể trình diễn mà ở tiếng dội tân lý của chúng. Khi thì chúng làm người ta sửng sốt và trông chờ, lại có khi chúng gây ra những tình cảm nhân loại hơn: lãng mạn nhu cuộc tương ngộ đầu tiên giữa một đôi tri kỉ, nhưng thương tâm cũng có như cái chết của một nhân vật người ta đã theo như một người bạn đường.

Ai có thể nghĩ rằng những Hân Tố Tố, Trương Thúy Sơn, Kỷ Hiểu Phù, A Chu, Kiều Phong, A Tỷ… lại có thể bị hy sinh? Nhưng Kim Dung sẽ đi rất xa. Ông sẵn sàng cho chết ngang xương những nhân vật được người đọc cảm tình nhất.

Và lẽ dĩ nhiên cái chết nào, dù là chết đáng đời của một Dương Khang, cũng đủ thảm khốc để có vẻ oan uổng. Cái lẽ tác giả muốn là gây cho người đọc một cảm động mạnh. Cảm động trên hết, cảm động trước đã và cảm động sẽ thắng, những giá trị của truyện võ hiệp mới là những giá trị của tâm hồn. Ai có thể chờ gì hơn ở một truyện kể khi ngay những nhân vật của truyện cũng không còn thiết đến ý nghĩa đạo lý của nó? Tất cả là làm thế nào cho người ta động lòng.

Khám phá lại Kim Dung (kỳ 3): Khi người hùng đi tìm chính mình

Khám phá lại Kim Dung (kỳ 3): Khi người hùng đi tìm chính mình

Không có lý do tiên quyết nào để môn phái này thắng môn phái khác và, như một quả dĩ nhiên, cũng không thể có môn phái nào có một võ công vô địch.

Xưa thế giới chia đôi: một tà và một chính. Giờ thì những tiêu chuẩn tình cảm sẽ thay thế những tiêu chuẩn đạo lý: sẽ có những nhân vật để người ta cảm tình với và những nhân vật để nhận tất cả ác cảm của người ta. Cho nên để gợi sự thương tâm trong độc giả, anh hùng giờ sẽ là người anh hùng lâm nạn và truyện sẽ không kể lại những chiến công mà những tai họa kế tiếp nhau trong đời chàng.

Ấy là Dương Qua trong tay những ông thầy bất công và nghiệt ngã, ấy là Thạch Phá Thiên ở với một người mẹ nuôi thù hằn, ấy là Vô Kỵ suốt thiếu thời mang một chứng bệnh nan y. Nhỏ thì chịu nỗi nhục của một đứa trẻ vô thừa nhận, lớn lên họ lại bị xã hội nghi ngờ, xua đuổi, nguyền rủa, uy hiếp.

Ngoài ra còn đủ các thứ cảnh ngộ éo le mà cái tình cờ của phiêu lưu thường xô họ vào để họ phải chọn giữa những tình cảm đối nghịch.

(Hết)

Đỗ Long Vân

(Trích từ tập nghiên cứu Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm