18/04/2022 18:31 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Qua các kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu 10 nét dương trong tranh Đông Hồ. Còn nét âm nghĩa là nét đục bỏ trên mảng đen - khi in thì sẽ thành nét trắng vì không có mực. Nhưng trong tranh Đông Hồ thì nét âm vẫn có màu bởi in trên nền giấy điệp.
Dù thế nào thì chắc chắn không có nét âm màu đen vì Đông Hồ không bao giờ làm nền điệp đen. Còn chấm âm là các chấm đục bỏ trên nền đen. Dưới đây là những nét âm và chấm âm điển hình của tranh Đông Hồ.
1. Nét âm xẻ đôi ngực của đôi gà trong tranh Gà chọi
Nếu cứ vẽ gà nhìn nghiêng hoàn toàn thì khỏi cần nét này. Nhưng Đông Hồ lại có ý “chơi khó”, bắt đôi gà phải hơi vặn mình sang thế 3/4, nên lúc đó cần nét xẻ chia ra 2 bên ngực gà. Thực ra nét âm này là sự tiếp nối nét đen chạy từ trên xuống - chia ra 2 bên lông cổ gà trống.
Đây là sự tinh tế của Đông Hồ! Hầu như những họa sĩ có làm tranh khắc gỗ hiện đại Việt Nam chẳng để ý chuyện này.
2. Nét âm zic zăc hình xương cá trong lông đuôi đen của gà
Nét kỳ lạ kiểu này chỉ xuất hiện trong tranh Bé ôm gà (bộ đôi tranh có tên chữ là Vinh hoa - Phú quý). Đuôi gà trong tranh này được diễn khá phong phú, cả màu sắc và đường nét. Có mấy cái lông đuôi cong được để nền đen rồi kỳ công đục bỏ hình xương cá chạy suốt chính giữa.
Đời sau tôi chưa thấy ai dám chơi khó để đục nét kiểu này trong 1 sợi lông gà trên tranh - chắc... ngại mất công, bởi sẽ có người lầm bầm “chẳng bõ”, biết bán được bao nhiêu mà dở dói kiểu với cách.
3. Nét hoa văn âm trên đầu vịt và trên áo ngực Bé ôm vịt
Ở đây, nét âm không còn đơn thuần là nét nữa mà hóa hoa văn kiểu công thức - hoa văn hình cái khánh rất quen thuộc trong trang trí đình-chùa-đền-miếu xưa. Riêng hoa văn hình trăng lưỡi liềm trên đầu vịt thú vị ở chỗ: không có cũng chẳng sao, chỉ có mảng đen sẽ hơi thô, mà có thì nhịp điệu trang trí trên tranh trở nên sinh động rõ rệt.
Một lần nữa, xin lưu ý: chú vịt đây không phải tầm thường - chú là biểu tượng mơ ước của nông gia xưa - “vinh hoa” và “phú quý”.
4. Hoa văn âm trên đầu Bà Triệu
Nữ anh hùng dân tộc Việt Nam ắt hẳn không thể để đầu tóc tầm thường. Cũng chẳng ai hay thật sự bà để đầu kiểu gì. Đông Hồ tạo hình tóc bà vồng cao trên đầu và “khảm” vào đó các nét hoa văn âm hình hoa cúc đầy nữ tính mà sang trọng.
5. Đường nét và hoa văn khắc âm trên lưng trâu
Trong tranh Mục đồng chăn trâu thổi sáo, hình tượng này quen thuộc đến nhàm chán trong tâm trí người Việt Nam ta - một dân tộc vốn dĩ nông dân tự bao đời... Có lẽ phải tới hàng triệu hình chú bé chăn trâu đã hiện diện trên vô số - không đếm xuể các tranh và hình minh họa suốt thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI...
Ấy thế nhưng, nếu làm cuộc tuyển chọn nghiêm túc thì tôi chắc chú mục đồng Đông Hồ này phải độc chiếm vị trí tuyệt đỉnh. Bởi đó là một hình tượng được thiết kế thành công, nếu dùng lời lẽ hiện đại “3 trong 1” hoặc “4 trong 1”, hoặc “5-6 trong 1”. Chú vừa tài, vừa điệu, vừa tham: chăn trâu và thổi sáo (có trâu vểnh tai nghe nhé) mà còn “diễn” lấy chân kẹp cuống (bất chấp gai) để lá sen xòe che nắng... Đồng thời chú biến lưng trâu thành tấm thảm nở đầy hoa văn ngoạn mục: nào hoa, lá và cuống sen (xúc nét âm vẫn kiểu băm nét để tả cuống đầy gai nhỏ) lại còn cả tấm thảm rất nhỏ, nở đầy hoa cúc xòe tròn...
Ấy diễn lời thì dài dòng văn tự vậy thôi chứ cái tài của tác giả là ở chỗ tưởng như rất phức tạp và quá tham lam nhưng bức tranh này của Đông Hồ vẫn gọn gàng, toát lên vẻ giản dị đầy thi vị, hoàn toàn tự nhiên chứ không lên gồng và càng không hề khiên cưỡng. Cỡ tranh cũng nhỏ xinh, chỉ tương đương khổ A4 hiện đại.
Tính tượng trưng trong tranh này rất cao, nó khác phần nhiều tranh chăn trâu hiện đại, thường chỉ chú trọng vẽ hiện thực mắt nhìn, mà kém tưởng tượng. Xin bày tỏ lòng kính nể ở đây!
6. Hoa văn âm ở bức Chọi trâu
Xưa tôi những tưởng tất cả tranh dân gian đều đi theo một vài lối mòn... Vậy mà đây là một bố cục tạo hình phá cách, rất táo bạo - lại vẫn dân gian. Cả đôi hình tượng chính - 2 chú trâu hăng máu đối đầu và đọ sừng - đều hiện diện bằng mảng đen phẳng tưng! Tất cả đường nét và hoa văn đều khắc âm trên thân 2 trâu - mà thực chất chỉ là mảng đen phẳng. Căng thẳng, bởi thế đối đầu quyết liệt, nhưng nở hoa tưng bừng bởi các nét khắc âm - tranh vì vậy mà vui... như Tết, để treo chơi ngày Tết cổ truyền.
7. Chấm âm - giá trị trang trí và tạo hình
Đó là các chấm đục bỏ trên nền đen. Tất nhiên nó có giá trị trang trí. Nhưng đôi khi lại có giá trị tạo hình. Bức tranh Thầy đồ cóc của Đông Hồ biện minh cho nhận định trên: lưng của cả thầy và các trò trong tranh đều là những mảng đen được khoét đi các đốm sáng.
Ngoài đời thật, ta đều biết da cóc xù xì, nhất là lưng chúng nổi u như những chiếc mụn gớm ghiếc. Lẽ ra nếu định tả lưng cóc thì phải khắc kiểu nét dương với các u - mụn lốm đốm đen trên nền đã đục bỏ. Nhưng Đông Hồ chơi ngược lại - lưng mảng đen khoét đốm sáng. Tiện lợi ở chỗ tranh Đông Hồ bao giờ cũng in trên nền điệp nên các u-mụn bao giờ cũng có màu để khỏi sáng rực phản cảm. Mà cụ thể ở tranh này còn in thêm mảng màu độn lưng cóc trước khi in lượt màu đen - các u-mụn không nên quá nổi để tranh chấp với các hoạt động chính trong lớp học.
Để tạo sự liền mạch cho loạt bài về tranh Đông Hồ, chúng tôi sẽ đăng liên tiếp các kỳ còn lại trên các số báo tiếp theo (19/4, 20/4). Tuần tới, mời quý vị tiếp tục trở lại với loạt bài “Ảnh = Ký ức = Lịch sử” trong mục này trên số thứ Hai hằng tuần. |
(Còn nữa)
Họa sĩ Đức Hòa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất