11/11/2014 06:15 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - “Tôi sẽ có nhiều việc hơn ở đợt tập trung này vì phải huấn luyện cùng lúc 2 đội tuyển. Nhưng tôi cảm thấy rất háo hức. Với bóng đá, tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì”, đó là chia sẻ của ông Toshiya Miura trong buổi tập đầu tiên của đội tuyển Olympic Việt Nam vào sáng ngày 22/8.
Từ đó tới nay, đã gần 4 tháng trôi qua. Chiến lược gia người Nhật Bản đã giữ được lời hứa của mình. Ông đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt trực tiếp và hoạch định chiến lược cho cả 2 đội tuyển.
Ông giúp Olympic Việt Nam có một giải đấu để đời ở ASIAD Incheon, ông giúp đội tuyển Việt Nam cải thiện toàn diện về mọi mặt với hàng loạt trận giao hữu thành công. Nhưng trên con đường ấy, ông Miura dường như đang đơn độc.
Trước chuyến tập huấn Nhật Bản của đội tuyển Việt Nam hồi tháng 10, người ta khẳng định sẽ đưa về một HLV thể lực cho chiến lược gia người Nhật. Kết quả là sự xuất hiện của ông Fujimoto Hiroo.
Những thành tích sau đó của đội tuyển được cho là có đóng góp tích cực của ông Hiroo. Nhưng sự thật nói rằng ông Hiroo không phải là một HLV thể lực.
Trao đổi với phóng viên Thể thao & Văn hóa trong buổi tập chiều ngày 10/11 của đội tuyển Việt Nam tại Mỹ Đình, ông Hiroo tiết lộ mình chỉ là bác sỹ vật lý trị liệu.
Thực tế các buổi tập của đội tuyển Việt Nam cũng cho thấy ông Hiroo không can thiệp quá nhiều vào các bài tập. Cụ thể, trong 2 buổi tập hôm 9 và 10/11, ông Hiroo đã dành 2/3 thời gian cho chỉ một cầu thủ Minh Tùng, người đang dính chấn thương và phải được chăm sóc y tế đặc biệt.
Tiết lộ của một thành viên BHL khẳng định toàn bộ giáo án tập thể lực, các bài tập cụ thể của đội tuyển Việt Nam đều do một tay ông Miura xây dựng. Không chỉ chuyện thể lực, bản thân chiến lược gia người Nhật cũng trực tiếp tham gia vào mọi bài tập, chỉ đạo từng tình huống, điều chỉnh từng động tác của các tuyển thủ. Ông Miura vừa là người hoạch định chiến lược, vừa là người thực hiện. Các trợ lý xung quanh ông Miura chỉ có vai trò hỗ trợ.
Ông Miura rõ ràng rất tài năng. Tài năng ấy đã được kiểm nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp của bóng đá Nhật Bản, nhưng có lẽ một mình ông Miura là không đủ.
Kể từ thời điểm Olympic Việt Nam và đội tuyển Việt Nam tập trung tới nay, 4 tháng đã trôi qua. Suốt khoảng thời gian ấy, ông Miura đã đi qua ít nhất 5 quốc gia, thực hiện 6 chuyến tập huấn, dẫn dắt 2 đội tuyển, tham dự khoảng 30 trận đấu chính thức và giao hữu các loại.
Đừng nói tới chuyện duy trì cảm hứng công việc và sáng tạo, ông Miura hẳn phải có một thể lực phi thường mới kham nổi được khối lượng công việc ấy.
Trên thực tế, ông Miura cũng không phải HLV duy nhất ở Đông Nam Á dẫn dắt cả 2 đội tuyển. Tại Thái Lan, cựu danh thủ Kiatisuk Senamuang cũng sẽ cùng đội tuyển Thái Lan tiến tới AFF Suzuki Cup 2014 sau thành công với Olympic Thái Lan ở Incheon.
Điểm khác biệt: mỗi đội tuyển Thái Lan chỉ tập trung từ 20 tới 30 ngày cho một giải đấu. Trong khi đó, lịch trình của đội tuyển Việt Nam dưới triều đại HLV Miura kéo dài 112 ngày, một thử thách không hề đơn giản cho một người đàn ông đã ngoại ngũ tuần (51 tuổi).
Trợ lý của ông Miura là những ai? Danh sách trợ lý của ông Miura ở đội tuyển Việt Nam hiện có 3 cái tên. Đó là Ngô Quang Sang của ĐT.Long An, Đặng Phương Nam của Viettel và HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh của VFF. Ông Ngô Quang Sang hiện là HLV trưởng của ĐT.Long An, được coi là có nhiều kinh nghiệm bóng đá chuyên nghiệp nhất. Nhưng so với nhiều HLV nội khác ở V-League, ông Sang kém tiếng hơn rất nhiều. Tại CLB, ông Sang cũng không thực sự nắm toàn quyền bởi sự có mặt của ông Kupunovic Goran, GĐKT người Serbia. Bên cạnh ông Sang là trợ lý Đặng Phương Nam. Trong sự nghiệp huấn luyện ngắn ngủi của mình, Phương Nam mới chỉ dẫn dắt U19 Viettel dự VCK U19 toàn quốc và chưa từng tham dự V-League. Người kế tiếp trong danh sách trợ lý của ông Miura là HLV thủ môn Nguyễn Đức Cảnh. Sở hữu kinh nghiệm phong phú ở nhiều CLB V-League và các ĐTQG, ông Cảnh chính là trợ lý giàu kinh nghiệm nhất của ông Miura. Cái tên cuối cùng trong bản danh sách này là bác sỹ vật lý trị liệu Fujimoto Hiroo. Đương nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng một bác sỹ nói chuyện về chiến thuật bóng đá. Bản thân ông Hiroo cũng không giỏi tiếng Anh. Điều đó khiến ông gặp khó khăn trong giao tiếp với các cộng sự và cầu thủ. Trên sân tập, vị bác sỹ này thường chỉ nói chuyện với người đồng hương Miura. |
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất