24/05/2014 08:58 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Trước giải phóng, và cả thời Pháp thuộc, Nha Trang là điểm đến lý tưởng của nghỉ dưỡng và các hoạt động thể thao. Vô hình trung, phong trào quần vợt nơi đây được thừa hưởng. Sau năm 1975, Nha Trang tiếp quản nhiều sân quần vợt, trong đó có 3 sân thuộc dạng “đỉnh”, có tuổi đời xấp xỉ 100 năm.
Tóm lại, lúc đó quần vợt Phú Khánh hội tụ nhiều yếu tố quan trọng trong buổi khai mở: có phong trào quần vợt khá tốt, có truyền thống, lực lượng. Quan trọng nhất, lúc đó trên cả nước chỉ “lẹt đẹt” dăm ba địa phương chơi quần vợt, hầu hết nằm ở phía Nam, thậm chí vùng miền Tây.
Quần vợt là môn thể thao xa xỉ thời đó. Dĩ nhiên trong bối cảnh ít đối thủ, quần vợt Khánh Hòa liên tục làm mưa làm gió trong thời gian dài. Trong khi các địa phương đều “mơ ngủ”, xứ trầm hương đã kịp xây dựng nền tảng cho quần vợt một cách tốt nhất. Đấy là điều mà ai cũng phải thừa nhận thế hệ quản lý thể thao Khánh Hòa trước đây thật sắc sảo, biết đầu tư môn thể thao nào để tạo mũi nhọn riêng biệt.
Mấy ai tưởng tượng được 17 năm liên tiếp (từ 1985-2002), Khánh Hòa liên tiếp vô địch đơn nữ do VĐV Kim Trang chiếm giữ. Trang có cái cổ tay cực mạnh (bởi trước khi chơi quần vợt cô là dân điền kinh, chơi bóng ném), những cú ra tay của cô cực mạnh với tốc độ của quả “roc-ket”. Cặp VĐV Kim Trang-Kim Lợi liên tiếp làm chủ làng quần vợt nội địa. Rồi một Phương Hạnh tài năng cũng đặc biệt xuất sắc…
Vậy nhưng kể từ năm 2006, quần vợt Khánh Hòa đã sa sút thê thảm. Sự sa sút đó gắn liền với nhiều vấn đề. Nếu nói hệ thống sân ở Nha Trang ít, không đáp ứng được chuyên môn và nhu cầu thì không đúng. Ngược lại, số lượng sân quần vợt ở phố biển ngày càng tăng theo cấp số nhân. Đến Nha Trang mấy ngày qua, chúng tôi khá “sửng sốt” bởi phong trào chơi quần vợt quá mạnh.
Thế nhưng, tất cả vẫn không làm cho quần vợt đỉnh cao của xứ trầm hương bay bổng. Lý do thì nhiều, cũng phải bắt đầu từ yếu tố con người trước. Sau khi Kim Trang sang Mỹ theo chồng, quần vợt Khánh Hòa như mất biểu tượng. Kim Lợi một mình không thể tỏa sáng trong khi nhiều gương mặt đang lên cũng chưa “đủ tuổi”, thực sự là cú sốc với quần vợt Khánh Hòa.
Trong lúc đó, họ chưa có HLV giỏi. HLV Lê Cảnh Thân với hơn 30 năm theo nghề thì không ai nghi ngờ về nhiệt huyết của ông, nhưng rồi đến một ngày năng lực và sức khỏe của ông cũng chạm giới hạn, chưa kể ông chưa phải là HLV nổi đình đám trong làng banh nỉ.
Nhưng lý do căn bản khiến trình độ quần vợt của Khánh Hòa đi xuống phải là chế độ thấp, cơ chế ngưng trệ. Khác với điền kinh hay nhiều môn khác, VĐV quần vợt đều đa số con nhà khá giả. Phụ huynh họ không thể yên tâm nhìn các “cậu ấm, cô chiêu” gắn bó với quần vợt đỉnh cao khi chế độ quá bèo bọt, đạt đến đẳng cấp để tăng đãi ngộ (chẳng bao nhiêu) khá mù mờ. Thà tuần vài buổi chơi quần vợt cho khỏe người để dành sức cho việc học tập còn có tương lai hơn.
Từ 2006 đến nay, quần vợt Khánh Hòa chỉ tham gia giải trẻ, thành tích đì đẹt. Uể oải quá, đã có nhiều lúc số đông ý kiến đề xuất nên giải tán, chuyển kinh phí cho môn khác. Sau bao nhiêu cuộc họp giữa Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh với lãnh đạo Sở VH,TT&DL, may thay quần vợt được giữ, nhưng theo kiểu như đã “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, tức là chỉ còn dăm VĐV.
Đón đọc phần 2 bóng bàn trên số báo ngày mai (25/5)
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất