06/01/2025 07:13 GMT+7 | Giải trí
Phim Công tử Bạc Liêu (đạo diễn: Lý Minh Thắng) công chiếu từ ngày 6/12/2024, sau khoảng 3 tuần trụ rạp, chỉ thu về hơn 36 tỷ đồng. Có quá nhiều lý do khiến phim này hụt hơi, mà chính yếu là hình tượng công tử Bạc Liêu chưa thể làm hài lòng khán giả.
Trong khi, nhà sản xuất Công tử Bạc Liêu từng cho biết chi 10 tỷ đồng cho phần bối cảnh, dựng phim trường tái hiện đời sống Sài Gòn xưa… Với dàn diễn viên tên tuổi như NSƯT Thành Lộc, Kaity Nguyễn, Song Luân,… từ giai đoạn tiền kỳ, phim đã được công chúng mong đợi, vì đề tài hấp dẫn, truyền thông bài bản. Tuy nhiên, tất cả không thể bù đắp cho điểm yếu lớn nhất là khâu kịch bản, viết thiếu chiều sâu văn hóa, hời hợt và nửa vời.
Nhiều tình tiết gượng ép
Theo những gì còn truyền lưu lại qua sách vở, lời kể, giai thoại thì công tử Bạc Liêu có một phong thái rất riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền. Thế nhưng, qua những thói ăn chơi xa hoa được dựng trên màn ảnh, có vẻ như vị công tử này đang thiếu cái phong vị Bạc Liêu như dân gian đã hình dung nhiều chục năm qua.
Ban đầu, kịch bản xây dựng cậu Ba Hơn (Song Luân thủ vai) như một kẻ phá gia chi tử, tiêu xài hoang phí, vay nợ để mua máy bay riêng. Tuy nhiên, về sau thì cậu Ba Hơn bất ngờ viện cớ bản thân làm thế là vì "muốn người Pháp phải nể dân An Nam", nên quá khiên cưỡng. Màn "lột xác" từ kẻ ăn chơi thành người nhân nghĩa trong phim thật khó mà thuyết phục.
Mọi cái sai của cậu Ba Hơn đều tìm lý do để biện minh. Nào là giúp dân nghèo, tất cả đều xuất phát từ lợi ích của người An Nam. Nói là một chuyện, song hành động của nhân vật lại hoàn toàn trái ngược. Nhất là ở phân đoạn cuối phim, khi ngồi trên máy bay rải tiền xuống cho dân nghèo. Liên tưởng với cảnh quay mở đầu, lúc cậu Ba Hơn đứng trên cao rải thóc cho chim ăn. Tự gọi đó là giúp đời, nhưng việc làm của công tử Bạc Liêu lại chẳng khác nào sự mỉa mai đối với người nghèo khổ, khi trong mắt những kẻ nhiều tiền, họ không khác gì lũ chim...
Trong Công tử Bạc Liêu, chỉ có một xung đột, quá ít đủ thu hút khán giả. Đó là mối quan hệ giữa Ba Hơn và ông hội đồng Lịnh (NSƯT Thành Lộc). Đối lập với người cha bảo thủ là đứa con trai luôn theo đuổi sự tự do. Tuy nhiên, ngay cả khi con trai làm ăn tán gia bại sản, bị tống vào tù, thì em gái liền ra tay tương trợ, gia đình vẫn hậu thuẫn mạnh mẽ, nên cao trào xung đột thành gượng ép. Câu chuyện đáng lẽ có các bước ngoặt, song biên kịch đã không biết khai thác để thúc đẩy mạch truyện. Việc giải quyết các nút thắt khá đơn giản, khiến phim khó "chạm" đến cảm xúc của khán giả.
Chính vì tập trung cho một xung đột, mà mối quan hệ giữa công tử Bạc Liêu với dàn nhân vật phụ trở nên mờ nhạt. Cụ thể với Bảy Loan (Thiên Ân) và bạch công tử Tư Phát (Công Dương), chẳng đủ sức kết nối…
Còn thiếu chất điện ảnh
Lựa chọn lối kể chuyện trào phúng cũng là một quyết định mạo hiểm của đạo diễn Lý Minh Thắng. Để thực hiện được thủ pháp này, kịch bản phải rất chặt chẽ, đạo diễn phải rất tinh tế, nhưng rất tiếc, mọi thứ mới dừng ở mức lưng chừng, đôi khi chỉ minh họa.
Hơn 10 tỷ đồng được chi cho bối cảnh chính, nhằm tái hiện đời sống Sài Gòn những năm 1930, nhưng cảm giác mang về giống với một vở kịch hơn là trải nghiệm điện ảnh thực thụ.
Khâu diễn xuất, trọng trách lớn nhất thuộc về Song Luân. Trước đó, chia sẻ với báo giới về việc hóa thành nhân vật Ba Hơn, anh nói mình phải chủ động nhuộm da, học tiếng Pháp. Tuy nhiên, so với những gì anh chàng thể hiện trên màn ảnh, Song Luân vẫn chưa thể thuyết phục khán giả tin rằng đây đích thị là công tử Bạc Liêu.
Ngay từ các bước đi đầu tiên của kịch bản, Công tử Bạc Liêu đã gặp phải không ít vấn đề, trong đó có việc chọn các sắc thái của giọng nói và văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu. Với nguồn tài chính tương đối dồi dào, với quyết tâm làm phim chỉn chu, giá như ê-kíp Công tử Bạc Liêu đừng quá ôm đồm, mà chịu đi vào 1 vài khía cạnh, thì có lẽ tác phẩm đã sâu sắc và thu hút hơn.
Trước khi công chiếu, Công tử Bạc Liêu đã có một chiến lược truyền thông khá thành công, nhận về sự hưởng ứng tích cực của khán giả. Nhưng sự háo hức này nhanh chóng bị thay thế bởi sự lạnh nhạt, thậm chí phản đối của khán giả. Mà nhìn rộng ra, việc nhồi nhét quá nhiều thông điệp vào một bộ phim, khiến nó mất phương hướng hoặc lạc đề, là trường hợp không hiếm gặp của điện ảnh Việt Nam gần đây. Dường như các bài học thất bại này đã không được lưu ý đúng mức.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất