13/03/2016 07:09 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Suốt nhiều thế kỷ, chùa Việt là hình ảnh gắn với sự trầm mặc, với lối sống khổ hạnh, lánh xa trần thế của các bậc chân tu. Để rồi, hơn chục năm qua, một cuộc dịch chuyển thú vị bỗng diễn ra: chùa “diêm dúa” hơn, “hào hứng” đón khách hơn và thậm chí gắn liền với sự xô bồ, phức tạp hơn trước biển người đổ về lễ bái.
* Xin bắt đầu từ nhận xét trong một cuộc hội thảo kiến trúc gần đây:nhiều ngôi chùa được xây mới (hoặc trùng tu) thường sa vào xu hướng hoành tráng, đua theo những kỷ lục phù phiếm,lạm dụng trang thiết bị hiện đại- thay vì phong cách khiêm tốn, khoan hòa, gắn bó cùng thiên nhiên như truyền thống cũ. Ít nhiều, sự thay đổi ấy có liên quan tới nhu cầu của thị trường không, theo anh?
- Câu trả lời là có. Bởi, khi mà một bộ phận rất lớn khách hành hương còn thích sự hoành tráng màu mè, thích những sư tử Trung Quốc, đèn Nhật Bản, tượng Phật xanh đỏ phát hào quang…thì sẽ luôn còn những cơ sở tín ngưỡng chiều ý họ, và tận dụng việc trùng tu để bỏ cũ thêm mới, tranh thủ đắp điếm tô vẽ vào. Tất nhiên, hiện tượng này cũng phản ánh rõ tầm tri thức văn hóa của những nhân vật chủ trì nơi thờ tự, đó là điều không thể phủ nhận được.
Rộng hơn, đó không chỉ là trường hợp của chùa, mà còn đúng với vô số đền, đình, miếu phủ. Dư luận hay nói tới “vấn nạn trùng tu”, còn với tôi, sự xuất hiện ồ ạt của những nơi thờ tự được “diêm dúa hóa, hoành tráng hóa” ấy gắn liền với một hiện tượng xã hội lớn hơn: xu hướng thương mại hóa trong bối cảnh mọi sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt đang nở rộ hơn bao giờ hết.
* Nhưng,chúng ta cũng phải đặt câu hỏi ngược lại: tại sao, du khách bây giờ lại hào hứng đổ xô tới các ngôi chùa như vậy?
- Từ ngàn xưa, khi mặc cảm yếm thế, khi niềm tin trong cuộc sống bị tổn thương, người ta vẫn có xu hướng tìm tới niềm tin tâm linh để có sự cân bằng. Và, trong sức ép từ xã hội hiện đại, nhu cầu ấy lại lớn hơn bao giờ hết.
Có điều, việc tới các ngôi chùa hiện nay thường bị đánh đồng với chuyện cầu tài, cầu lộc tại các miếu, phủ. Đó là câu chuyện của tín ngưỡng trí và cũng là hệ quả từ việc xã hội bây giờ dường như phụ thuộc vào quá nhiều may rủi thất thường. May rủi trong những toan tính về kiếm tiền, về công việc, về sự trao đổi mua quan bán tước…. nên vô hình chung người ta lại tìm đến tâm linh với một niềm tin hoang dại kiểu cổ sơ: cúng nhiều để mong được hưởng nhiều.
Bởi thế, ở khắp nơi, người người cúng vái, nhà nhà đua chen hành hương lễ bái tấp nập, khẩn cầu danh lợi với thế giới siêu hình. Và cũng từ sự bát nháo, bạ đâu thờ đấy một cách rất nguyên thủy ấy, xu hướng thương mại hóa tại các cơ sở thờ tự lại có dịp nổi lên.
* Nhắc việc cúng dâng sao giải hạn. Không thể phủ nhận, đây là nghi thức thu hút rất đông khách hành hương tới các ngôi chùa. Nhưng, đó cũng là câu chuyện gây tranh cãi trong thời gian qua, khi một số người cho rằng điều này không hề có trong Phật giáo…
-Tôi khẳng định: đó là hành vi đi ngược lại giáo lý của nhà Phật. Phật giáo gắn với thuyết luân hồi/ nhân quả, coi cuộc sống của con người là sự luân chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Gieo nhân nào, gặt quả ấy, mỗi người phải gắng tu thân, gắng hướng thiện để kiếp sau được hưởng thành quả từ kiếp này. Không thể có chuyện anh bỏ tiền đặt lễ, thông qua ông sư, ông thầy cúng dâng sao giải hạn để đổi vận, hưởng phúc.
Có nghĩa, về bản chất, việc những cơ sở thờ tự tổ chức cúng sao giải hạn như vậy chỉ là một cách làm dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của đám đông, đó chính là hoạt động thương mại tâm linh.
Và, cứ vào rằm tháng Giêng hằng năm, chúng ta lại chứng kiến cảnh công an bất lực trước biển người tràn ngập, án ngữ giao thông, ngồi chật kín lòng đường trước cổng một vài ngôi chùa tại Hà Nội để dự lễ dâng sao. Đó là điều đáng suy nghĩ: trước một biểu hiện cuồng tín/ thương mại, luật pháp phải lùi xuống nhường bước, chiều theo tâm lý đám đông.
* Nhưng, anh có chắc rằng những chuyện thương mại hóa, và tệ hơn là trục lợi từ tín ngưỡng, chưa từng xuất hiện trong quá khứ không?
- Ở VN, khái niệm hành hương giải quyết nhu cầu tâm linh của đám đông có từ rất sớm. Và tất nhiên, khi ấy, vấn đề về nảy sinh “dịch vụ”, về nguồn lợi từ tâm linh đã được đặt ra rồi. Nhưng thời xưa, trong một không gian hạn hẹp, với số lượng du khách không quá đông, mọi việc khi đó vẫn được kiểm soát tương đối tốt.
Còn bây giờ, dân số gia tăng gấp bội, phương tiện giao thông đi lại dễ dàng, cơ chế thị trường tâm linh mở cửa, chúng ta gần như không thể kiểm soát được xu hướng tín ngưỡng từ đám đông khổng lồ ấy. Và, bên cạnh những cá nhân cố tình trục lợi, buôn thần bán thánh, vấn đề còn đến ngay từ sự lúng túng, ngộ nhận của chính những người quản lý.
* Anh có thể nói rõ hơn?
Đơn cử, rất nhiều địa phương bây giờ hào hứng với khái niệm “du lịch tâm linh”. Về thực tế, ai cũng hiểu bản chất của du lịch là thương mại, đặt ra chuyện tìm nguồn lợi kinh tế cung cầu. Và, hệ lụy của “du lịch tâm linh” chính là việc thương mại hóa tín ngưỡng với thị trường tâm linh ngày càng sôi động, với những cúng dâng sao giải hạn, xem bói, đồng cốt, đốt vàng mã, kinh doanh đồ lễ…
Xét từ góc độ tôn giáo, cách làm như vậy là phản cảm! Một đàn lễ được tổ chức thành tâm sẽ khác với một đàn lễ tổ chức để thu hút khách du lịch hay nhuốm màu thương mại khác. Và, việc đến cửa Thiền tìm sự an ủi về tinh thần, tìm sự xoa dịu nỗi đau trần thế - như bản chất vốn có của Phật giáo- cũng khác hẳn việc tìm đến đó trong tư cách của một khách du lịch đi theo đám đông, cầu tài cầu lộc.
Chúng ta còn có sự ngộ nhận, còn hào hứng thu hút khách hành hương đến với các cơ sở thờ tự trên địa phương mình theo cách ấy thì cũng không có gì lạ, khi ước nguyện cầu xin - thụ hưởng trong tâm thức dân gian xưa đã thực sự sống dậy và lan truyền với những biến thái cuồng vọng hơn bao giờ!
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất