Khi nghệ sĩ cải lương 'lấn sân' kịch nói

10/09/2019 19:55 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Những tháng gần đây, sân khấu kịch nói phía Nam bỗng xuất hiện nhiều… nghệ sĩ cải lương. Có lẽ, đó là một sự chuyển dịch thú vị của làng sân khấu, kèm theo những hiệu ứng khá tốt đẹp.

Thế hệ vàng cải lương: NSND Ngọc Giàu - 'Con nhỏ' ở Thủ Thiêm có giọng ca trời phú

Thế hệ vàng cải lương: NSND Ngọc Giàu - 'Con nhỏ' ở Thủ Thiêm có giọng ca trời phú

Ngọc Giàu là một cô đào cải lương rất duyên. Bà không chỉ nổi tiếng trong các vai đào thương, mà còn bước sang lĩnh vực hài một cách ngon lành. Bà đóng cải lương, đóng kịch, đóng phim đều hấp dẫn như nhau.

1. Nổi đình nổi đám là sự xuất hiện của NSUT Quế Trân trong vở nhạc kịch hoành tráng Tiên Nga (sân khấu IDECAF). Trong vai Kiều Nguyệt Nga yêu kiều lễ giáo, Quế Trân quá thích hợp. Bởi, với vũ đạo vốn có của cải lương,  cô tha hồ sử dụng và thu hút khán giả bằng bộ điệu tha thướt, uyển chuyển của mình. 

Chú thích ảnh
NSUT Quế Trân trong vở "Tiên Nga" (ảnh: H.K)

“Vai này từ đầu là của Lê Phương, nhưng do Lê Phương sinh con nên tôi phải suy nghĩ nát óc tìm người thay. Chợt nhớ ra Quế Trân, tôi mừng quá. Quế Trân vừa xinh đẹp, vừa giỏi vũ đạo, rất thích hợp đóng kịch văn học lịch sử” - NSƯT Thành Lộc, đạo diễn của Tiên Nga cho biết. Như lời kể, quả thật anh không quá vất vả khi tập tuồng cho Quế Trân, bởi đây là nhạc kịch, mà cô thì có sẵn giọng ca, nên tập bài hát rất nhanh.

Chú thích ảnh
Võ Minh Lâm và Như Huỳnh trong vở "Bên đàng dệt mộng" (ảnh: H.K)

Tương tự, một anh kép đẹp là Võ Minh Lâm, Huy chương vàng Ngôi sao Vọng cổ Truyền hình, cũng tham gia vở Bên đàng dệt mộng (sân khấu 5B) trong vai một vị giám đốc ngành tơ lụa, vì làm ăn gian dối nên phải tiêu tan sự nghiệp. Với ngoại hình cao to bắt mắt, chất giọng tốt, Võ Minh Lâm vào vai… nhẹ như không.

Anh kể: “Chị Mỹ Uyên giám đốc sân khấu 5B mời tôi tham gia, ban đầu tôi cũng ngạc nhiên, nhưng ráng thu xếp lịch diễn để không phụ lòng chị. Đóng kịch cũng vui, xem chừng ít mệt hơn cải lương vì chỉ thoại thôi chứ không ca. Tôi không phân biệt kịch hay cải lương, miễn được diễn cho khán giả xem là mừng rồi. Khán giả nào tôi cũng yêu mến”. 

Xem vở, người ta thấy một Võ Minh Lâm diễn rất dễ thương, đoạn đầu là một anh kỹ sư với mơ ước phục hồi làng nghề dệt lụa, đoạn sau mới bị biến chất. Nhưng dù có “xấu ác” thì khán giả vẫn yêu mến anh vô cùng, bởi gương mặt rất lành và diễn cải lương rất giỏi. Và thú vị hơn, người ta vẫn nhớ đây là một “ngôi sao” của cải lương, cho nên lòng họ xem kịch mà sự ái mộ của cải lương vẫn ngập tràn.

Tại 5B còn có NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Hữu Quốc vừa gây một “cơn sốc” khi dựng và diễn luôn trong vở Diều ơi, khiến khán giả khóc như mưa. Thoại Mỹ trong vai cô Nhớ điên điên khùng khùng, Hữu Quốc trong vai người đàn ông lừa tình cô Nhớ, còn Quỳnh Hương trong vai bà mẹ gánh hết trên vai những cơ cực, khổ đau. Ba nghệ sĩ này đều là những tên tuổi trong làng cải lương. Và, kéo theo một lượng fan đáng kể, khiến suất diễn nào nào tại 5B cũng xếp thêm ghế xúp cho khán giả.

Đặc biệt Thoại Mỹ là cô đào có rất nhiều fan, mấy chục năm nay vẫn còn phong độ, nên khi chị xuất hiện là khán giả vỗ tay rần rần. Thậm chí có nhiều fan từ Hà Nội, Quảng Ninh, Cà Mau… vẫn vượt đường xa đến xem, và đêm nào cũng có mấy chục bó hoa ôm lên tặng chị. Riêng Hữu Quốc còn kiêm luôn tác giả kịch bản và đạo diễn. Như lời bạn bè, anh thừa sức dựng một bi kịch chinh phục khán giả, vì cải lương vốn là chất mùi mẫn, lâm ly, rất gần với bi kịch. Và quả thật,Diều ơi đang “cứu”phòng vé của 5B trong cơn khó khăn. 

Chú thích ảnh
NSƯT Thoại Mỹ (trái) và NSƯT Hữu Quốc trong vở “Diều ơi” (ảnh: H.K)

2. “Hiện nay diễn viên kịch quá nhiều sô, từ đóng phim cho đến gameshow, cho nên tôi phải tăng cường thêm diễn viên cải lương. Thật ra, dân cải lương mà diễn kịch nói thì không sao cả, vẫn hay như thường” - NSUT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, nói - “Anh em rất nhiệt tình, có thể gác chuyện khác để diễn cho 5B, tôi rất cảm kích. Ngay cả tập tuồng cũng tập rất kỹ, đúng là những người làm nghề nghiêm túc”.

Trước đây, người ta vẫn nhớ NSND Diệp Lang trong vở Tiếng chim vườn ngọc lan (cũng tại 5B) từng rất xuất sắc trong vai người cha của anh thợ bạc. Với gương mặt phúc hậu, lối diễn mộc mạc, ông xuất sắc tới mức đạo diễn Minh Nguyệt của vở  phải thốt lên: “Tôi quá bất ngờ. Tôi mời ông, nhưng ông đóng hay hơn tôi tưởng tượng. Ông đóng rất xi-nê”. Rất xi-nê là một lời khen đáng giá mà các đạo diễn thường dùng.

Chú thích ảnh
NSƯT Bảo Quốc trong vai Nhan Tấn vở "Nỏ thần" (ảnh: H.K)

Hoặc, đó là NSƯT Bảo Quốc trong vai Nhan Tấn vở Nỏ thần (sân khấu Phú Nhuận) - một gián điệp do Triệu Đà cài vào để phá tan cơ đồ của An Dương Vương. Bảo Quốc vốn là một danh hài, nhưng với vai Nhan Tấn ông chứng minh mình có thể đóng chính kịch, đóng kép độc một cách tuyệt vời. Ông đóng cũng rất kịch, không bị “nhiễm” cải lương, từng câu thoại, từng cử chỉ, từng chi tiết nhỏ đều tinh tế, kỹ lưỡng.

Như lời Bảo Quốc, ông muốn làm mới mình, thử thoát khỏi hình ảnh hài hước vốn có. Và thực tế, dõi theo một Nhan Tấn, khán giả đã quên một danh hài Bảo Quốc và không… cười ồ khi ông vừa bước ra sân khấu, như một số trường hợp “lấn sân” tương tự.

Như thế, không có gì khó hiểu, nghệ sĩ luôn đem “dư âm” cải lương lên sân khấu kịch. Họ phả vào sân khấu kịch những nét tươi mới và khiến những khán giả từng yêu mến mình trong nghệ thuật cải lương phải… theo chân.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm