Khi người Triều Tiên làm phim ‘Titanic’

19/03/2016 17:30 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) – Bộ phim Titanic năm 1997 của đạo diễn James Cameron đã truyền cảm hứng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il để làm nên phim Soul’s Protest – được mệnh danh là Titanic của Triều Tiên, kể về một cặp đôi yêu nhau và chết trên biển.

Titanic – bộ phim giành 11 giải Oscar và mang về hơn 1 tỷ đô doanh thu – thực sự là một hiện tượng toàn cầu.  Ở Triều Tiên, người dân bị cấm xem Titanic nhưng lãnh đạo Kim Jong-il lại lấy cảm hứng từ chính bộ phim này, để từ đó làm ra bộ phim của riêng mình. 

Bốn năm sau khi phim của James Cameron được chiếu trên khắp thế giới, "Titanic của Triều Tiên" cũng hoàn thành, với quy mô hoành tráng, do nhà nước bảo trợ. Tuy nhiên, dù có dàn diễn viên hàng ngàn người, Titanic của Triều Tiên cũng “chìm” không sủi tăm tại các phòng vé.



Hình ảnh quảng bá bộ phim Soul's Protest

Nhiều tư liệu cho thấy, ông Kim Jong-il rất mê phim ảnh. Trong thập niên 70 - 80, ông Kim Jong-il đã rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Triều Tiên. Ông đã gửi nhiều đạo diễn tới Nga để học làm phim, tăng đáng kể ngân sách cho sản xuất phim, và thậm chí, tuyên bố sẽ bắt cóc đạo diễn và ngôi sao Hàn Quốc về làm phim cho Triều Tiên.

Trong hầm dinh thự của ông Kim có hàng ngàn đĩa phim phương Tây và nhiều phiên bản Triều Tiên của các bom tấn Hollywood. Màu sắc bi kịch, lãng mạn, cũng như sự đấu tranh giai cấp trong Titanic đã gây ấn tượng mạnh mẽ tới vị lãnh đạo Triều Tiên.

Phim được làm trong bối cảnh quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc có dấu hiệu tan băng nhờ chính sách Ánh Dương của phía Hàn Quốc. Điều này cho phép Triều Tiên thử sức mình ở những bộ phim có khả năng hấp dẫn cả hai phía của vĩ tuyến 38. 

Soul’s Protest kể về câu chuyện Ukishima Mauru – một con tàu bị chìm khi trên đường cố gắng từ Nhật Bản trở về quê nhà (Triều Tiên  và Hàn Quốc khi đó) hồi cuối Thế chiến II. Trong số 3.500 người trên tàu, có 550 người đã chết vì tàu bị đánh bom. Sau này, Triều Tiên buộc tội Nhật Bản cố tình đánh chìm tàu để che đậy sự thật về việc người Triều Tiên bị lao động cưỡng bức trên tàu trong chiến tranh. 


Một số cảnh trong Soul's Protest

Đạo diễn phim là ông Kim Chun-song (một người Nhật Bản hồi hương). Soul’s Protest mở đầu bằng cảnh một người đàn ông đứng tuổi cùng gia đình nhìn về phía biển. Trong tiếng nhạc nền, ông lấy từ trong túi ra, không phải viên kim cương “Trái tim của đại dương” như của nàng Rose, mà là một chiếc khăn quàng đỏ, và nghĩ tới mối tình đã ra đi từ lâu theo tàu Ukishima Maru. Trước khi làm phim, đạo diễn, diễn viên, ê kíp làm phim đã xem lại phim Titanic “thật” tới hàng trăm lần.

Trong khi James Cameron được hậu thuẫn bởi kỹ xảo làm phim hiện đại của Hollywood thì Triều Tiên không cần những thứ đó. Nước này đã huy động tới 10.000 binh lính để thực hiện các cảnh quay hoành tráng. Ngoài ra, hình ảnh mang tính biểu tượng của Titanic là cảnh Jack và Rose đứng trên mũi tàu; thì ở phiên bản Triều Tiên, chỉ đơn giản là cặp đôi gặp nhau trên bong tàu, lén lút nhìn nhau và cười ý nhị. 

Soul’s Protest không ngần ngại công khai rằng nó sao chép từ Titanic của James Cameron. Tại liên hoan phim Moscow và Hong Kong, tờ quảng cáo phim ghi rõ nó là “Titanic của Triều Tiên” với cỡ chữ to hơn cả tên phim. 

Bộ phim sau đó được Hãng phim Narai mua quyền phân phối tại Hàn Quốc năm 2001 với số tiền lên tới 375.000 đô. Với một bộ phim hiếm khi được chiếu ở đâu ngoài Triều Tiên và tại một số liên hoan phim, đây là cơ hội lớn để Triều Tiên nâng cao doanh thu và vị thế điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, sau đó, phía Nhật Bản ra phán quyết trao lại 375.000 đô này cho 15 nạn nhân còn sống sót sau thảm họa Ukishima Maru. Từ đó tới nay, không có thêm quốc gia nào mua bản quyền của Soul’s Protest.

Thư Vĩ (Lược dịch)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm