Mạng xã hội - Thách thức lớn với báo chí truyền thống

21/06/2013 06:47 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Không còn dừng lại ở mức độ chia sẻ những vấn đề riêng tư của từng cá nhân, mạng xã hội ngày càng lan tràn. Đã có không ít lo ngại rằng, các mạng xã hội (social network) là mối đe dọa đến sự tồn vong của một số loại hình báo chí truyền thống.

Tại cuộc hội thảo khoa học “Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ” do Đoàn khối Các cơ quan Trung ương tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội, rất nhiều vấn đề nóng bỏng liên quan đến công tác báo chí đã được trao đổi, chia sẻ thông qua hơn 30 tham luận của các chuyên gia, nhà báo đến từ tạp chí Cộng sản, báo Nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Báo chí & Tuyên truyền, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Một trong những yếu tố được nhắc đến nhiều trong các tham luận, cũng như các cuộc thảo luận, là sự cạnh tranh của các mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin đối với các loại hình báo chí truyền thống.

Sức ép cạnh tranh

Facebook, Twitter, Google+... đã trở nên quá quen thuộc với người dân trên khắp thế giới, thu hút hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người sử dụng, tạo ra một cộng đồng cực kỳ lớn, với tốc độ lan tỏa thông tin khủng khiếp. Ngay cả những trang thông tin điện tử, một loại hình báo chí mới, đôi khi cũng thua kém mạng xã hội trong việc lan tỏa thông tin, ít nhất dưới góc độ thời gian.

Chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ nhanh chóng và dễ dàng được đưa lên internet. Trong một cộng đồng có số lượng người dùng lớn, kết nối dễ dàng với nhau, thông tin này lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến khắp nơi trên thế giới.

Cũng với thông tin ấy, khách hàng của các loại hình báo chí truyền thống sẽ phải mất từ vài giờ đến vài ngày mới nhận được. Trong thời buổi công nghệ cực kỳ phát triển này, độ trễ như vậy là quá lớn. Rõ ràng, một sức ép không hề nhỏ đang đè nặng lên báo in, truyền hình hay phát thanh trong việc cạnh tranh thông tin với mạng xã hội.


Nhưng mức độ tin cậy thì đáng bàn

Ngoài việc tạo ra sức ép cạnh tranh về tốc độ lan tỏa thông tin, mạng xã hội còn góp phần làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống. Thuật ngữ “làm báo Facebook” giờ không còn xa lạ, khi một số phóng viên, đặc biệt là những người trẻ, đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin truyền thống trên thực tế, chuyển qua đi “săn” tin trên mạng xã hội. Một số tờ báo cũng chấp nhận cách thức khai thác thông tin này.

Tất nhiên, mỗi loại hình thông tin đều có những mặt ưu và nhược nhất định. Với các mạng xã hội, song song với tốc độ lan tỏa lớn là sự ngờ vực về tính xác thực của thông tin - vấn đề cốt lõi với báo chí. Do xuất phát từ các cá nhân và chưa được kiểm định một cách kỹ lưỡng, thông tin từ mạng xã hội chắc chắn không thể đáng tin cậy như trên báo chí.

Chỉ là “manh mối”

“Rất nhiều nhà báo hiện thời lấy thông tin qua mạng xã hội, phỏng vấn nhân vật qua chat. Sự nhanh nhạy này cũng rất tốt. Song cũng có nhiều bất cập” - Trích ý kiến của nhà báo Hữu Thọ tại cuộc tọa đàm khoa học “Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ” diễn ra tại Hà Nội hôm 18/6/2013.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của báo chí truyền thống từ mạng xã hội. Thách thức này đủ lớn để tạo ra sức ép, buộc báo chí truyền thống phải thay đổi để có thể thích nghi với hoàn cảnh mới. Duy trì được lợi thế trong một xã hội mà thông tin xuất hiện nhanh chóng và đầy rẫy trên internet đang là bài toán không dễ tìm lời giải của rất nhiều tờ báo in, kênh truyền hình và đài phát thanh...

Trong một số tình huống, mạng xã hội trở thành một người bạn đồng hành với các nhà báo, khi những thông tin xuất phát từ thế giới ảo có thể là manh mối đầu tiên cho những phóng sự điều tra có tiếng vang lớn trên báo chí ngoài đời thực. Ở một thế giới đa chiều, mạng xã hội vừa là đối thủ, vừa là đối tác với báo chí, vừa mang lại nguy cơ đồng thời cũng mang đến cơ hội. Đó là xu thế chung trong mọi lĩnh vực, không riêng gì báo chí.

Vấn đề còn lại là trách nhiệm của những người làm báo thực thụ, phải biết sử dụng hợp lý mạng xã hội trong những vấn đề cá nhân, cũng như thông tin từ mạng xã hội khi cung cấp một cách chính thống báo chí. Một khi chưa được thẩm định kỹ càng thì thông tin từ mạng xã hội vẫn chỉ dừng lại ở mức độ manh mối mà thôi.

Đông Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm