23/02/2014 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Từ trước tới nay khi nhắc đến paparazzi, người ta thường nghĩ về các bức ảnh chụp lén rẻ tiền và các nhiếp ảnh gia vô đạo đức. Nhưng thực tế có phải lúc nào cũng thế?
Năm 1968, nghệ sĩ Anh Richard Hamilton, một trong những cha đẻ của nghệ thuật đại chúng, bắt đầu thực hiện Swingeing London 67, một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng gồm nhiều bức tranh và ảnh chụp.
Cảm hứng nghệ thuật dựa trên ảnh paparazzi
Vài tác phẩm trong số đó đã được trưng bày tại một cuộc triển lãm hồi cố ở bảo tàng Tate Modern tại London. Trong các tác phẩm này người ta thấy một bức tranh mô tả Mick Jagger, ca sĩ thủ lĩnh ban nhạc Rolling Stones, đang ngồi phía sau một chiếc xe tải của nhà tù đi tới tòa án hạt Chichester, nơi ông đối mặt với cáo buộc sở hữu ma túy trái phép.
Jagger, người đang bị còng tay với nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng ăn chơi Robert Fraser, đã cố giơ tay phải lên che mắt, tránh ánh đèn flash. Theo sử gia nghệ thuật Hal Foster, cử chỉ mang tính tự vệ của Jagger khi bị một tay paparazzi chộp hình, đã gợi nhớ tới bức bích họa The Expulsion from Paradise. Bức tranh nổi tiếng này được họa sĩ Masaccio vẽ trong thế kỷ 15, trong đó chàng Adam dùng cả hai tay che mặt trong xấu hổ và tuyệt vọng.
Nói một cách khác, tác phẩm của Hamilton cho thấy thời vàng son của khung cảnh văn hóa London trong những năm 1960 với đầy sự tự do và phóng túng, đã đi tới hồi kết. Cuối những năm 1960 đã trở thành khoảng thời gian của sự trả giá thay vì tiệc tùng, của việc bị trừng phạt thay vì dùng ma túy thả phanh.
Nhưng dù Hamilton có bóng gió nhắc tới tác phẩm của Masaccio hay không, bức tranh trong Swingeing London 67 vẫn là một ví dụ tuyệt vời về một nghệ sĩ hiện đại, đã tìm ra nguồn cảm hứng nghệ thuật, từ một bức ảnh do một tay paparazzi chụp.
Điều này có thể gây ngạc nhiên, bởi người ta vẫn nghĩ thật khó để tìm ra cảm hứng nghệ thuật từ các bức ảnh vốn chẳng mang ý định tốt đẹp gì của các tay paparazzi - những nhiếp ảnh gia tự do chuyên săn lùng người nổi tiếng và chụp các khoảnh khắc hớ hênh của họ để bán cho báo lá cải lấy tiền.
Tranh của Hamilton đã dựa trên một bức ảnh paparazzi chụp Mick Jagger
Góc nhìn khác về những người bị coi thường
Kể từ khi Công nương Diana qua đời tại Paris hồi năm 1997, kết quả từ việc bị một đám paparazzi đuổi theo, các thợ săn ảnh người nổi tiếng đã thường xuyên bị đánh giá thấp. Có thực tế trớ trêu là dù ảnh của paparazzi được hàng triệu người trên toàn cầu thưởng thức một cách thích thú, những người làm ra chúng lại luôn bị xem là có nền tảng đạo đức thấp kém.
Tuy nhiên một cuộc triển lãm mới mang tên Paparazzi! Photographers, Stars and Artists vừa diễn ra tại Trung tâm Pompidou Metz ở Pháp, đã cho thế giới thấy một góc nhìn khác về paparazzi.
Từ paparazzi có gốc Italy là paparazzo. Từ này do đạo diễn phim người Italy Federico Fellini tạo ra, khi kết hợp các từ "pappataci" (ruồi cát) và "ragazzi" (lưu manh) để gọi một nhân vật hành nghề phóng viên ảnh trong phim La Dolce Vita (1960) của ông.
Nhân vật mang tên Paparazzo đã dựa trên nguyên mẫu nhiếp ảnh gia Italy Tazio Secchiaroli, người trở thành một trong những paparazzi đầu tiên của thế giới khi chụp được cảnh sao La Dolce Vita là Anita Ekberg có một đêm ăn chơi cùng chồng ở Rome, khoảng vài năm trước khi phim công chiếu.
Bức ảnh thời trang này của William Klein chụp cho Vogue trong năm 1962 đã lấy cảm hứng từ hoạt động của các paparazzi.
Như curator Carol Squiers từng nhận xét, khi Secchiaroli chụp các bức ảnh định mệnh của mình trong năm 1958, ông không thể thấy trước một hiện tượng mà mình đã giúp tạo ra - một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la được gọi là nhiếp ảnh paparazzi.
Ông cũng không thấy được tác động của ngành công nghiệp đó lên thế giới nghệ thuật cao cấp. Các nghệ sĩ từ Gerhard Richter tới William Klein và cả Andy Warhol đều đã lấy cảm hứng từ ảnh paparazzi.
Ví dụ trong những năm 60, Richter đã tạo ra một bản in chân dung Nữ hoàng Elizabeth II dựa trên một bức ảnh paparazzi đăng trên tạp chí lá cải. Klein đã chụp các bức ảnh thời trang cho Vogue có tỉa các chi tiết nghệ thuật từ ảnh paparazzi. Trong một bức như thế, một người mẫu đã bước ra khỏi xe taxi ở New York, giống cách một ngôi sao điện ảnh chui ra khỏi xe limousine để dự lễ ra mắt phim. Về phần mình, Warhol nổi tiếng mê người nổi tiếng. Ông đã bất tử hóa rất nhiều bức ảnh báo chí thuộc dạng xem một lần rồi bỏ trên các bản in lụa của mình.
Vừa khinh thường, vừa yêu mến
“Việc dùng đèn flash vào đêm, hoặc chụp ảnh một người ra khỏi xe, hoặc dùng ống tele để tạo cảm giác về một thế giới tội lỗi đã ảnh hưởng tới rất nhiều nghệ sĩ" - nhiếp ảnh gia Pháp Michel Giniès, một paparazzi nổi tiếng trong giai đoạn 70 - 90 cho biết.
Cá nhân Giniès không tự nhận mình là một nghệ sĩ. "Nhưng một số bức ảnh của tôi có các đặc điểm có thể gọi là "nghệ thuật"" - ông nói -"Ví dụ như bức ảnh bà Jackie Kennedy, vợ cố Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy, đứng một mình trên phố Paris vào đêm và được chiếu sáng nhờ ánh đèn flash của tôi. Hay như bức ảnh John Travolta trong cuộc triển lãm ở Pompidou, được chụp bằng đèn flash từ sau một chiếc xe, với mưa hắt vào cửa sổ và trông ông ấy khá bụi bậm sau một đêm vui vẻ. Bức ảnh đã được phóng lớn để các hạt nhiễu trên ảnh và mưa tạo ra một hiệu quả rất kỳ quái". Giniès cũng cho rằng trong xã hội có nhiều kẻ đạo đức giả, luôn chỉ trích các paparazzi, nhưng lại rất thích xem ảnh của họ.
BBC đánh giá sự thực về nhiếp ảnh paparazzi là chúng ta vừa khinh thường, vừa yêu mến chúng. Có thể đây cũng là lý do để nhiều nghệ sĩ hiện đại bị thu hút. Ngoài ra, nhiếp ảnh paparazzi còn thu hút bởi nó khai thác các khao khát tăm tối nhất, các đam mê dục vọng của con người, cũng là mảnh đất thường được nghệ thuật cao cấp khám phá.
Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất