Khi ông hoàng 'phun' ngôn ngữ chợ búa...

03/07/2015 06:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Cách đây hơn 10 năm (2003), có một “chợ nhạc” do nghệ sĩ Trần Bình cùng các nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Hà Dũng, Chu Minh, Đức Trịnh, Tuấn Phương, Nguyễn Quang Vinh thành lập để tiếp nhận mua, bán ca khúc. Chợ này với mục đích đưa các ca khúc vào đời sống công chúng thông qua việc mua bán.

Gần đây nhất, “chợ” tranh đương đại Tết Art 2015 được tổ chức tại Hà Nội, với mục đích giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ đến với đông đảo công chúng. “Chợ” này hoạt động từ ngày 5 đến 16/02/2015 và có doanh thu gần 1 tỷ đồng.

Hai cái “chợ” nói trên hoạt động khá văn minh, chỉ thừa hưởng yếu tố tập trung đông đảo mọi người để mua, bán. Còn những yếu tố “chợ búa” khác mang tính tiêu cực như tranh giành, chửi bới… không thấy xuất hiện.

Mấy ngày gần đây, chuyện nóng trên mạng xã hội lan truyền qua một số báo điện tử giữa 2 ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Quang Lê, tuy không phải là hoạt động của “chợ”, nhưng ở đó “phun trào” những ngôn ngữ chợ búa mà lẽ ra nó không đáng có đối với nghệ sĩ - những người đem lại nét đẹp cho tâm hồn con người.


Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố sẽ "cạch mặt" Quang Lê - Ảnh: FBNV

Những cụm từ khó nghe như: “chơi bẩn”, “thằng hèn”, “trơ tráo”, “xảo trá lươn lẹo”… rất tiếc đã làm ô nhiễm thêm không khí văn nghệ vốn dĩ đang được nhiều người góp phần làm cho nó trong lành. Đáng tiếc thay, những cụm từ này lại là phát ngôn của Đàm Vĩnh Hưng - một người được phong là “ông hoàng nhạc Việt”. Có phút giây nào “ông hoàng” hổ thẹn với ngôn ngữ quá “chợ búa” của mình?

2. Qua sự việc trên, dù chưa phân định ai đúng, ai sai, nhưng điều đó một phần cho thấy rằng dù cả 2 ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Quang Lê rất nổi tiếng trong thị trường âm nhạc hiện nay nhưng đều xử sự chưa chuyên nghiệp và biểu hiện sự tranh giành lợi ích thuộc giới ca sĩ, bất chấp tình đồng nghiệp.

Các “ông bầu” tranh giành một ca sĩ bán kẹo kéo để phục vụ cho khán giả trong tương lai. Giọng hát của ca sĩ này cũng “bình thường thôi”, được xem là na ná một giọng ca “nhạc sến” ở hải ngoại. Nhưng dù gì đi nữa thì cũng chỉ là một bản sao, có khi là một bản sao chưa hoàn chỉnh. Hay nói cách khác, cũng chỉ là một giọng ca “gương mặt thân quen” chứ không phải một giọng ca “xịn” có những độc đáo riêng. Đó có phải là nỗi buồn lớn cho khán giả?

Song trong thời đại ca nhạc truyền hình thực tế bùng nổ, những giọng ca trong hẻm hóc được khai quật và giới thiệu ra công chúng, nhân thân càng ly kỳ càng dễ nổi tiếng, từ hớt tóc, bán bánh mì đến bán kẹo kéo… tất cả đều rất dễ trở thành “sao” ca nhạc. Nhất là khi được một ông hoàng, bà chúa nào đó đỡ đầu.

Một nghệ sĩ nổi tiếng, một gương mặt thần tượng của công chúng luôn có tác động lớn đến số đông, vì vậy xã hội cần ở họ sự mẫu mực về các việc làm, lối sống, tư cách đạo đức…

Hàng triệu khán giả yêu tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng, có lẽ sẽ thất vọng lớn bởi trong sự việc tranh giành ca sĩ bán kẹo kéo này, những lời lẽ của Đàm Vĩnh Hưng không phải là những lời “vàng ngọc” của một ông hoàng mà là lời của những người ở ngoài… chợ - không may mắn được giáo dục kỹ lưỡng…

Thiên Lang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm