Khi Santa Claus rút súng

24/12/2015 13:35 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Giáng sinh là dịp người ta quây quần vui vẻ, chúc nhau những ngày an lành và đầm ấm, nhưng cũng không hiếm kẻ bỗng dưng rảnh rỗi nảy ra nhiều cảm hứng ngược lại, và đôi khi với kết quả khó ngờ.  

Sáng sớm 23/12/1927

… một ông già Noel nhỏ thó, phục phịch vác một bao tải quà tặng đi dọc trung tâm thành phố Cisco thuộc bang Texas. Một ngày trước Giáng sinh, dễ hiểu là ông đến đâu là cả đám trẻ con bám theo đến đó. Chẳng mấy chốc cả đoàn rồng rắn đến chi nhánh Ngân hàng First National Bank. “Chào cụ Santa“, các nhân viên vui vẻ ngẩng lên và mỉm cười, nghỉ lấy hơi giữa những phút bận rộn trước kỳ nghỉ dài.

Nhưng Santa rút súng lục: “Giơ tay lên!” và ba đồng phạm đứng lẫn trong đám khách cũng xuất đầu lộ diện với súng đạn lăm lăm. Món quà Giáng sinh té ra là một vụ cướp tiền kinh điển. Marshall Ratliff, một gã trộm vặt trong bộ đồ đỏ và làn râu trắng muốt, bắt đầu nhét tiền vào bao tải.


Tảng sa thạch “Stone Of Scone“ được coi là có sức mạnh thần bí, bị nằm dưới ngai vàng ở Westminster Abbey (London) ngót 700 năm, cho đến lễ Giáng sinh 1950

Một phụ nữ ngẫu nhiên lúc đó bước vào sảnh, hiểu ngay ra tình hình và chạy khỏi hiện trường. Ba phát sau cảnh sát tới nơi, trong khi một đám đông hiếu kỳ tụ tập trước cửa nhà băng, nhiều người mang theo súng: Thành phố Texas trước đó mấy hôm vừa ban lệnh thưởng 5.000 USD cho mỗi tên cướp nhà băng bị bắn chết, vì mỗi ngày từ 3 đến 5 ngân hàng bị cướp!

Một vụ đấu súng kịch liệt xảy ra giữa nhóm cướp và cảnh sát cùng đông đảo dân chúng Cisco. Sau này người ta đếm được trên 200 vết đạn trên tường. Cảnh sát trưởng và một trợ lý chết trong làn đạn. Marshall Ratliff cùng đồng bọn túm hai đứa trẻ đỡ đạn và chạy ra được ô-tô.

Nhưng đó cũng là lúc bắt đầu một hài kịch lắm hồi nhiều cảnh: Bình xăng không còn một giọt, khiến chúng phải chặn xe do một cậu bé 14 tuổi lái đi qua, nhưng trước khi rời xe thì cậu kịp rút chìa khóa. Nhóm cướp nghiệp dư nhận ra điều đó khi đã lên xe, đành bỏ lại bao tải tiền và một đồng bọn chết vì trúng đạn, đem theo hai con tin chạy mất. Một cuộc săn đuổi kéo dài nhiều ngày trong các khu rừng lân cận, cho đến khi Marshall Ratliff lãnh 6 viên đạn bên sông Brazos và chịu sa lưới cảnh sát.


Hoàng tử Anh Andrew trân trọng trao lại Stone Of Scone cho Quốc vụ khanh Michael Forsyth (Scotland) hôm 30/11/1996

Robert Hill

… là thủ phạm duy nhất trong bộ tứ sống sót với án 99 năm tù và được ân xá hồi thập niên 1940. Gã đồng bọn kia lìa đời trên ghế điện. Marshall Ratliff thoạt tiên may mắn được đánh tháo khỏi trại giam, tuy nhiên ra đến bên ngoài mới nhận ra các “ân nhân“ thực ra là một nhóm dân chúng Cisco muốn tự tay treo cổ hắn chứ không chờ Nhà nước!

Vụ cướp nhà băng trong trang phục Santa Claus vào năm 1927 đi vào lịch sử hình sự Mỹ như một trong những vụ cướp kịch tính nhất, song vì lý do nào đó mà các thành phần bất hảo vẫn hay chọn mấy ngày đại lễ này để ra tay. Như năm 1950 ở London, khi 4 kẻ trộm mang Stone Of Scone khỏi tu viện Westminster.

Đó tuy không phải là đá quý, song lại mang nặng dấu ấn lịch sử: 1296 vua Edward đệ nhất đem tảng sa thạch nặng 2 tạ từ một cuộc chinh phạt miền Bắc về, khiến người Scotland vô cùng căm phẫn, vì nó được coi là có sức mạnh thần bí từ nhiều đời vua Scotland. Theo lệnh của Edward, viên đá được đặt dưới ngai vàng trong tu viện và ngự tại đó 654 năm, cho đến ngày 25/12/1950 định mệnh, là lúc sinh viên luật Ian Hamilton cùng ba người bạn khiêng nó ra chiếc Ford nổ máy đợi trước tu viện để trả lại về cố hương.

Rủi thay, trong khi di chuyển thì ba nhà ái quốc vĩ đại nọ biến tảng Stone Of Scone thành hai mảnh. Nhưng họ vẫn kiên cường chở chúng vượt qua mọi hàng rào kiểm soát, thậm chí còn đỗ lại xưởng đá của nghệ nhân Bertie Gray để gắn liền hai mảnh vỡ, trước khi nộp cho tu viện Arbroath, vốn được coi là thánh địa của người Scotland theo chủ nghĩa dân tộc.


Đội quân nhạc đưa tiễn hòn đá thần trở về thủ đô Scotland

Tuy nhiên hòn đá 2 tạ không dễ giấu

… và thế là chỉ đến đầu năm 1951 là Stone Of Scone lại quay về chỗ cũ. Người Anh khôn khéo chẳng muốn làm mất lòng dân Scotland nên không truy tố 4 thủ phạm được dân địa phương tung hô như những anh hùng dân tộc. Và nhân dịp 700 năm lưu lạc, Stone Of Scone được trang trọng trả lại cho lâu đài Edinburgh.

Một lễ Giáng sinh không an bình khác diễn ra năm 2000 theo phong thái James Bond. Một nhóm cướp vũ trang đeo mặt nạ tiến vào Bảo tàng Quốc gia Stockholm, bỏ lại đám khách ngỡ ngàng để tiến thẳng tới 3 bức tranh cực quý. Chỉ vài phút sau, chúng rời bảo tàng với các tác phẩm của Rembrandt và Renoir, không quên trải đầy thảm chông xung quanh bảo tàng để triệt hạ xe cảnh sát truy đuổi.

Cảnh sát mò mẫm mãi trong bóng tối, cho đến khi tình cờ vớ được một bức chân dung tự họa của Renoir trong chiến dịch càn quét ma túy ở Stockholm. 4 năm sau, lực lượng điều tra cũng tìm được tác phẩm thứ hai. Bức chân dung tự họa của Rembrandt thì được phát hiện khi nhóm thủ phạm rao bán hồi tháng 9/2005 ở Copenhagen.

Cả ba tác phẩm đều may mắn không bị sứt mẻ khi quay về với chủ cũ. Chỉ có Bảo tàng Quốc gia Stockholm trở thành mục tiêu đàm tiếu của thiên hạ: theo nhận định của các chuyên gia an ninh, bảo tàng được trang bị bảo vệ không hơn gì một kios bán báo ngoài đường và đội ngũ nhân viên canh giữ khối tài sản trăm tỷ USD thì không có vũ khí.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm