Cập nhật không khí Trung thu tối nay, 26/9 trên mọi miền tổ quốc

26/09/2015 21:59 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org)- Từ tối nay, 26/9, Trung Thu diễn ra tưng bừng tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Cùng điểm lại không khí Trung thu tính đến giờ phút này.

* Hà Nội: “Trung thu xưa và nay” đậm chất Hà Nội xưa

Tối 26/9, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tưng bừng tổ chức đêm hội “Trung thu xưa và nay” với nhiều điểm nhấn ấn tượng và thú vị. Nét nổi bật của chương trình là tái hiện một không gian trung thu xưa với những chiếc đèn lồng và đồ chơi truyền thống độc đáo. Tất cả các công đoạn đều do thầy cô khoa Mỹ thuật, cán bộ Cung Thiếu nhi và các nghệ nhân trực tiếp làm, từ khâu thiết kế, uốn khung tạo hình, dán giấy… cho đến những việc nhỏ như làm hồ dán, cắt đường diềm trang trí…

Đồ chơi truyền thống được phục sinh trong mùa Trung thu này

Nhiều mẫu đèn đặc sắc đã được các nghệ nhân thiết kế như đèn hình hai chú rồng vàng, miệng ngậm ngọc, mỗi con dài khoảng 11m. Lần đầu tiên, đền Ngọc Sơn sẽ hiện lên trong một chiếc đèn lồng, đặt ở sảnh “Kẹo Lạc” để ai cũng có thể chiêm ngưỡng.

Đặc biệt, năm nay Cung Thiếu nhi Hà Nội còn tổ chức rước đèn quanh hồ Hoàn Kiếm với sự tham gia của gần 200 học sinh tiêu biểu, đại diện cho trên 1.000 em tham dự Trung thu. Để phục vụ đoàn rước, các cô giáo và nghệ nhân đã thiết kế 5 loại đèn, trong đó, đèn hoa sen được rước đi đầu - là biểu tượng cho vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam, đèn lồng hình Khuê Văn Các – biểu tượng của tinh thần hiếu học. Tiếp đó là các đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn thiềm thừ - những hình ảnh và linh vật quen thuộc của Tết Trung thu.

Bên cạnh đèn lồng truyền thống, chương trình “Trung thu xưa và nay” tại Cung Thiếu nhi sẽ xuất hiện những giỏ thiên nga bông, thỏ bông – đồ chơi trung thu của người Hà Nội những thập niên 60, 70 thế kỷ trước. Mâm cỗ chủ cao 3,5m với 4 tầng được thiết kế với với biểu tượng ông tiến sĩ và các hình ảnh độc đáo tượng trưng cho trung thu xưa và nay.

Cùng với việc trang trí sân khấu thật ấn tượng và đậm chất dân gian, chương trình nghệ thuật sẽ vô cùng đặc sắc với phần dẫn dắt, diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ và những màn biểu diễn của các em học sinh của Cung Thiếu nhi. Chương trình đưa các em vào những câu chuyện cổ tích về trung thu, về ước mơ của trẻ em ngày nay. Chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát Tuổi trẻ như: NSƯT Minh Hằng, nghệ sĩ Thu Hương, Tùng Linh, Quang Ánh, Thanh Tú, Đức Tâm…

Với tinh thần sẻ chia yêu thương, nhân niềm hạnh phúc, chương trình dành tặng 120 phần quà cho 120 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhi khuyết tật trên địa bàn thành phố.

Trong các ngày trước và sau đêm hội, Cung Thiếu nhi Hà Nội còn mở các gian hàng, trưng bày và giới thiệu sản phẩm truyền thống; tổ chức cho thiếu nhi tham gia các trò chơi dân gian. Nhà hát Tuổi trẻ cũng tổ chức nhiều đêm diễn phục vụ các em tại Rạp Khăn Quàng đỏ.

Với những nét độc đáo và ấn tượng, chương trình là món quà ý nghĩa của Thành đoàn, Hội đồng Đội thành phố và Cung Thiếu nhi Hà Nội dành tặng các em thiếu nhi. Đây cũng là hoạt động giáo dục truyền thống sâu sắc, mang lại nhiều cảm xúc và niềm vui cho thiếu nhi Thủ đô, giúp các em cảm nhận được nét đẹp trong di sản văn hóa dân tộc mà cha ông đã để lại

* TP.HCM: Chương trình “Vầng trăng yêu thương” cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Nhằm tạo điều kiện cho các thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh được đón Tết Trung thu thật sự đầm ấm, vui tươi và nhiều ý nghĩa, tối 26/9, tại Nhà hát Thiếu nhi Thành phố, Chương trình “Vầng trăng yêu thương” đã được tổ chức và trao tặng quà cho 500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tặng quà cho trẻ em nhân dịp Trung thu

Chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đậm nét văn hóa truyền thống như biểu diễn các bài hát dành cho thiếu nhi, trình diễn múa lân, ảo thuật, trưng bày các sản phẩm gắn với Tết Trung thu của trẻ em…

Trước đó, nhiều hoạt động chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vui Tết Trung thu đã được tổ chức tại khắp các quận, huyện với nhiều hình thức phong phú, vui tươi và mang nhiều ý nghĩa.

Đó là: Chương trình “Vui hội trăng rằm” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Thành phố, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố tổ chức tặng quà cho 400 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; Chương trình “Đêm hội trăng rằm” do Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên Thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tại các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, quận 12; Chương trình “Mái ấm gia đình Việt – Đêm hội Trung thu 2015” do Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Công an Thành phố và Tập đoàn Hoa Sen tổ chức dành cho 1.500 trẻ tại các mái ấm, nhà mở, Hội người mù, trường giáo dưỡng; Chương trình “Trăng yêu thương” dành cho 400 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS do Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam tổ chức…


Một tiết mục văn nghệ mừng Trung thu do các thiếu nhi khuyết tật đến từ Hội người mù TP. Hồ Chí Minh biểu diễn. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

* Tưng bừng Lễ hội trăng rằm 2015 trên quê hương Quan họ

Tối 26/9, tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở lao động, Thương binh và Xã hội, Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ hội trăng rằm 2015 với chủ đề “Vầng trăng cổ tích” cho các em thiếu nhi trong tỉnh Bắc Ninh.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh cho biết: Chương trình Lễ hội trăng rằm được tổ chức thường niên vào dịp Rằm tháng tám thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đến đông đảo các em thiếu nhi trong toàn tỉnh; đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, góp phần khơi dậy trong thanh thiếu nhi khát khao vượt qua hoàn cảnh, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội, tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường; xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Chương trình cũng là cầu nối, thu hút sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội với thiếu niên nhi đồng, đặc biệt là thanh thiếu nhi tài năng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.

Lễ hội trăng rằm năm 2015 “Vầng trăng cổ tích” mang tới cho các em thiếu nhi một món quà đặc biệt với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc như: Múa lân, rước đèn, Belly Dance, khiêu vũ thể thao, biểu diễn xiếc, ảo thuật (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) và các tiểu phẩm vui tươi, nhẹ nhàng qua sự kết hợp khé léo, sinh động và dí dỏm của chị Hằng và chú Cuội.

Trong chương trình, Ban tổ chức và các nhà tài trợ trao 10 phần quà cho 10 bạn đội viên xuất sắc năm học 2014 -2015; tặng 80 xe đạp và 80 suất học bổng (mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng) cho 80 thiếu nhi tiêu biểu vượt khó vươn lên học tập trong toàn tỉnh./.

* Gần 100 mô hình đèn Trung thu "khổng lồ" tại Tuyên Quang

Tối 26/9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức khai mạc Đêm hội Thành Tuyên năm 2015. Dự lễ khai mạc có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và đông đảo người dân Tuyên Quang, du khách gần xa tới dự.

Để chuẩn bị cho rằm Trung thu, ngay từ đầu tháng 7, các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và đại diện các huyện đã lên kế hoạch xây dựng những mô hình đèn Trung thu khổng lồ để tham gia đêm hội. Gần 100 mô hình đèn Trung thu khổng lồ đều do người dân tự làm, mỗi mô hình mang một hình dáng, ý nghĩa khác nhau tạo nên một đêm Rằm Trung thu đa sắc màu, sinh động không những mang lại niềm vui cho các em thiếu nhi vùng cao mà còn đặt nền móng cho hoạt động văn hoá, góp phần quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch của Tuyên Quang.

Mô hình đèn Trung thu khổng lồ tại Tuyên Quang

Đêm hội Thành Tuyên là lễ hội thường niên của tỉnh Tuyên Quang được tổ chức vào mỗi dịp Tết Trung thu. Đêm hội nhằm giới thiệu với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh, con người và các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị lịch sử, của quê hương cách mạng, Thủ đô khu giải phóng-Thủ đô kháng chiến. 

Đêm hội Thành Tuyên năm 2015 là đầu cầu duy nhất cùng với Hà Nội trong cả nước trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp Lễ hội Mặt trăng, Thắp sáng ước mơ năm 2015. Tại đêm hội UBND tỉnh Tuyên Quang đã trao nhiều suất quà cho các em thiếu nhi vượt khó học giỏi.

Đặc biệt Đêm hội Thành Tuyên năm nay gắn với Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ V đã thu hút đông đảo hàng vạn du khách trong và ngoài nước tham dự.

* Chương trình "Vầng Trăng yêu thương" tại xã miền núi Thạch Ngàn (Nghệ An)

Tối 26/9, không khí vui hội trăng rằm của trẻ em xã miền núi Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An) thật rộn ràng, tươi vui. Đây là năm đầu tiên các em thiếu nhi xã miền núi Thạch Ngàn đón Tết Trung thu trọn vẹn khi có sự chung tay phối hợp tổ chức giữa các anh chị phóng viên, nhà báo trong Câu lạc bộ Liên quân báo chí Nghệ An và chính quyền địa phương xã Thạch Ngàn.

Dưới ánh trăng sáng, hơn 1.000 thiếu nhi xã Thạch Ngàn được đón nhận phần quà và hát vang các bài hát quen thuộc: Rước đèn trung thu, Chiếc đèn ông sao...; cùng tham gia các trò chơi dân gian do "chú Cuội" và "chị Hằng" hóa vai cùng tổ chức. Đây là một bức tranh đầy sức sống, nhộn nhịp trong đêm hội trăng rằm tại xã miền núi Thạch Ngàn.

Xã Thạch Ngàn là một trong những xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông (Nghệ An), nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Thái và một số nhỏ dân tộc Đan Lai sinh sống; người dân nơi đây sống chủ yếu vào việc làm nương rẫy, đời sống kinh tế khó khăn. Khi bữa ăn hàng ngày, mảnh áo che thân cũng đang là nỗi lo đối với nhiều gia đình nơi đây thì việc có bánh trung thu, có đèn ông sao, được bố mẹ dẫn đi chơi trong dịp Tết Trung thu cũng là một điều quá xa lạ với các em nhỏ tại xã Thạch Ngàn.

Cảm thông với những khó khăn, thiếu thốn của các em, với mong muốn cho các em thiếu nhi có một Tết Trung thu ấm áp nghĩa tình, Câu lạc bộ Liên quân báo chí Nghệ An cùng các nhà hảo tâm khác đã không ngại khó khăn tổ chức đêm hội trăng rằm mang tên "Vầng Trăng yêu thương" giành cho các em thiếu nhi xã Thạch Ngàn. Trong buổi lễ, Câu lạc bộ Liên quân Báo chí Nghệ An đã trao tặng 60 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, 500 suất quà gồm: sữa, sách, vở và đồ dùng học cho các em thuộc các điểm bản khó khăn.

* Thái Nguyên tổ chức thi sáng tạo đèn Trung thu

Tối 26/9, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra chương trình “Vui hội Trăng rằm 2015” với sự tham của trên 1.000 cháu thiếu nhi đến từ 27 đơn vị xã, phường trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên.

Gần 20 tiết mục văn nghệ đặc sắc đã được các diễn viên không chuyên nhí mang tới chương trình. Đây là những tiết mục được dàn dựng công phu, hoành tráng với nội dung vui tươi, đón mừng Tết Trung thu trong không khí toàn Đảng, toàn dân hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Điểm nhấn của chương trình là cuộc thi “Đèn Trung thu sáng tạo” với sự tham gia của 27 chiếc đèn Trung thu cỡ lớn đại diện cho 27 xã, phường trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên. Mỗi chiếc đèn mang một sắc thái riêng, biểu tượng riêng, mang đậm tính sáng tạo của mỗi đơn vị xã, phường. Nhiều chiếc đèn tạo được ấn tượng đặc biệt đối với người xem như: mô hình đèn Trung thu “Cây đa – Chú Cuội”; mô hình đèn mang biểu tượng khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đối với nước ta; mô hình đèn kéo quân truyền thống…

Chương trình đã thu hút hàng nghìn người dân và các cháu thiếu nhi trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên tham dự, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày tết đặc biệt của thiếu nhi tỉnh Thái Nguyên./.

PV TTXVN tại các địa phương



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm