06/05/2021 08:01 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Các kế hoạch tạo dựng một hệ thống sàn đấu mới tại Đấu trường La Mã Colosseum đã được công bố ở Italy. Sàn đấu mới này, với những thanh gỗ được tạo hình một cách đặc biệt, sẽ mang lại một dáng vẻ khác cho đấu trường đã từng tồn tại gần 2.000 năm này.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Văn hóa Italy Dario Franceschini đã công bố thiết kế đoạt giải và cho biết công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Dự án phi thường
“Dự án sẽ trả lại cho chúng ta tầm vóc mà Colosseum đã từng có trong thời cổ đại. Nó sẽ mang đến cho du khách ý tưởng rõ ràng hơn về việc đấu trường trông như thế nào khi các đấu sĩ từng chiến đấu đến chết ở đó” - Alfonsina Russo, Giám đốc Colosseum, nói trong cuộc họp báo cuối tuần qua.
Bộ trưởng Văn hóa Italy ca ngợi đây là một “dự án phi thường”, cho phép du khách đi bộ trên một hệ thống sàn đấu mới và thẳng đến trung tâm Đấu trường La Mã. “Sàn đấu mới này sẽ phục vụ như một sân khấu cho các sự kiện văn hóa và du khách sẽ có thể nhìn thấy đấu trường như nó đã tồn tại cho đến thế kỷ 19” - Franceschini nói thêm.
Chiến trường trước đây của các đấu sĩ - lần đầu tiên được tổ chức cách đây gần 2.000 năm, tức là vào vào năm 80 sau Công nguyên - đã bị các kiến trúc sư dỡ bỏ phần sàn đấu trường từ hồi thế kỷ 19 với hy vọng có thể nhìn thấy các lối đi dưới lòng đất của nó.
Milan Ingegneria, một công ty kỹ thuật từ Milan đã đánh bại 10 đối thủ với thiết kế sàn đấu mới bằng thanh gỗ của họ. Dự án này tốn kém 22 triệu USD (khoảng 18,5 triệu euro) và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Mục tiêu chính của dự án là “bảo vệ và bảo tồn các cấu trúc khảo cổ học từ trước” như lời Bộ Văn hóa Italy tuyên bố trong thông cáo báo chí.
Ông Russo cho biết thêm: “Hệ thống ngầm phức tạp dưới mặt sàn bằng gỗ, với các cửa sập, tời kéo và các loại máy móc di động, sẽ giúp đưa người, quái thú và đạo cụ lên sàn đấu trường”.
Trong quá trình xây dựng lần này, các chuyên gia đặc biệt chú tâm tới tính bền vững của sàn mới với các vật liệu “cực kỳ nhẹ”. Mặt của sàn sẽ được lát bằng các tấm carbon được bao phủ bằng gỗ Accoya. Một số thanh gỗ sẽ xoay để truyền ánh sáng tự nhiên đến các cấu trúc. Sân khấu trên bề mặt dự kiến sẽ nhẹ và linh hoạt, có thể cung cấp thông gió cho những tàn tích bên dưới nó. Nước mưa tập trung ở các tầng thấp sẽ được tích trữ và sử dụng cho các nhà vệ sinh tại di tích La Mã.
Sàn đấu mới sẽ có diện tích 3.000m2 và trải khắp Đấu trường La Mã (hiện không có sàn), bao phủ phần còn lại của các bức tường và đường hầm từng nằm dưới sàn đấu trường. Sau khi được lắp đặt, du khách sẽ có thể đứng ở trung tâm của Colosseum, cùng một góc nhìn mà các đấu sĩ và nô lệ từng buộc phải trải qua khi chiến đấu ở La Mã thời cổ đại.
Theo Bộ Văn hóa Italy, sàn đấu mới có thể dễ dàng bị dỡ bỏ trong tương lai nếu có kế hoạch khác để trùng tu di tích.
Bộ trưởng Franceschini cho biết: “Đó là một bước tiến khác trong việc phục dựng lại đấu trường, một dự án đầy tham vọng sẽ hỗ trợ việc bảo tồn các cấu trúc khảo cổ học, đồng thời phục dựng lại hình ảnh ban đầu của Đấu trường La Mã ”.
Ông nói thêm rằng trong tương lai, Colosseum cũng sẽ được sử dụng để tổ chức các sự kiện văn hóa.
Colosseum qua các thời kỳ
Colosseum là đấu trường cổ đại lớn nhất vẫn còn tồn tại, được biết đến đầu tiên với cái tên Amphitheatrum Flavium theo tiếng Latinh hoặc Anfitea tro Flavio theo tiếng Italy, sau này gọi là Colosseum hay Colosseo. Đấu trường được xây dựng ở Roma cách đây 2.000 năm, vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên dưới thời hoàng đế Vespasian. Đây là công trình lớn nhất được xây ở Đế chế La Mã, hoàn thành vào năm 80 sau Công Nguyên dưới thời Titus và có nhiều chỉnh sửa dưới thời hoàng đế Domitian.
Đấu trường La Mã được xây dựng bằng đá vôi travertine, đá tuff (đá núi lửa) và có bề mặt lát gạch, có thể chứa khoảng 50.000 đến 80.000 khán giả. Đấu trường được sử dụng cho các cuộc chiến đấu của đấu sĩ và các buổi biểu diễn công cộng bao gồm săn bắt động vật, hành quyết, tái hiện các trận chiến nổi tiếng cũng như các điển tích thần thoại La Mã.
Kể từ khi hoàn thành, đấu trường Colosseum vẫn được sử dụng trong gần 500 năm với những bằng chứng ghi chép được về trận đấu thế kỷ 6 - rất lâu sau khi Đế chế La Mã sụp đổ năm 476. Trong thời Trung cổ, công trình này dần dần không được sử dụng làm nơi giải trí.
Vào cuối thế kỷ thứ 6, một nhà thờ nhỏ được xây dựng ở bên trong của đấu trường và sân đấu của nó trở thành một nghĩa trang. Nhiều khoảng không bên dưới những bậc thang được sử dụng làm chỗ ở hoặc xưởng thủ công và người ta tiếp tục khai thác theo cách này cho tới tận thế kỷ 12. Sàn đấu trường ban đầu đã bị dỡ bỏ vào những năm 1800, khi các cuộc khai quật khảo cổ học được thực hiện ở các tầng thấp hơn của di tích.
Hồi năm 2011, Diego Della Valle, người đứng đầu hãng giày Tod's, đã ký một thỏa thuận với các quan chức địa phương để tài trợ 25 triệu euro trùng tu Đấu trường La Mã. Công việc được lên kế hoạch bắt đầu vào cuối năm 2011, kéo dài đến hai năm rưỡi.
Việc trùng tu gắn với các thao tác làm sạch và tu bổ toàn diện lần đầu tiên trong lịch sử của Colosseum. Dự án cũng khôi phục mặt tiền có hình vòng cung của Đấu trường và thay thế các vỏ bọc kim loại chặn các mái vòm trên mặt đất. Mất 3 năm, dự án mới hoàn thành và được công bố vào ngày 1/7/2016.
Thời gian qua, bắt đầu từ ngày 26/4, du khách lại được phép vào bên trong Đấu trường La Mã sau khi nó bị đóng cửa hơn 40 ngày do đại dịch Covid-19. Hiện tại, có tới 1.260 người được phép vào thăm mỗi ngày và phải đi bộ theo theo lối đi một chiều xuyên qua cấu trúc của đấu trường. Trước đại dịch, Colosseum thu hút trung bình 25.000 du khách/ngày với kỷ lục hơn 7 triệu lượt khách/năm.
Làm bối cảnh cho nhiều màn hòa nhạc Dù không còn toàn vẹn, Colosseum vẫn được xem là biểu tượng của Đế chế La Mã và là một trong những mẫu kiến trúc La Mã đẹp nhất còn tồn tại. Do tình trạng đổ nát của bên trong như hiện nay, việc sử dụng Colosseum để tổ chức các sự kiện lớn là không thực tế - khi nó chỉ có thể chứa được vài trăm khán giả với những chỗ ngồi tạm bợ. Tuy nhiên, nhiều buổi hòa nhạc lớn hơn nhiều đã được tổ chức bên ngoài và sử dụng Đấu trường La Mã làm bối cảnh. Những nghệ sĩ biểu diễn từng tổ chức hòa nhạc bên ngoài Colosseum như Ray Charles (tháng 5/2002), Paul McCartney (tháng 5/2003), Elton John (tháng 9/2005) và Billy Joel (tháng 7/2006). |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất