(lienminhbng.org) -
Cuộc khai quật kéo dài 10 tháng của Viện Khảo cổ học Việt Nam tại điện Kính Thiên đã làm phát lộ nhiều thông tin đặc biệt về di tích được coi là trung tâm chính trị - văn hóa của quần thể Hoàng Thành.Được xây dựng vào năm 1428 và thường xuyên tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của vương triều Hậu Lê, Điện Kính Thiên đã bị người Pháp phá hủy vào cuối thế kỷ 19 và chỉ còn một vài kiến trúc cổ. Đợt khai quật trên diện tích 100m2 (diễn ra từ tháng 2 đến tháng 12 vừa qua) là sự tiếp nối của một số cuộc khai quật từng được Viện Khảo cổ học tiến hành trong 2 năm qua.
Dấu vết đường dẫn nước thời Trần, chạy thẳng và ngoặt vuông góc về hướng Bắc
Trung tâm hành chính xuyên suốt 3 vương triềuTrước đó, trong nhiều năm, việc xác định trung tâm hành chính của các vương triều Lý, Trần, Hậu Lê (gồm cả Lê sơ và Lê trung hưng) vẫn là một câu hỏi lớn với các chuyên gia. Luồng ý kiến đầu cho rằng trong suốt 3 triều đại, không gian này được cố định tại khu vực quanh dấu tích Điện Kính Thiên và cổng Đoan Môn hiện tại. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng trung tâm hành chính thời Lý - Trần nằm ở phía đối diện, tức là khu vực 18 Hoàng Diệu, cạnh nhà Quốc hội đang xây dựng.
Tuy nhiên, trong đợt khai quật vừa qua, nhiều dấu tích kiến trúc phong phú và có tính biểu trưng của thời Lý Trần đã phát lộ tại khu vực gần Điện Kính Thiên cũ. Cụ thể, dấu tích thời Trần bao gồm một nền móng tường lớn và 16 móng trụ chạy theo hướng Bắc - Nam cùng hệ thống nền gạch và 7 dấu tích “bồn hoa”. Tương tự, dấu tích thời Lý được tìm thấy với 14 móng trụ sỏi nằm thẳng hàng và một nền lát gạch vuông khá hoàn chỉnh với 7 viên màu đỏ tươi kích thước 38 x 38 cm.
Đặc biệt, Viện Khảo cổ học VN đã phát hiện vết tích một đường thoát nước lớn thời Trần với bề rộng gần 50cm, sâu 1,5m, dài 16m. Đường nước này được xây bằng gạch có dòng chữ Hán “Vĩnh Ninh Trường” (loại gạch chuẩn có niên đại thời Trần), chạy dài theo chiều Đông Tây rồi rẽ vuông góc sang phía Bắc.
Cùng với những kết quả khai quật trước đó, gần như quy mô và diện tích của sân Điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định rõ với kết cấu hình vuông, rộng hơn 1 hecta (kích thước mỗi chiều khoảng 125m) và kiến trúc Giải vũ (nhà phụ) được xây thêm ở 2 bên trong thời Lê trung hưng. Ngoài ra, dù còn một vài tồn nghi, các dấu vết kiến trúc thời Lý - Trần tại đây cũng cho thấy: gần như chắc chắn, các vương triều này cũng đặt “không gian hành chính” tại nền đất sẽ là Điện Kính Thiên sau này.
Sẽ khai quật liên tục trong 5 năm tới?Trong cuộc họp sáng qua 11/12, hàng loạt chuyên gia khảo cổ đã lên tiếng đề nghị được tiếp tục mở rộng khai quật khu vực điện Kính Thiên và thành cổ Hà Nội trong thời gian tới. Theo những ý kiến này, việc khai quật dài hơi như vậy là lựa chọn hợp lý nhất để có thể từng bước đưa ra một kết luận tổng thể về cấu trúc và giá trị của Hoàng thành Thăng Long - di sản vật thể duy nhất của Hà Nội được UNESCO vinh danh - cũng như phục vụ các kế hoạch khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị sau này.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Bích Liên đã yêu cầu Viện Khảo cổ lập đề án quy hoạch khảo cổ chi tiết khu vực thành cổ Hà Nội trong 5 năm để gửi lên các cơ quan chức năng.
“Nhiều ý kiến trước đây đã nhắc tới nhu cầu phục dựng điện Kính Thiên từ những dấu tích hiện tại. Tuy nhiên, với những kết quả liên tục gây ngạc nhiên trong các đợt khai quật, tôi nghĩ chúng ta cần có một thời gian tìm hiểu lâu dài trước khi nghĩ tới việc này” -PGS Tín nói. “Thực tế, tại Nhật Bản, di tích cố đô Nara cũng đã trải qua 50 năm nghiên cứu và khai quật, trước khi bắt đầu được phục dựng từng bước”.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa