Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để dân đói khát do nắng hạn

25/03/2016 11:40 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngay sau cuộc thị sát tình hình hạn hán tại Gia Lai, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên để bàn giải pháp khắc phục nắng hạn khắc nghiệt với phương châm không để dân khát, dân đói và bị dịch bệnh do nắng hạn gay gắt gây ra.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Mỗi tỉnh trong khu vực phải ban hành nghị quyết, chỉ thị chuyên đề về tình hình hạn hán hiện nay với các biện pháp cụ thể đối với địa phương, qua đó hướng dẫn nhân dân nắm được tình hình.

Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng cộng đồng đối phó với tình hình khốc liệt hiện nay.

Về lâu dài, các bộ, ngành, địa phương phải điều tra, quy hoạch việc sử dụng nguồn nước ở Tây Nguyên.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: Trước mắt, phải vận động, tuyên truyền nhân dân sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nước cho sinh hoạt, vật nuôi và cây trồng. Các hồ thủy điện, thủy lợi phối hợp với các địa phương để tính toán xả nước.

Hệ thống ngân hàng vào cuộc xem xét hoãn, giãn cho dân các khoản vay để vượt qua lúc khó khăn này. Về giải quyết gạo để nhân dân không bị đói, Phó Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 4 tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 500 tấn gạo cấp cho nhân dân.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị quân đội có giải pháp hỗ trợ người dân, báo cáo Bộ Quốc phòng xem xét nếu vượt quá thẩm quyền của quân khu. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc phòng chống cháy rừng, chủ động kiểm tra, đánh giá thường xuyên, xuống tận cơ sở để nắm bắt tình hình, cuộc sống của người dân để có giải pháp kịp thời.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài đến hết tháng 4, hiện nay mực nước sông ở các tỉnh rất thấp. Hạn hán đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân.

Bộ NN&PTNT cho rằng, bên cạnh các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc cấp nước, bảo đảm sản xuất; thực hiện tốt công tác dự báo; tăng cường tuyên truyền về tình hình khí hậu và sử dụng tiết kiệm nước; rà soát cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý; xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ thủy điện để bổ sung cho hạ du; điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp với điều kiện nguồn nước; đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ đập thủy lợi ở các vùng có nguy cơ hạn hán.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, khu vực Tây Nguyên có nhiều con sông lớn nhưng vào mùa mưa năm 2015, trên hầu hết các lưu vực sông ở miền Trung và Tây Nguyên đều không có lũ. Từ đầu năm 2016 đến nay, mực nước trên các sông ở khu vực Tây Nguyên xuống dần và ở mức thấp, nhiều hệ thống sông xuất hiện mực nước thấp lịch sử, lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20-50%, có nơi trên 60%.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi người dân đang chịu hạn. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên có dung tích trữ chỉ còn 30-40% dung tích thiết kế, nhiều hồ đập thấp hơn cùng kỳ năm 2015.

Để giải quyết cấp nước sinh hoạt cho khoảng 28.300 hộ gia đình đang bị thiếu nước sinh hoạt hiện nay và trong thời gian tới có thể lên đến khoảng 59.000 hộ, ngoài việc ưu tiên sử dụng nguồn nước còn lại tại các hồ chứa thủy lợi nhỏ, cần tập trung khoan giếng, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại chỗ hoặc có thể dẫn đi xa để cấp nước sinh hoạt cho người dân và tưới cho cây lâu năm.

Bên cạnh đó, cần triển khai lập bản đồ quy hoạch và tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở khu vực thường xuyên hạn hán; lập quy hoạch tài nguyên nước; tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo; xây dựng hạ tầng quan trắc, giám sát việc vận hành các hồ chứa lớn cho phù hợp với tình hình hiện nay; xây dựng và thực hiện các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự phân kỳ, xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn và nguồn lực có được trong từng giai đoạn để lựa chọn kịch bản phù hợp nhất cho địa bàn.

Trên cơ sở kiến nghị của các tỉnh về cấp gạo cho người dân, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, Bộ Tài chính sẵn sáng báo cáo Chính phủ cấp ngay cho các tỉnh Tây Nguyên mỗi tỉnh 500 tấn gạo để người dân không đói, khát trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, các tỉnh cần có phương án tiếp nhận, cấp phát gạo cho đúng đối tượng, bảo đảm chất lượng gạo khi cấp cho người dân sử dụng.

Theo Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm