Arsenal: Tái thiết, tái thiết nữa, tái thiết đến bao giờ?

28/08/2012 11:34 GMT+7

(TT&VH) - HLV Arsene Wenger nói rằng ông đã quá quen với vấn đề tái thiết đội bóng. Thông điệp vui: CĐV Arsenal không cần quá lo lắng trước sự khởi đầu chật vật vì nhờ tài năng của Wenger, họ sẽ nhanh chóng đứng dậy, càng đá càng hay như mùa trước. Thông điệp buồn: hai, ba năm nữa, HLV người Pháp có thể tiếp tục tái thiết.

1. Khi Robin van Persie ra đi, Arsenal không còn bất cứ cầu thủ nào thuộc đội hình vô địch Cúp FA năm 2005 (Djourou đã có mặt ở Arsenal từ 2004 nhưng không đá Cúp FA hay Premier League mùa 2004-05), danh hiệu gần nhất của họ. Một biểu tượng đẹp lung linh, một tượng đài mang tính lịch sử, những tài năng xuất chúng..., tất cả đã biến mất hoàn toàn chỉ sau 7 năm. 7 năm ấy là 7 năm trắng tay, với 4 đội trưởng đã ra đi, mục tiêu lớn nhất trong mỗi mùa bóng là lọt vào tốp 4 và thực tế Arsenal chưa bao giờ vượt qua vị trí thứ 3 Premier League từ sau mùa 2004-05.

Một câu hỏi: Ai là cầu thủ đá nhiều trận nhất cho Arsenal trong đội hình hiện tại? Câu trả lời: Theo Walcott. Cầu thủ người Anh ký hợp đồng với Arsenal vào đầu năm 2006 và chính thức gia nhập đội bóng vào mùa Hè ấy. Và anh chỉ mới 23 tuổi mà thôi. Trận gặp Stoke vừa qua là trận thứ 222 của Walcott cho Arsenal, một thành tích đáng nể đối với một cầu thủ còn trẻ như thế, nhưng quá nhỏ bé khi đặt bên cạnh 910 trận của Giggs và 698 trận của Scholes cho M.U, 703 trận của Jamie Carragher và 584 trận của Steven Gerrard cho Liverpool, 562 trận của Frank Lampard và 547 trận của John Terry cho Chelsea.

2. Hợp đồng giữa Arsenal và Walcott chỉ còn 1 năm nữa là hết hạn. Đến thời điểm này, Arsenal vẫn chưa thể thuyết phục Walcott ký hợp đồng mới. Vào mùa Hè sang năm, Walcott có thể ra đi theo dạng tự do, chuyển đến CLB khác, nhận khoản tiền lót tay trị giá cả chục triệu bảng, hưởng mức lương cao hơn bất kỳ cầu thủ nào của Arsenal hiện tại.


Tái thiết, tái thiết nữa, tái thiết đến bao giờ, Arsenal? - Ảnh Getty

Trận làm khách ở Stoke đêm Chủ nhật, 8/11 vị trí chính thức của Arsenal đến sân Emirates từ sau năm 2009. 3 người còn lại, thủ môn chuyên dự bị Mannone, hậu vệ trái Gibbs và tiền vệ Diaby, cũng là những người hiếm hoi biết được hình dáng sân cũ Highbury như thế nào.

Nếu Arsenal khởi đầu tốt ở mùa này, ghi bàn ầm ầm vào lưới đối phương, đó mới là điều bất thường. Còn chuyện tịt ngòi 2 trận liên tiếp thì quá dễ hiểu, mới là bình thường. Những cầu thủ tấn công của Arsenal ở sân Britannia của Stoke gồm Arteta, Cazorla, Poldoski, Giroud và Gervinho. Arteta và Gervinho chỉ mới gia nhập Arsenal cách đây 1 năm, trong đó người đầu tiên đã được chọn làm đội phó. Cazorla, Poldoski và Giroud là bộ ba tân binh ở Hè này, được mua về nhờ số tiền thu lại từ hai vụ bán van Persie và Song. Với hàng công mà thời gian sát cánh bên nhau chỉ được tính bằng phút, bằng giờ, Arsenal làm sao có thể đá tốt cho được, và sẽ thật vô lý nếu người hâm mộ đòi hỏi họ phải thi đấu ăn ý, phối hợp nhịp nhàng và đầy biến hóa.

3. Từ sau thế hệ 2004-05, Arsenal không biết bao nhiêu lần phải tái thiết. Tái thiết hàng thủ sau sự ra đi của Sol Campbell, Ashley Cole. Tái thiết tuyến giữa khi Flamini, Hleb, Fabregas, Nasri và mới nhất là Song rời bỏ Emirates. Tái thiết hàng công là câu chuyện quen thuộc. Cứ tiền đạo nào xuất sắc nhất là bị/được bán. Henry, rồi Adebayor, và giờ đến lượt van Persie.

Wenger quả thực quá quen với những cuộc tái thiết. Nhưng ở các CLB lớn khác, tái thiết là để hướng đến sự ổn định, phát triển, gặt hái thành quả, hướng đến các danh hiệu. Còn ở Arsenal, mục tiêu lớn nhất của cuộc tái thiết có lẽ chỉ là suất dự Champions League. May mắn thì hoàn thành mục tiêu. Lỡ gặp vận đen thì thảm họa sẽ ập xuống.

Trong vòng 1 năm trở lại đây, Wenger đã thực hiện cuộc tái thiết rầm rộ nhất sau sự ra đi của 5 trụ cột là Fabregas, Nasri, Clichy, van Persie và Song. Nhưng có lẽ ngay từ bây giờ, ông đã nghĩ đến cuộc tái thiết tiếp theo...

ĐỨC LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm