06/04/2021 11:00 GMT+7 | Giải trí
(lienminhbng.org) - LTS: Kể từ hôm nay, thứ Ba, 6/4/2021, báo Thể thao và Văn hoá ra mắt chuyên mục "Nhạc Việt ngày nay". Đây là chuyên mục hằng tuần do các cây bút phê bình am tường về âm nhạc đảm nhận, nhằm đánh giá dưới góc độ chuyên môn sâu các tác phẩm, chương trình nhạc Việt đang được dư luận quan tâm.
Chúng tôi để một thang điểm trên 10 ở cuối trang báo, để các cây viết có thể mạnh dạn "chấm điểm" các tác phẩm mà mình vừa mổ xẻ. Đó cũng là một cách để "lượng hoá" các đánh giá trong toàn bài phê bình như cách mà báo chí phương Tây vẫn làm khi phê bình âm nhạc.
Sao cha không vẫn mang những “đặc trưng” âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh ở cái chất tự sự, ở cái nét riêng mang màu sắc trữ tình nội tâm, ở tuyến đi của giai điệu đơn giản chứ không rườm rà, quãng không quá rộng, cái cách nói chuyện với chính mình lại chính là điểm riêng, điểm mạnh góp phần tạo sức hút với người nghe.
1. Thường khi một ca khúc thể hiện mang tính tự sự man mác buồn sẽ liên tưởng đến giọng thứ, nhưng ở “Sao cha không” là màu sắc giọng trưởng. Mở đầu giống như nhiều bài mang tính tự sự phần nhạc nền khá đơn giản khi chủ yếu nổi bật 2 yếu tố là giọng hát và tiếng đàn piano trên nền dàn nhạc xuất hiện gần như chỉ ở thứ yếu. Cũng vì vậy, sự xuất hiện tăng cường âm lượng của dàn nhạc ở phía sau tạo nên những nét mới, tạo sự tương phản về âm lượng, dần đưa người nghe lên những cung bậc cảm xúc của tác phẩm.
Có thể nói, đây là một bài hát với hòa âm khá chắc tay và một bản phối có tư duy giao hưởng.
Thú thật không phải tuýp người thích nghe nhạc kiểu như của Phan Mạnh Quỳnh, nhưng nó lại rất quen đối với tôi. Nó đến với tôi như một sự “cưỡng bức”. Tôi tiếp nhận nó kiểu dửng dưng thôi kệ chứ không quyết liệt chối bỏ.
Sao lại dửng dưng thôi kệ khi tiếp nhận? Thực ra không dửng dưng cũng chẳng được, vì nó vang lên mọi nơi, đi ra phố, vào hàng cafe, gặp một nhóm thanh niên, trở về nhà lên mạng, bật ti-vi game-show, văng vẳng đâu đó từ bên nhà hàng xóm hướng nam, hướng bắc, hướng đông, hướng tây. Như trường hợp của ca khúc “Sao cha không” đang làm “mưa gió” trong những ngày này và trước đó “Có chàng trai viết lên cây”, trước đó nữa là “Vợ người ta”. Nhưng tại sao lại không chối bỏ tiếp nhận kiểu “cưỡng bức”? Bởi nó không ảnh hưởng gì tới tư duy cũng như thẩm mỹ của cá nhân tôi. Nói cách khác, dù không phải nhu cầu thưởng thức nhưng nó là những tác phẩm nghệ thuật, đã tồn tại trong đời sống thì nó xứng đáng là một bông hoa với những nét riêng.
Nhạc của Phan Mạnh Quỳnh ở “Sao cha không” đâu đó bóng dáng của Jimmy Nguyễn thời những năm thập niên 90 thế kỷ trước cả trong lời ca, giai điệu, cách phát âm nhả chữ khi hát. Với không ít ca khúc về mẹ cha, người nghe dễ có nhiều cung bậc cảm xúc từ dạt dào đến nghẹn ngào thậm chí nước mắt trực trào. Điều đó không ít lần bắt gặp với nhiều ca khúc là sáng tác của các nhạc sĩ nhiều thế hệ, mà ở đây chỉ tạm kể ra đôi ba bài, chẳng hạn như Nhật ký của mẹ (Nguyễn Văn Chung) hay Ba kể con nghe (Nguyễn Hải Phong), hay Mẹ tôi (Trần Tiến)...
Dường như tôi chưa cảm nhận được điều đó trong Sao cha không. Vì vậy, ở thời điểm ca khúc mới phát hành và có sự thành công vượt trội có thể phần nhiều do hiệu ứng tác động từ nhiều yếu tố cộng lại. Tất nhiên, một tác phẩm âm nhạc đại chúng để đi sâu vào trong tâm hồn người nghe cũng cần có thời gian, đồng hành trải nghiệm về cuộc đời của người nghe. Và khi đã nói đến điều này, tôi không coi Sao cha không nằm trong nhóm bài hát thời điểm mà coi nó như một tác phẩm âm nhạc đại chúng nghiêm túc, nên cũng cần cho Sao cha không thêm thời gian để “găm” vào tâm hồn người nghe.
Nói gì thì nói, đó chỉ là cảm nhận ở góc độ cá nhân. Còn khi nhìn nó ở bình diện rộng hơn đó là thời điểm xã hội hiện nay với nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng phải công bằng nói Phan Mạnh Quỳnh là một trường hợp thú vị. Thú vị ngay từ cách “chào làng” nhạc. Trong thời điểm âm nhạc đang có những xu hướng rất mới, rất trend, theo trend của khu vực với thế giới, nào là Hàn Quốc, nào là underground âm ỉ bấy lâu đang dần trực trào phun lửa thì bỗng dưng Phan Mạnh Quỳnh xuất hiện và đi ngược lại.
Một cái đám cưới quê quê, những hình ảnh rất đại diện cho kiểu đám cưới làng và một anh chàng trông rất ngây thơ, thư sinh, hiền hiền cất tiếng hát cho người yêu đi lấy chồng mà không hề ỉ ôi não nề mà ngược lại có gì đó thật thà, trong sáng dù cũng vẫn có cảm giác hờn dỗi, nuối tiếc, để chúc mừng người yêu cũ đang xúng xính áo váy sẵn sàng trở thành “Vợ người ta”. Điều đó tạo sự khác biệt của Phan Mạnh Quỳnh khiến anh xuất hiện và có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng từ Bắc chí Nam. Cho nên ở thời điểm “Vợ người ta” xuất hiện, có lẽ không ít người ban đầu có cảm giác có gì đó hơi xàm, nhưng cũng có gì đó hay hay kiểu “bọn trẻ giờ nó thế”, tạo cảm giác sảng khoái khi nghe.
Trailer phim "Bố già":
Thực ra, đó chính là cái riêng tạo thành cái tôi âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh. Nghe mãi thành nếp, đi mãi thành đường. Con đường và cái riêng trong nhạc của Phan Mạnh Quỳnh ngày một định hình ở cái chất tự sự, kiểu tự mình kể chuyện đời mình với chính mình chứ không phải tâm sự với một bạn hữu. Nghe nhạc của Phan Mạnh Quỳnh với chính phần thể hiện của anh giống như kiểu anh chàng nghệ sĩ có điều gì đó như quên sự đời, quên xung quanh, tự mình hát không cần biết tới những thứ khác. Và cái chất ấy ngày càng định hình rõ hơn khi xuất hiện “Có chàng trai viết lên cây”. Nó cứ bảng lảng, một mình tự sự.
Tất nhiên viết nhạc cho phim dù ít hay nhiều đều phải nệ vào phim nhưng rõ ràng Phan Mạnh Quỳnh vẫn thể hiện được nét rất riêng của mình ở đấy. Cho nên dù Quỳnh đã sáng tác nhiều ca khúc, dù “Sao cha không” đang là tâm điểm chú ý của công chúng thì vẫn phải khách quan nói rằng “Có chàng trai viết lên cây” và “Vợ người ta” mới là những dấu mốc trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh. Trong khi đương nhiên, “Sao cha không” vẫn mang những “đặc trưng” âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh ở cái chất tự sự, ở cái nét riêng mang màu sắc trữ tình nội tâm, ở tuyến đi của giai điệu đơn giản chứ không rườm rà, quãng không quá rộng, cái cách nói chuyện với chính mình lại chính là điểm riêng, điểm mạnh góp phầm tạo sức hút với người nghe.
2. Trên thực tế, không thành công nào lại đến một cách không có lý do. Với nghệ thuật, không thành công nào tạo được hiệu ứng với khán giả mà lại đến từ các nghệ sĩ nhàng nhàng, thiếu cá tính. Nói cách khác, mọi người vẫn hay dùng câu “đúng người đúng thời điểm” thì Phan Mạnh Quỳnh là một trường hợp như vậy. Quỳnh xuất hiện đúng thời điểm và thời điểm đó đã chọn anh để xuất hiện. Ở đó, đúng thời điểm thì tạo được sự chú ý. Còn đúng người thì rõ ràng người được chọn đó phải hội đủ các yếu tố để sáng tạo nên những giá trị được cộng đồng đón nhận. Thậm chí một câu, một ý còn bứt ra khỏi không gian âm nhạc để trở thành câu nói quen xuất hiện rộng rãi trong cộng đồng. Cái kiểu chẳng quan tâm đến đời, cứ tự dùng tiếng hát để tâm sự với chính mình chỉ là phong cách riêng.
Còn nội dung ca từ của Phan Mạnh Quỳnh từ “Vợ người ta” đến “Có chàng trai viết lên cây” và “Sao cha không” thì Quỳnh vẫn hướng tới những nội dung gần với nhiều người từ câu chuyện cuộc đời, câu chuyện cảm xúc tình yêu đôi lứa đầy chất ngôn tình, cảm xúc gia đình… Và vì vậy, dù không phải fan của Phạm Mạnh Quỳnh, dù ca khúc của anh không nằm trong nhu cầu thưởng thức âm nhạc đại chúng của tôi, dù đương nhiên mỗi tác phẩm sáng tác có chất lượng nghệ thuật cũng như số phận khác nhau thì vẫn phải khẳng định một điều, Phan Mạnh Quỳnh là một người tài. Và thời điểm này vẫn đang độ sung sức trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật của anh.
Nếu được cho chấm một thang điểm, với tôi các nghệ sĩ có thể làm được nghề, tồn tại với nghề sẽ đứng ở vị trí từ 5 đến 10 điểm. Trường hợp Phan Mạnh Quỳnh, anh xứng đáng ở vị trí tốp xuất sắc trong mảng âm nhạc đại chúng khi dung hòa giữa thị trường và nghệ thuật. Với tôi, bài hát Sao cha không Phan Mạnh Quỳnh ở tầm của điểm 8,5.
Ca khúc "Sao cha không" - phim "Bố già"
“Sao cha không” hòa cùng cơn sốt “Bố già” Sao cha không là ca khúc nhạc phim Bố già. Ca từ của bản nhạc giống như “tâm thư chưa từng được tiết lộ” của con trai gửi đến bố của mình. Và chính sự mộc mạc, chân thành rất đặc trưng trong sáng tác của Phan Mạnh Quỳnh đã giúp câu chuyện của Bố già bản điện ảnh tìm được sự đồng cảm và khiến bất kỳ ai cũng có thể thấy mình trong đó. MV nhạc phim Sao cha không được công bố tối 12/3 và lọt Top 5 trending YouTube với hơn 2,8 triệu lượt xem sau đúng 24 tiếng công chiếu. Trước đó, Sao cha không đã lập kỷ lục mới là MV nhạc phim đạt 1 triệu lượt xem nhanh nhất mọi thời đại, chỉ sau 4 giờ phát hành. Hiện tại, MV đã được 14,6 triệu lượt xem - nghe. Trên bảng xếp hạng của nhac.vn tuần 11, từ 15 – 21/3, Sao cha không xếp thứ 2, sau Lời xin lỗi vụng về của Quân A.P. Đến tuần 12, từ 22 – 28/3, Sao cha không leo lên vị trí thứ nhất, và đến tuần 13 vừa qua (từ 29/3 - 4/4) thì ở vị trí thứ 6. |
Điểm Cống hiến: 8,5/10 |
Nguyễn Quang Long
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất