05/08/2015 06:05 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tuần rồi, những người yêu động vật trên thế giới đã không khỏi vui mừng trước tin ban quản lý đền Gadhimai ở Nepal tuyên bố ngừng nghi lễ hiến tế động vật trong khuôn khổ lễ hội Gadhimai, từng đã khiến nửa triệu con vật bị giết trong cuộc "tắm máu" kéo dài 3 ngày.
Có thể nói, thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi quan trọng đã tới vào năm ngoái, khi lễ hội Gadhimai 2014, được ban tổ chức gọi là lễ hội hiến tế "lớn nhất, hoành tráng nhất" trong lịch sử, vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ các nhà hoạt động bảo vệ động vật.
Tòa án Tối cao Ấn Độ cũng yêu cầu các bang của nước này ngăn chặn hoạt động buôn lậu động vật ra khỏi biên giới tới Nepal để phục vụ lễ hội. Với việc số lượng động vật có thể bị giết tại Gadhimai 2014 tụt mất 70%, ban quản lý đền Gadhimai đã bị thiệt hại tài chính nặng nề.
Cùng với đó, sức ép bền bỉ tới từ các tổ chức bảo vệ động vật đã khiến họ phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, vẫn có lý do để thận trọng trước lệnh cấm hiến tế. Nguyên nhân do đây chỉ là "quyết định chính thức của đền Gadhimai", chứ không phải là một lệnh cấm có giá trị pháp lý, do chính quyền Nepal đưa ra.
Bằng tuyên bố cấm các cuộc hiến tế, đền Gadhimai đã thể hiện trách nhiệm đạo đức, khi chống lại các vụ sát hại động vật nhân danh thần thánh. Tuyên bố cũng đặt nền móng cho các cuộc chiến chống hoạt động hiến tế động vật trong mọi tôn giáo.
Tuy nhiên quy mô khổng lồ của Gadhimai, kết hợp với việc đối chiếu từ các trường hợp hiến tế, hiến tặng động vật tương tự từ đất nước Ấn Độ láng giềng, cho thấy tín ngưỡng khó có thể là lý do duy nhất dẫn tới việc giết hại một lượng lớn những con vật như thế.
Một nền kinh tế quanh hoạt động hiến tế
Để hiểu rõ gốc rễ hoạt động hiến tế ở Gadhimai, cần phải nhìn sâu vào đất nước Ấn Độ láng giềng. Ấn Độ có một nền kinh tế đặc thù, nơi các loại hàng hóa dựa trên động vật đóng vai trò quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế, "nhu cầu" thải loại các con vật không còn khả năng mang lại lợi ích kinh tế là điều không thể xem nhẹ.
Các lễ hội như Gadhimai đem tới cho một số bang nghèo nhất của Ấn Độ một giải pháp tiện lợi, giúp họ thoát khỏi các con vật đã trở thành gánh nặng tài chính lớn.
Một ví dụ minh họa rõ ràng là hoạt động "hiến tặng" động vật cho đền Simhachalam 1.000 năm tuổi ở Visakhapatnam (bang Andhra Pradesh). Giống nhiều bang khác ở Ấn Độ, Andhra Pradesh có các đạo luật chịu ảnh hưởng từ Hindo giáo, cấm ngặt hoạt động sát hại những con bò.
Để "lách luật", người ta đã mang chúng đi hiến tặng các ngôi đền như Simhachalam. Kết quả là mỗi năm, đền này đón nhận hàng chục ngàn con gia súc. Do không thể chăm sóc một lượng lớn gia súc, đền đã phải bán chúng cho các lò mổ.
Hoạt động này chỉ chấm dứt sau khi có sự can thiệp từ Hội chăm sóc và bảo vệ động vật Visakha (VSPCA). Tuy nhiên người dân vẫn tìm tới đền và hiến tế động vật, với số lượng lên tới hàng ngàn con trong suốt cả năm, đặc biệt là tại tháng 5 và tháng 6.
Chỉ đưa ra lệnh cấm là chưa đủ
Dựa trên những trải nghiệm từ quá trình đấu tranh bảo vệ động vật ở Ấn Độ, VSPCA thấy rằng hoạt động cấm hiến tế động vật ở Gadhimai sẽ không đơn giản.
Mối quan tâm đầu tiên là điều gì sẽ xảy ra với các con vật được người ta mang tới Gadhimai, nhưng không thể giết hại? Ở Simhachalam, lệnh cấm bán gia súc cho lò mổ đã chỉ khiến nhiều con vật chết dần vì đói, khát và bệnh tật. Chúng chắc chắn sẽ đối mặt với số phận bi thảm nếu không có sự can thiệp từ lực lượng bảo vệ động vật.
Các nhà hoạt động cho biết để tránh tình trạng này, người ta phải xây dựng các cơ sở chăm sóc bảo vệ động vật lớn, tại gốc rễ của vấn đề là các bang Bihar, Jharkhand, Tây Bengal và Uttar Pradesh ở Ấn Độ.
Ngoài ra, người ta cũng phải xử lý một vấn đề thực tế, rằng dân nghèo phải bán gia súc già cho các tín đồ mang đi hiến tế, để có tiền mua những con trẻ khỏe hơn và tiếp tục cuộc sống của họ. Nhà triết học nổi tiếng Arne Naess từng nói rằng mọi cuộc sống đều đáng trân quý, không chỉ của con người.
Tuy nhiên nếu những người nghèo nhất không được đảm bảo công bằng xã hội, họ sẽ rất khó chấp nhận triết lý này và bảo vệ động vật sẽ thành chuyện xa vời với họ.
Nepal, giống Ấn Độ, có các lệnh cấm giết bò. Tuy nhiên phần lớn các con vật bị giết ở lễ hội Gadhimai trước đây lại là bò. Điều này cho thấy luật pháp bảo vệ những con vật này chưa thực sự mạnh.
Cuối cùng, các chuyên gia chỉ ra rằng lệnh cấm của đền Gadhimai sẽ thiếu sức nặng khi không có sự ủng hộ từ nhà nước Nepal. Nói một cách khách, nếu không nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền để ngăn chặn quyết liệt hoạt động hiến tế, quyết định của đền Gadhimai sẽ chỉ là một chiến thắng vô nghĩa với những người yêu động vật.
Tường Linh (Theo Huffington Post)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất